Thời gian qua, một số trang quảng cáo và các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện những lời mời gọi đầu tư bất động sản theo mô hình farmstay tại nhiều địa phương như Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Bình, Ninh Thuận, Thái Nguyên, Bình Thuận, Đồng Nai, Gia Lai, Lâm Đồng, TP.HCM, Long An...
Bộ TN&MT đề nghị các địa phương cần kiểm tra, rà soát, thống kê các khu vực đang tồn tại mô hình này, xác định khu vực có vi phạm đất đai, nêu rõ từng hành vi vi phạm, lập hồ sơ để xử lý kịp thời. Đồng thời, kiểm tra cả những khu vực chưa có vi phạm hoặc có vi phạm nhưng chưa có chế tài xử lý để kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh.
Mô hình farmstay còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Ảnh: QUANG HUY
Bên cạnh đó, các địa phương cần có hướng nghiên cứu, đánh giá các mô hình trên để đề xuất phương án quy hoạch hoặc biện pháp xử lý phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Chính quyền địa phương các cấp cần tuyên truyền quy định pháp luật liên quan để người dân tránh vi phạm pháp luật về chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Đồng thời, cần công khai trên các phương tiện thông tin về những khu vực, dự án có sai phạm; cảnh báo tránh mua bán, đầu tư để không vi phạm pháp luật và thiệt hại về kinh tế.
Bộ TN&MT cho biết mô hình farmstay liên quan đến nhiệm vụ của nhiều ngành như Sở TN&MT, VH-TT&DL, Xây dựng, NN&PTNT... Do đó, UBND các tỉnh, TP cần lập tổ kiểm tra liên ngành để tham mưu cho UBND tỉnh, TP có biện pháp quản lý, giải quyết đồng bộ, toàn diện.
Hiện nay, bên cạnh một số farmstay được đầu tư theo mô hình làm nông nghiệp kết hợp với du lịch thì tại một số địa phương như Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai…, thậm chí các tỉnh miền núi phía Bắc, mô hình này bắt đầu biến tướng. Một số chủ đầu tư đua nhau phát triển dự án bất động sản farmstay, tự phân lô, bán nền theo kiểu góp vốn đầu tư.