Điện Kremlin cho hay tình trạng thiếu bác sĩ đang xảy ra trên cả nước, khi số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến, vượt 18.000 ca một ngày, đài RT đưa tin.
Ca nhiễm mới tăng đột biến, bệnh viện quá tải
Theo ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin, cho biết các bác sĩ nước này đang làm việc trong "điều kiện khắc nghiệt" để chống lại đại dịch COVID-19. Ông Peslov nhận định rằng số ca nhiễm mới tăng đột biến đã dẫn đến việc thiếu giường bệnh, thuốc men và nhân viên y tế trên diện rộng.
Phó Thủ tướng Tatyana Golikova trước đó thông báo rằng 80,9% số giường bệnh ở Nga dành cho bệnh nhân COVID-19 đã kín chỗ.
Ngày 30-10, khi phóng viên gọi điện hỏi ông Peskov về việc tăng tiền lương cho các bác sĩ, ông ấy đã nhấn mạnh rằng các khu vực của Nga đã được trợ cấp thêm tiền để chống dịch COVID-19, nên chính quyền từng khu vực sẽ dùng số tiền đó để thu hút các chuyên gia giỏi hơn.
Một nhân viên y tế đang mặc đồ bảo hộ khi làm việc trong môi trường dễ lây nhiễm COVID-19. Ảnh: SPUTNIK
“Hiện nay, tình trạng thiếu bác sĩ diễn ra khắp mọi nơi. Họ là những người hùng và ta nên cảm ơn họ mọi lúc. Đó là điều đầu tiên. Về tiền lương, lương của bác sĩ có lẽ nên được ưu tiên ở mọi khu vực ” - người phát ngôn Điện Kremlin cho biết.
Theo báo Kommersant có trụ sở tại Moscow, các khu vực giàu có ở Nga đang thu hút các bác sĩ có trình độ cao hơn, trong khi các vùng nghèo thì tình trạng thiếu bác sĩ nhiều hơn.
Nga đã có vaccine, vì sao số ca nhiễm mới trong nước lại tăng kỷ lục
Vào tháng 8, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga vừa đăng ký loại vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới, mở ra kỳ vọng chấm dứt đại dịch ở nước này.
Tuy nhiên, khi làn sóng dịch bệnh thứ hai tấn công nước Nga, khiến số ca nhiễm mới và tử vong kỷ lục thì loại vaccine Sputnik V vẫn chưa có kế hoạch đưa vào sử dụng rộng rãi trong công chúng.
Tổng thống Putin thông báo rằng tất cả các bác sĩ Nga sẽ được nhận thêm tiền khi điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: REUTERS
Vaccine Sputnik V đã được Nga tiến hành thử nghiệm lâm sàn trên vài chục người trước khi bước vào thử nghiệm Giai đoạn 3-giai đoạn quan trọng để xác định tính an toàn và hiệu quả của nó. Tuy nhiên, đến giờ vaccine vẫn chưa đưa vào sử dụng nên nhiều người cho rằng Nga chỉ đang cố giành "bắn phát súng đầu tiên" vì động cơ chính trị.
Ông Alexander Gintsburg, người đứng đầu Viện Gamaleya, nơi phát triển loại vaccine trên nói với đài CNN rằng có 17.000 người đã tham gia thử nghiệm Giai đoạn 3 nhưng thừa nhận rằng cho đến nay chỉ có 6.000 người được tiêm đủ cả hai liều vaccine (Vaccine Sputnik V phải tiêm đủ hai mũi). Điều này cho thấy tiến độ thử nghiệm vaccine của Nga vẫn còn chậm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia vaccine trên thế giới cũng nghi ngờ khi Nga tuyên bố loại vaccine này an toàn quá sớm. Ông Konstantin Chumakov, nhà virus học hàng đầu của Liên minh Global Virus Network đã giải thích quy trình phát triển vaccine. Theo ông Chumakov, vaccine COVID-19 thử nghiệm ban đầu phải được chủng ngừa cho nhiều người. sau đó, phải đợi một thời gian để xem số người này có nhiễm bệnh hay không và tỉ lệ nhiễm bệnh sẽ cao hơn hay thấp hơn so với những người không được chủng ngừa.
Điều này sẽ tốn rất nhiều thời gian, nên ông Chumakov dự đoán vaccine của Nga sẽ có thể chậm hơn từ hai-ba tháng.
Viện Gamaleya giải thích rằng việc vaccine Sputnik V được phát triển và phê duyệt nhanh chóng có thể do trước đó Nga đã phát triển thành công vaccine phòng Ebola và MERS-Hội chứng Hô hấp Trung Đông.
Tính đến nay, các nhà chức trách Nga đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan, bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang, khuyến cáo quán bar và câu lạc bộ đóng cửa sau 23 giờ.
Hôm 29-10, Tổng thống Putin nhắc lại rằng chính phủ Nga không có kế hoạch tổng phong tỏa để ngăn ngừa COVID-19, dù số lượng trường hợp nhiễm mới ngày càng tăng. Ông nói rằng Nga sẽ thực hiện các biện pháp "có mục tiêu" hơn.
Theo số liệu chính thức của chính phủ, Nga có đã có 1.599.976 ca nhiễm COVID-19, với 27.656 trường hợp tử vong. Hôm 30-10, nước này ghi nhận 18.283 ca nhiễm mới và 355 ca tử vong. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày mà Nga ghi nhận được kể từ đầu đại dịch đến nay.
Sẽ tăng lương cho bác sĩ Trước đó vào ngày 8-4, Tổng thống Putin đã thông báo rằng tất cả các bác sĩ Nga sẽ được nhận thêm tiền khi điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Tuần trước, báo Kommersant phát hiện ra rằng kế hoạch này sẽ được kéo dài đến năm 2021. Tùy thuộc vào vị trí mà nhân viên y tế đảm nhiệm, tiền thưởng dao động từ 25.000 rup đến 80.000 rup (tương đương 7 triệu đồng -23 triệu đồng). |