Hàng nghìn người dự thính buổi tranh cử vào đêm 24/10 của Donald Trump tại sân bay Waukesha gần Milwaukee đã reo vang và tung hô màn trình bày của ông. Chưa bao giờ đại dịch lại diễn biến phức tạp ở Trung Tây và các bang "chiến địa" trong giai đoạn cuối của chiến dịch tranh cử như hiện tại. Trump quả quyết: "Đại dịch Trung Quốc - nó sẽ biến mất, nó sẽ phải rời khỏi đây."
Người hâm mộ Donald Trump ở Wisconsin đã có cơ hội nhìn thấy ông rất nhiều. Nếu sự kiện hôm thứ Bảy không khiến họ thỏa mãn, thì họ có thể tham dự buổi tranh cử khác xa hơn về phía tây tại Tây Salem vào thứ Ba. Đó sẽ là cuộc vận động thứ ba của ông Trump ở Wisconsin trong vòng chưa đầy hai tuần. Ông còn triển khai thêm một cuộc vận động tranh cử khác trước ngày bỏ phiếu vào 3/11. Trump tin tưởng vào sức mạnh của các cuộc vận động của mình khi chiến dịch tranh cử Tổng thống đang dần đi đến hồi kết.
Nguồn: The Guardian
Vào ngày xuất hiện ở Waukesha, ông đã đề cập đến những sự kiện tương tự tại Bắc Carolina và Ohio. Năm 2016, những sự kiện trong giai đoạn cuối chiến dịch như vậy đã kích động những người ủng hộ ở ba bang miền Trung Tây — Michigan, Pennsylvania và Wisconsin — những nơi đem lại chiến thắng sít sao cho ông, mặc dù ông đã thua về số phiếu phổ thông. Ông thích thú việc truyền năng lượng cho những đám đông, tạo ra những câu nói châm biếm hài hước, nhảy múa khi nhạc nổi lên và không dùng bất kỳ bài phát biểu nào đã được chuẩn bị sẵn.
Những người thân cận Trump tuyên bố ông sẽ thuyết phục bất cứ ai, dù là cử tri độc lập hay những người hiếu kỳ, chứ không chỉ đơn thuần tập trung vào nhóm người trung thành ủng hộ ông. Ngược lại, các sự kiện công khai của đảng Dân chủ lại có vẻ ít và lép vế hơn, với lý do cách lý xã hội. Cựu Tổng thống Barack Obama, thay mặt cho Joe Biden, đã phát biểu một cuộc vận động "ngồi trong ô tô" (drive-in) ở Pennsylvania. Tiếng những người lái xe bóp còi inh ỏi không phù hợp chút nào với không khí, cùng với những âm thanh của tập thể đang phẫn nộ. Cảm giác đây là tiếng tắc đường chứ không phải một cuộc vận động nữa.
Tuy nhiên, các cuộc vận động liên tục dường như không giúp được gì cho Trump lần này. Triển vọng tại Trung Tây không có vẻ tươi sáng bằng lần tranh cử trước. Trên toàn khu vực, Biden liên tục đạt được tỷ lệ bỏ phiếu cao hơn những gì Hillary Clinton đã làm trong năm 2016. Quan trọng hơn, ông hoàn toàn vượt trội so với Trump.
Mô hình dự báo của The Economist cho rằng cho Đảng Dân chủ có cơ hội chiến thắng hơn 90% ở cả ba bang. Ở Pennsylvania, con số là 88%. Biden thậm chí còn có cơ hội thắng tại tiểu bang Trung Tây khác là Iowa và Ohio, nơi mà ông Trump đã vô cùng tự tin vào 2016. Và một dấu hiệu cho thấy tình trạng bất ổn của Đảng Cộng hòa: các ứng cử viên thượng nghị của Đảng Cộng hòa ở Trung Tây, chẳng hạn như thượng nghị sĩ đương nhiệm nhiệm kỳ đầu tiên Joni Ernst ở Iowa, được dự báo là sẽ thua cuộc. (Mô hình của The Economist mang lại cho đảng Dân chủ cơ hội 74% giành được Thượng viện).
Các cuộc thăm dò có thể hoàn toàn phản ánh toàn bộ cục diện, nhưng một vài yếu tố gần đây cũng cho thấy Biden có khả năng lặp lại thành công của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018. Hai năm trước, các đảng viên Đảng Dân chủ đã dẫn đầu, chỉ tính riêng ở ba bang Trung Tây Illinois, Michigan và Wisconsin và chiếm nhiều ghế trong quốc hội của khu vực ngoại ô các thành phố lớn, chẳng hạn như phía tây Chicago.
Điều đó một phần nhờ vào số lượng rất lớn cử tri đi bầu. Tỉ lệ bỏ phiếu sớm chưa từng có tiền lệ trong thời điểm này thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Đến 25/10, khoảng 60 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử, chiếm 40% tổng số người đã bỏ phiếu năm 2016. Ví dụ, ở Wisconsin, kỷ lục đã có 1,3 triệu phiếu đã được bỏ (trong tổng số 3 triệu phiếu đã được bỏ vào năm 2016); ở Michigan là 1,6 triệu (tổng năm 2016 là 4,8 triệu).
Một lý do nữa phản ánh sự ảm đạm của Đảng Cộng hòa: Đảng Dân chủ với số tiền quyên góp kỷ lục đang chi rất nhiều cho quảng cáo chính trị trên toàn khu vực. Trong khi Clinton hồi 2016 hầu như không quảng cáo ở Wisconsin và Michigan (bà đã bỏ ra rất nhiều ở Pennsylvania nhưng không thật sự hiệu quả), Biden đã chi khoảng 30 triệu đô la ở Michigan và 25 triệu đô la ở Wisconsin. Mặc dù các cuộc vận động và các sự kiện trực tiếp của ngài tổng thống đã có hiệu quả phần nào, song trong khoảng thời gian bùng phát covid-19, với nhiều người phải ở nhà, tiền quảng cáo có thể mang lại nhiều lợi ích hơn bình thường.
Ngoài chiến dịch tranh cử, điều gì đã xảy ra với Trump ở Trung Tây? Có một nguyên nhân chính và một số yếu tố bên lề giải thích những khó khăn của ông. Điều kinh khủng nhất là việc ông đã ứng phó sai cách với virus Corona - và tiếp tục phủ nhận mức độ nghiêm trọng của nó khi cuộc khủng hoảng y tế công cộng lại bùng phát.
Vào ngày 23/10, kỷ lục ghi nhận đã có gần 84.000 người Mỹ dương tính với virus. Các bệnh viện ở Wisconsin, một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cả nước, chật kín bệnh nhân nặng và các bệnh viện dã chiến đã được mở cửa. Số lượng ca tử vong hàng ngày do virus đang tăng trở lại. Tại Wisconsin, hơn 4.000 trường hợp mới được công bố vào 25/10 và hơn 1.770 người đã chết. Vùng Trung Tây hiện đang bị dịch bệnh tàn phá nặng nề hơn nhiều so phần còn lại của cả nước.
Đầu năm nay, vẫn chưa rõ đại dịch sẽ ảnh hưởng đến cục diện chính trị như thế nào. Các đảng viên Cộng hòa, trong giai đoạn đầu của đại dịch, đã nổi giận nhất về việc khóa cửa, đóng cửa các nhà thờ và doanh nghiệp và việc bắt buộc đeo khẩu trang. Giờ đây, đại dịch cũng đã lan đến những nơi xa hơn, ngoại ô và nông thôn - thường là những nơi các cử tri Đảng Cộng hòa sống - phản ứng của họ đang thay đổi. Ví dụ, phần lớn miền bắc Wisconsin bị ảnh hưởng nặng nề. Sự coi thường đại dịch hiển nhiên của Trump đối với số phận của những cử tri lớn tuổi đang gây hại cho ông ở nhiều vùng nông thôn.
Đại dịch cũng làm dấy lên mối quan tâm hàng đầu về chăm sóc sức khỏe. Vào giữa nhiệm kỳ, vấn đề này đã giúp đẩy mạnh việc những người phụ nữ có trình độ đại học ở các vùng ngoại ô đặc biệt bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Khi ông Trump nói về việc hủy bỏ Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền, cắt bảo hiểm y tế của hàng triệu người nghèo Mỹ; và trong khi đang có những trăn trở về viễn cảnh tương lai, các cử tri nghèo đã trở nên hoài nghi về ông.
Nguồn: CNN
Đại dịch phải là vấn đề chính cần được nhấn mạnh. Nhưng Trump cũng phải đối mặt với một loạt khó khăn khác. Một là Biden, vốn xuất thân từ tầng lớp lao động, có sức hút lớn với người Trung Quốc hơn bà Hillary Clinton. Năm 2016, các cử tri ở Wisconsin không hào hứng với các ứng cử viên của cả hai đảng. Nhiều người ở nhà hoặc tìm đến các bên thứ ba. Lần này, Biden của đảng Dân chủ đã được rất nhiều người yêu mến. Trong những chuyến đi đến Iowa, Indiana, Illinois, Ohio và Wisconsin trong tháng qua, ngay cả những cử tri Đảng Cộng hòa cũng thừa nhận rằng họ cảm thấy có chút ác cảm với Biden. Charles Franklin, thuộc Đại học Marquette ở Milwaukee, nói rằng mức độ yêu thích của Biden ở Wisconsin đã vượt xa Trump kể từ tháng 5. Hiện tại, ông đã dẫn trước ngài tổng thống đến 11 điểm và khoảng cách đó có vẻ khá khó vượt qua.
Các vấn đề khác đối với ông Trump bao gồm việc xử lý các cuộc biểu tình đối với sự bạo lực của cảnh sát đối với người Mỹ gốc Phi và hậu quả từ cái chết George Floyd ở Minneapolis và Breonna Taylor ở Louisville, và vụ bắn Jacob Blake ở Kenosha trong những tháng gần đây. Mối quan tâm về sự phân biệt chủng tộc của các thành phố và căng thẳng giữa người Mỹ gốc Phi và cảnh sát đặc biệt trở nên vô cùng nóng ở Trung Tây trong năm nay. Đổi lại, những nỗ lực của ông Trump nhằm khuấy động sự thù địch sắc tộc ở những cử tri da trắng từ ngoại ô, rõ ràng đã không có kết quả. Thay vào đó, ông có thể đã khiến cho nhiều cử tri người Mỹ gốc Phi và những người trẻ thuộc các chủng tộc khác nhau quay sang ủng hộ ông Biden. Điều đó có thể có nghĩa là Đảng Dân chủ đang có được lượng phiếu bầu cao bất thường ở các thành phố như Milwaukee và Madison ở Wisconsin.
Có một kịch bản trong mơ nào cho việc ông Trump đang xông xáo trong các cuộc vận động tranh cử sẽ thay đổi cục diện khi chỉ còn lại một tuần tranh cử cuối cùng không? Điều này có vẻ không thể xảy ra. Lời kêu gọi của ông đối với các cử tri da trắng có trình độ dưới đại học ở Trung Tây có thể vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhưng tỷ lệ này đã giảm dần theo từng năm. Tỷ lệ cử tri người Mỹ gốc Phi ở các thành phố như Milwaukee và Detroit đi bầu cao hơn, cũng như các cử tri có trình độ đại học ở các vùng ngoại ô, có nhiều khả năng là một thách thức cho ông Trump ở khu vực có vai trò vô cùng quan trọng đối với thành công của ông thời gian qua.
Tham khảo The Economist