vĐồng tin tức tài chính 365

Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 9: Bàn Cờ, giao điểm truân chuyên

2020-11-03 12:38
Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 9: Bàn Cờ, giao điểm truân chuyên - Ảnh 1.

Con lộ Bàn Cờ và xóm “nhà cây” ven đường mới mở năm 1958 - Ảnh tư liệu

Vậy đấy, cái chốn tôi ở gần 50 năm, đang thay da đổi thịt vùn vụt như cả thành phố hiện giờ. Thế mà, mỗi sáng đạp xe dạo quanh phố xá mới mẻ, từng vòng xe vẫn đưa tôi về bao nhiêu hình ảnh và ký ức thân quen. Đây rồi, Bàn Cờ, cái xóm lam lũ một thời, cái xóm chở che bao phận người cao thấp, còn đó hay phôi pha trong một Sài Gòn mở rộng lớn lao.

Giao điểm vàng các quận phồn hoa

Trên bản đồ Sài Gòn năm 1955, có ghi Bàn Cờ là một khu vực lớn trải dài từ đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám) đến đường Lý Thái Tổ. Năm 1967, mẹ tôi đổi từ nhà thuê ở đường Vĩnh Viễn, quận 10, sang nhà bà ngoại tôi trong hẻm 549 đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), đối điện với chợ Bàn Cờ. 

Cả con hẻm dài ngoằng nhưng thẳng tắp, đều là nhà cây vách ván lụp xụp, phần lớn lợp mái tôn gỉ sét. Lác đác vẫn có nhà lợp lá dừa nước hoe hoe bụi bặm. Từ đó về sau, cái thằng nhóc tuổi con cọp dài lưng, bắt đầu lớn lên, la cà trong hàng chục con hẻm chạy dọc chạy ngang theo các đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Cao Thắng…Chèn đét, những con hẻm có nhà cửa giông giống, khá đều đặn và vuông vắn, thông với nhau, qua lại dễ dàng. Chẳng trách, người lớn quen gọi đây là Bàn Cờ, một cái tên tượng hình, rất bình dân và dễ nhớ!

Cái thằng nhóc con dần dần nhận ra từ xóm Bàn Cờ đi đâu trong Sài Gòn cũng tiện. Này nhé, về phía quận 1, có Sở Thú là "thế giới thần tiên" của con nít. Lâu lâu cuối tuần, cậu tôi cho bọn nhóc trong nhà đi đến đấy bằng xe Honda. Xe từ Cao Thắng ra nhà thương Từ Dũ, cứ chạy một mạch trên đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai) là đến nơi. Quận 1 còn có nhà ga xe lửa, có chợ Bến Thành, đường Lê Lợi và đường Tự Do (Đồng Khởi), từ Bàn Cờ ra đấy "gần xịt"!

Có lần bọn nhóc lớp 5 chúng tôi, sau buổi học, rủ nhau chạy bộ ra "phố Sài Gòn". Bọn tôi đi ngược đường Phan Đình Phùng đến chỗ ngã tư ông "Sư tự thiêu" (Thích Quảng Đức). Sau đó, quẹo trái đi thẳng đường Lê Văn Duyệt gặp "ông Phù Đổng" (tượng Phù Đổng Thiên Vương dựng ở bùng binh ngã sáu Sài Gòn), liền thấy xa xa cái tháp đồng hồ uy nghi của chợ Bến Thành. 

Quanh chợ có cái thương xá mang tên Mỹ là Crystal Palace (tên Việt là thương xá Tam Đa, có hai mặt phố Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và Nguyễn Trung Trực, sau tháng 4-1975 đổi thành Bách hóa tổng hợp và rồi Intershop, bị cháy năm 2002), nơi có cầu thang cuốn lạ lẫm, luôn cuốn hút trẻ nhỏ. Trong khi đó, Chợ Lớn cũ và Chợ Lớn mới (Chợ Lớn cũ có trước 1928, khu phố lớn Nhà bưu điện quận 5 ngày nay, Chợ Lớn mới là phần Chợ Lớn mở rộng sau 1928, với chợ Bình Tây là trung tâm, khu tiếp giáp quận 5 và quận 6) đều là "hàng xóm" của Bàn Cờ! Thỉnh thoảng, mẹ tôi vào chợ Bình Tây cất hàng, thường cho tôi đi cùng xích lô máy. Xe chạy từ ngã bảy theo đường Minh Mạng (Ngô Gia Tự) chỉ mươi phút là đến cái chợ khổng lồ ấy. 

Về phía quận 10, từ Bàn Cờ có thể đi bộ ra bến xe Đà Lạt (bến xe Petrus Ký, đường Lê Hồng Phong bây giờ), đi thêm một đoạn là đến Việt Nam Quốc Tự. Thêm chút nữa là Bệnh viện Nhi đồng và phở Tàu Bay nổi tiếng!

Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 9: Bàn Cờ, giao điểm truân chuyên - Ảnh 2.

Cổng chào tam quan đường vào cư xá Đô Thành ngày nay, đây là dấu tích quy hoạch xóm thợ Bàn Cờ đầu những năm 1940 - Ảnh: PHÚC TIẾN

60 năm từ đồng lên phố

Thuở nhỏ, tôi chưa bao giờ tự hỏi xóm nhà mình nguyên thủy từ đâu đến. Mãi sau này, hỏi chuyện người già và sách sử, tôi mới hay Bàn Cờ đầu thế kỷ 20 chỉ là rìa đất trống vòng ngoài của đô thị Sài Gòn thời Pháp. Ngày ấy, phố xá Sài Gòn chỉ từ bến Nhà Rồng kéo vào khu Chợ Đũi (quanh khách sạn New World hiện tại) là hết. Chung quanh "nội ô" Sài Gòn vẫn còn bàu, đìa, đồng, vườn, dân cư thưa thớt. Từ khu Chợ Đũi có một con lộ độc đạo chạy lên Tây Ninh, mang tên Verdun (sau này là đường Lê Văn Duyệt), hai bên là đồng đất mênh mông, đầy mồ mả.

Trong đó, khu vực Đồng Mả Ngụy, tương truyền là nơi hàng ngàn binh lính và dân đen tham gia nổi loạn Lê Văn Khôi bị triều đình Minh Mạng xử chém và vùi xác. Sử gia Nguyễn Đình Đầu cho rằng Đồng Mả Ngụy nằm ở khoảng Công trường Dân Chủ kéo xuống quanh khu vực Bệnh viện Bình Dân bây giờ. Tôi nghĩ thuyết này đúng, bởi ngày xưa đi đâu trong các hẻm Bàn Cờ cũng thấy rải rác một hai gò mộ vô chủ, giống như gò mối đùn lên, xen lẫn nhà cửa.

Mãi đến thập niên 1930-1940, người Pháp bắt đầu có kế hoạch mở rộng đô thị Sài Gòn về hướng Chợ Lớn. Thông tin trên tạp chí Indochine và Nam Kỳ Tuần Báo 1943 -1944, cho biết cả vùng đất trống từ đường Verdun đổ xuống đại lộ Hui Bon Hua (Lý Thái Tổ) được quy hoạch là khu lao động của đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn. 

Có lẽ vì thế, tại đây mới hình thành việc chia ô, phân lô và lên "họa đồ" những ô nhà 3mx10m và những con hẻm ngang dọc, đầy đặn như Bàn Cờ. Chính cái cổng tam quan nguy nga ở đầu cư xá Đô Thành hiện tại (gần Bệnh viện Bình Dân) được xây từ dạo đó, là cột mốc và dấu tích về sự ra đời của "xóm thợ Bàn Cờ".

Tuy nhiên, cuộc chiến Việt Pháp 1945-1954 đã làm dân các vùng quê "chạy loạn", tràn về Sài Gòn như nước lũ. Do vậy, kế hoạch xây dựng "xóm thợ" quy củ tan vỡ, chính quyền chuyển khu vực Bàn Cờ trống trải thành đất cho các "trại tạm cư". 

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Việt kiều ở Mỹ, kể với tôi rằng nhà ông từ Tiền Giang phiêu dạt về đây vào những năm đó. Ông còn nhớ cả khu Bàn Cờ những năm 1950 chỉ toàn nhà lá và đường đất nhỏ hẹp. Cao ốc duy nhất trong vùng là khu cư xá 5 tầng của Pháp, chỉ mới xây, những năm 1953-1954, nằm ở đầu đường Cao Thắng (bây giờ vẫn còn nhưng tàn tạ!)

Sau khi Sài Gòn yên hàn, con lộ mang tên Bàn Cờ được mở thì khu đất này mới biến đổi lớn. Trong các tập báo xưa còn lưu ở thư viện thành phố, tôi tìm thấy phóng sự và ảnh chụp Tổng thống Ngô Đình Diệm đi thị sát xóm Bàn Cờ vào năm 1958. Trong ảnh, hai bên con lộ chính đều là "nhà cây" (nhà gỗ) một, hai tầng mới mọc, trông tinh tươm, ngay hàng thẳng lối. Trường tiểu học Phan Đình Phùng - ngôi trường đầu đời của tôi - cũng vừa được khánh thành lúc ấy, chỉ là nhà gạch một tầng lợp ngói nâu.

Cùng năm tháng đó, nằm kế bên Bệnh viện Bình Dân trên đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ ngày nay), cư xá Đô Thành ra đời theo một quy hoạch mới dành riêng cho công chức bậc thấp và bậc trung. Gần Bàn Cờ, khu Trường Petrus Ký (Lê Hồng Phong) rộng lớn được chia lại, dành đất cho "Khoa học Đại học đường" (nay là Đại học Khoa học tự nhiên), Đại học Sư phạm, Trường Sư phạm Sài Gòn. Do vậy, bỗng chốc công chức, y tá, nhà giáo, sinh viên, dân nghèo… ở khắp nơi đổ đến chọn Bàn Cờ làm chỗ ở, chỗ trọ và chốn sinh nhai càng nhiều, hòa trộn với "dân tạm cư" cũ!

Nếu lấy cái mốc 1957 làm thời điểm chính thức chuyển từ đất trống, đất tạm cư lên phố thị tân tiến, thì Bàn Cờ của chúng tôi đến nay ngoài "60 năm cuộc đời"! Chừng ấy năm tháng, tạo ra nhiều "văn vật" và phận người đa dạng, không thể nào quên...

Lớn lên, tôi nghiệm ra đích thị Bàn Cờ nằm ở vị trí “giao điểm vàng” giữa quận 1, quận 3, quận 5, quận 10 - những khu phồn hoa trung tâm lâu năm của Sài Gòn. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến Bàn Cờ trong 20 năm trở lại đây ngày càng sầm uất, ngày càng chen chúc nhà lớn, nhà nhỏ đắt giá.

*****************

Ai biết Bàn Cờ hẳn nhớ đầu tiên là chợ, nơi tập trung và lan tỏa nhộn nhịp cho cả vùng. Và đây cũng là "cái túi" hội đủ phận người giàu, nghèo, trí thức, lao động…

Kỳ tới: Phố chợ, phận người

Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 8: Lũy Bán Bích từng ngát hương ngâuSài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 8: Lũy Bán Bích từng ngát hương ngâu

TTO - Ngày ấy, quanh khu vực đường Trịnh Đình Thảo - Lũy Bán Bích (quận Tân Phú, TP.HCM) là những vườn ngâu rộng lớn, tỏa ngát hương thơm. Sau bao vật đổi sao dời, đồng ngâu này chỉ còn trong ký ức...

Xem thêm: mth.7594001130110202-neyuhc-naurt-meid-oaig-oc-nab-9-yk-gnouht-gnouht-ohn-ohn-nog-ias/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 9: Bàn Cờ, giao điểm truân chuyên”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools