Trong phiên thảo luận tại Quốc hội về kinh tế xã hội sáng nay (3/11), vấn đề phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác hay làm thủy điện tiếp tục được nhiều đại biểu quan tâm.
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị), khi lý giải những bất thường về lũ bão vừa qua đã có lát cắt về nguyên nhân thiên tai rằng do biến đổi khí hậu, hậu quả về hình thái phức tạp, nắng hạn quá lâu ngày, đất bị nung khô, gặp mưa lớn kéo dài, lượng mưa kỷ lục, độ ẩm đất dốc tăng nhanh, sức kháng của khối đất giảm đi, nên đồi, núi sạt lở, ngập úng lớn kéo dài. Nhưng chắc chắn có thể nhận ra là chúng ta đã mất quá nhiều rừng tự nhiên.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị)
"Nhìn vào mưa lũ và hậu quả miền Trung vừa qua càng thấm thía và thấy cái giá phải trả cho việc mất rừng lớn như thế nào"- ông Thắng phản ánh.
Cũng theo đại biểu đoàn Quảng Trị, trong hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt được xây dựng với những quy mô khác nhau, cùng với mưu sinh của người dân và nhu cầu phát triển hạ tầng, hàng chục ngàn hecta rừng đầu nguồn mất đi, chỉ tiêu phấn đấu về độ che phủ rừng hằng năm đều tăng.
Nhưng điều đó không nói được nhiều về chất lượng, khả năng giữ đất, giữ nước, sức chống chịu thiên tai khi mà diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày một giảm đi.
Nước ở thượng nguồn là nguyên nhân kích hoạt cho lũ quét và sạt lở đất, cường độ của nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn và tai họa khủng khiếp hơn.
"Thủy điện có thể không làm tăng lũ nhưng thủy điện làm mất rừng là tác nhân khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn", đại biểu Hoàng Đức Thắng cho biết.
Đại biểu Thắng nhấn mạnh cần kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, làm ảnh hưởng đến rừng (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Thắng đề nghị Quốc hội cần tăng cường các cuộc giám sát tối cao để có các quyết sách mạnh mẽ về mục tiêu, giải pháp, nhất là kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, làm ảnh hưởng đến rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, tác động đến chế độ dòng chảy tự nhiên, môi trường và đời sống người dân.
Vì người, không vì tiền
Đồng quan điểm với ông Thắng, vào ngày hôm qua (2/11), trong phiên thảo luận tại tổ, ĐBQH đoàn Hà Giang và cũng là Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Toàn Xuân Sùng nhấn mạnh là cần có báo cáo với Quốc hội, ít nhất là với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sự an toàn của hệ thống thủy điện, thủy lợi và các hồ chứa nước.
Đại biểu Toàn Xuân Sùng nhấn mạnh các dự án thủy điện phải vì người dân, không phải vì tiền
"Quan điểm của tôi, những thủy điện nhỏ và vừa, đã và đang làm nếu như không an toàn cho hạ lưu, không đảm bảo môi trường, cứ xâm lấn rừng thì cho dừng xây dựng, có cơ chế đền bù, vì người chứ, không vì tiền", ông Sùng khẳng định.
Ngoài ra, theo quan điểm của ông Sùng, tại các lưu vực các con sông, đầu nguồn các con suối thì không trồng rừng kinh tế, thay vào đó là trồng rừng môi trường (rừng nguyên sinh) để trả lại lớp thực bì cho rừng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!