Quyết định trả tự do hôm 3-11 được tòa án Thái Lan đưa ra sau khi phía tòa án cho rằng cảnh sát đã hết thời hạn giam giữ các nhà hoạt động này. Tuy nhiên, họ vẫn sẽ phải đối mặt với các cáo buộc khác liên quan đến các cuộc biểu tình, theo đài Channel News Asia.
“Chúng tôi đã được tự do và sẵn sàng quay trở lại chiến đấu”- Ông Arnon Nampa, lãnh đạo phong trào biểu tình đồng thời là một luật sư nhân quyền cho biết. Hàng trăm người dân Thái Lan đã tập trung tại trại tạm giam Bangkok, Thái Lan để ủng hộ ông cùng các nhà hoạt động khác.
Ông Arnon đã phá bỏ điều cấm kỵ lâu đời tại Thái Lan khi công khai chỉ trích và kêu gọi cải cách chế độ quân chủ vào tháng 8 nhằm kiềm chế quyền lực của nhà vua Maha Vajiralongkorn.
Ông Ekachai Hongkangwan và ông Suranat Paenprasrt, hai trong số bốn nhà hoạt động được thả tự do trước đó đã bị cáo buộc xúc phạm hoàng gia Thái Lan trong sự kiện chế nhạo hoàng hậu Suthida khi đoàn xe của bà đi qua lực lượng biểu tình gần Tòa nhà Chính phủ hôm 14-10.
Đoàn xe của hoàng hậu Suthida gặp phải lực lượng biểu tình gần Tòa nhà Chính phủ. Ảnh: JAPAN TIMES
Ông Ekachai và ông Suranat có thể chịu hình phạt từ 16 năm tù đến chung thân nếu tính mạng của hoàng hậu Thái Lan được cho là bị đe dọa. Tuy nhiên, trong suốt quá trình xét xử, cả hai người đều không nhận tội và phản đối với cáo buộc này.
Song song với việc yêu cầu cải cách chế độ quân chủ, lực lượng biểu tình Thái Lan cũng yêu cầu thay đổi hiến pháp và loại bỏ Thủ tướng Prayuth ra khỏi bộ máy chính trị Thái Lan. Theo những người biểu tình, ông Prayuth đã thực hiện gian lận bầu cử nhằm giữ chiếc ghế Thủ tướng.
Đáp lại cáo buộc trên, ông Prayuth đã nói rằng cuộc bỏ phiếu đó hoàn toàn dựa trên cơ sở công bằng và ông không có lý do gì để từ chức.
Các nhà hoạt động được thả tự do là bốn trong số hàng chục người biểu tình bị bắt giữ khi sắc lệnh khẩn cấp được áp dụng vào cuối tháng 10 tại Thái Lan nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình. Trái ngược với mong chờ của chính phủ Thái Lan, biện pháp này đã phản tác dụng khi các cuộc biểu tình có xu hướng ngày càng gia tăng.
Hoàng gia Thái Lan vẫn không đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào kể từ khi các cuộc biểu tình diễn ra. Tuy nhiên, vào hôm 1-11, nhà vua Maha Vajiralongkorn đã trả lời phỏng vấn với đài Channel 4 khi đưa ra ý kiến về những người biểu tình: “Chúng tôi yêu quý họ như nhau. Thái Lan là vùng đất của sự thỏa hiệp”.