Không như kỳ vọng ban đầu
Hiện, UBND TP.HCM đang xem xét đề xuất của sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM về việc dừng thực hiện đề án “Quảng cáo trên phương tiện giao thông trên địa bàn TP”.
Sau 3,5 năm triển khai từ tháng 4/2017, phía sở GTVT TP trình phương án kết thúc hoạt động này vào ngày 2/1/2021, cũng là thời điểm kết thúc hợp đồng giữa trung tâm Quản lý giao thông công cộng và công ty TNHH Koa-Sha Media Việt Nam (đơn vị trúng đấu giá quảng cáo).
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc sở GTVT TP cho rằng, quá trình thực hiện đề án có nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến vấn đề đầu tư phương tiện của các đơn vị vận tải, công tác bàn giao tiếp nhận xe buýt để quảng cáo trên thân xe và tình hình thay đổi đơn vị đảm nhận hoạt động tuyến buýt thuộc gói thầu quảng cáo.
“Bên cạnh đó, mạng lưới tuyến xe buýt trong tương lai cũng sẽ được thay đổi, điều chỉnh theo hướng rút ngắn cự ly, tăng tần suất xe chạy, dẫn đến các tuyến buýt đang hấp dẫn về quảng cáo như hiện nay sẽ thay đổi theo xu hướng giảm”, ông Hưng thông tin.
Trước đó, đề án đặt mục tiêu thu về 135 tỷ đồng/năm nếu đấu giá quảng cáo thành công trên 1.200 xe buýt. Nhưng thực tế chỉ 1 trong 6 lần tổ chức đấu giá là thành công, còn lại đều loay hoay nên chỉ có được 162 tỷ đồng trong 3 năm.
Chính đại diện trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cũng thừa nhận, hiện nay xu hướng quảng cáo đã có sự thay đổi.
Với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều hình thức quảng cáo khác đã tăng cao sức cạnh tranh so với quảng cáo ngoài trời. Vì thế, quảng cáo trên xe buýt dần dần kém thu hút, không còn là kênh ưu tiên cho các đơn vị quảng cáo như trước đây.
Điều nghịch lý là dù cơ quan chức năng có khảo sát, tổ chức trao đổi và lắng nghe góp ý của các công ty, đơn vị quảng cáo nhưng sau khi hoàn thiện đề án, vận động trở lại thì chính các đơn vị này cũng từ chối tham gia.
Vậy là những bước điều chỉnh các điều lệ để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các đơn vị quảng cáo như: Số tiền tạm ứng giảm từ 20% xuống còn 5-10%, thời gian trên từng gói thầu được phép quảng cáo thay vì cố định 3 năm giảm xuống còn 1 hoặc 2 năm, chia nhỏ các gói thầu để “vừa túi tiền”,... đều phá sản.
“Đối với quảng cáo trên xe buýt không thể định nghĩa được tuyến này “có giá” hơn tuyến kia mà mỗi tuyến sẽ phù hợp giới thiệu những sản phẩm nhất định.
Ví dụ, sản phẩm phân bón không thể chọn tuyến xe buýt chạy ở trung tâm mà chỉ phù hợp với tuyến chạy ở ngoại thành.
Ngược lại là các sản phẩm điện tử lại phù hợp cho quảng cáo trên xe hoạt động ở khu vực trung tâm hơn”, ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM nhận định.
Khuyến khích doanh nghiệp tự chủ
Về phía doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt, ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc HTX vận tải số 15 cho hay: “Nhiều năm qua, chúng tôi đã được giao chủ động trong việc quảng cáo đối với các tuyến xe buýt không có trợ giá.
Từ đó, mức giá, các điều kiện thỏa thuận giữa chúng tôi và nhà quảng cáo cũng linh động hơn so với các yêu cầu mà đơn vị quản lý Nhà nước tổ chức đấu thầu.
Vì thế, nên giao lại cho các đơn vị vận tải chủ động trong việc quảng cáo và nguồn thu doanh nghiệp được hưởng từ 30-50%”.
Ý kiến này hoàn toàn có cơ sở khi việc giao về cho doanh nghiệp vận tải xe buýt được tự chủ bán quảng cáo đã rất thành công tại tỉnh Đồng Nai.
Ông Dương Văn Đông, Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết: “Xe trợ giá hay không trợ giá nếu tạo được nguồn thu từ quảng cáo thì họ tự chủ, trang trải các chi phí.
Với chủ trương này, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải đã tự tìm kiếm đối tác ký kết hợp đồng quảng cáo nên đã kiếm thêm nguồn thu để trang trải tiền đăng kiểm, bảo hiểm...”.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM chỉ ra: “Quảng cáo là một nguồn thu quan trọng trong bất cứ hệ thống vận tải hành khách công cộng nào.
Như ở thành phố Lyon (Pháp), hằng năm khoản thu này đã giúp giảm giá vé đi lại của hệ thống vận tải hành khách công cộng khoảng 3%-5%”.
Còn ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch hiệp hội Quảng cáo TP.HCM cho rằng: “Trong khi, các gói thầu quảng cáo trên xe buýt hiện nay của TP.HCM cũng không còn hấp dẫn do những tuyến tiềm năng nhất đã có chủ.
Hình thức quảng cáo trên xe buýt lại không được linh hoạt.
Các chiến dịch quảng cáo của khách hàng cũng thay đổi, chỉ kéo dài 1-2 tháng chứ không còn dài đến cả năm như trước.
Nếu muốn thay những quảng cáo này không đơn giản do thủ tục cũng mất thời gian”.
Tuy nhiên vấn đề cốt lõi mà ông Cáp nhận thấy là do mức giá quảng cáo trên xe buýt của TP.HCM đưa ra quá cao.
Hà Nội là trung tâm quảng cáo lớn trên cả nước mà giá cũng chỉ bằng 20% so với giá trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đưa ra đấu thầu.
Gói quảng cáo đã không hấp dẫn mà lại đưa giá cao thì doanh nghiệp hờ hững là đương nhiên.
Sẽ điều chỉnh để tái khởi động đề án
Nói rõ hơn về đề án, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý Vận tải đường bộ (sở GTVT TP.HCM) trình bày: “Đề xuất tạm ngưng được trình lên UBND TP.HCM nhằm kết thúc hợp đồng cũ, không phải kết thúc toàn bộ đề án quảng cáo mà phải điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Trong đó, cần nghiên cứu lại giá quảng cáo, giảm giá 50% so với giá được duyệt vì mức này được cho là khá cao so với mặt bằng chung của thị trường quảng cáo trên địa bàn TP.HCM”.
Ngoài ra, cơ quan quản lý đang thúc đẩy xây dựng phương án phân phối nguồn thu, trong đó có trích lại một phần tỷ lệ phù hợp cho đơn vị vận tải, chủ phương tiện và đơn vị trực tiếp thực hiện đề án nhằm khuyến khích các đơn vị này hợp tác và tăng hiệu quả khai thác quảng cáo.