Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm 250km cao tốc trong 5 năm tới
Vân Ly
(TBKTSG Online) – Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 3-11 cho biết, từ nay đến 2025 đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm hơn 250km cao tốc (gấp hơn sáu lần hiện tại), sau khi các đại biểu Quốc hội cho rằng việc phát triển hạ tầng giao thông khu vực này hơn 10 năm qua còn khiêm tốn và kiến nghị cần tập trung đầu tư để cải thiện.
Giao thông Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Báo Cần Thơ |
Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ) cho rằng, trong hơn mười năm qua, sự phát triển hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là đường cao tốc chậm và quá khiêm tốn.
“Đến nay chỉ có 41km cao tốc Trung Lương - TPHCM và đang làm thêm 52km Trung Lương - Mỹ Thuận, khởi công 23km Mỹ Thuận - Cần Thơ. Như vậy, khi hoàn thành chỉ có 115km cao tốc, quá ít so với một vùng chiếm 13% diện tích cả nước. Bài toán hạ tầng giao thông cho vùng này chưa thật sự phù hợp”, đại biểu Thanh Xuân nói.
Vị đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Cần Thơ kiến nghị Chính phủ tính toán trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới phải bố trí nguồn lực vốn phù hợp, hợp lý cho phát triển giao thông đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ cần lượng hóa việc đầu tư đường cao tốc cho đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, cần xác định đến năm 2025, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có bao nhiêu kilômét đường cao tốc và phân bổ nguồn đầu tư cụ thể để thực hiện, bởi có như thế mới hy vọng thay đổi được hạ tầng giao thông của vùng này.
Cũng nói đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Quốc Hận, đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau, cho biết qua đợt mưa lớn, nước biển dâng vừa qua càng làm cho thấy rõ hơn về sự yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long, mà trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông. Nếu miền Trung lũ dâng cao là do hiện tượng mưa lớn, mưa dày thì đồng bằng sông Cửu Long ngập lụt là do nước biển dâng.
Ông Hận cho hay, từ TPHCM đến Cà Mau có nhiều đoạn đường ngập sâu cả mét nước, hàng ngàn phương tiện lưu thông chết máy khi lần dò đường đi. Rất nhiều học sinh với màu áo trắng tinh khôi lội nước ngập sâu và đến trường phải mặc bộ đồ ướt cho đến hết buổi học...
Từ thực trạng nói trên, ông Hận kiến nghị cần nâng cao độ các công trình giao thông hoặc xây dựng đường giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo hướng cầu cạn để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư nhiều đường kết nối giữa các đô thị với nhau và trong nội ô các đô thị.
"Thêm nữa cần nhanh chóng hoàn thành đưa vào vận hành đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường quốc lộ 63 đoạn qua nội ô thành phố Cà Mau. Đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021-2025 cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau; đầu tư Cảng nước sâu Hòn Khoai thuộc tỉnh Cà Mau", ông Hận nói.
Sẽ đầu tư thêm 250km cao tốc
Giải trình về các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu trên, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung cho nghiên cứu 7 đường cao tốc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
“Nghiên cứu thì nhiều nhưng mà chúng ta sẽ lựa chọn những đoạn, những tuyến, những khu vực quan trọng để chúng ta đầu tư trong 5 năm”, ông Thể nói.
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, ông Thể cho hay Bộ này đã trình Chính phủ và sẽ trình Quốc hội, hết năm 2025 có thể sẽ nâng tỷ lệ giao thông cao tốc của đồng bằng sông Cửu Long lên so với hiện tại. Nếu hiện nay là hơn 40km thì dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên khoảng hơn 300 km. Tức là phải đầu tư thêm khoảng hơn 200km, gồm có tuyến cao tốc từ Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành năm 2022 và cầu Mỹ Thuận 2023. Sẽ nâng cấp đoạn đường Cao Lãnh - Vàm Cống và Vàm Cống ra Rạch Sỏi là khoảng 75km thành đường cao tốc, theo ông Nguyễn Văn Thể.
Sẽ làm Quốc lộ 30 từ Cao Lãnh ra An Hữu để kết nối với cao tốc TPHCM - Cần Thơ. Đặc biệt là đường cao tốc từ thành phố Cần Thơ đến thành phố Cà Mau nằm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
“Đây là một quyết tâm rất lớn của Chính phủ và chúng tôi cũng thấy rằng không xây dựng đường cao tốc thì vấn đề thu hút đầu tư phát triển sẽ rất nhiều khó khăn. Do đó, chúng tôi cũng đã xây dựng một kế hoạch rất cụ thể, rất mong là các đại biểu Quốc hội ủng hộ để làm sao chúng ta hình thành nên hệ thống giao thông vận tải ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, để đánh thức tiềm năng, thế mạnh và phát huy được thế mạnh của đồng bằng giúp cho khu vực này có thể phát triển tốt hơn trong thời gian sắp tới”, ông Thể nói.
Xem thêm: lmth.iot-man-5-gnort-cot-oac-mk052-meht-oc-es-gnol-uuc-gnos-gnab-gnod/122013/nv.semitnogiaseht.www