Khó khăn là sức ép để đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử
Vân Ly
(TBKTSG Online) - Dịch bệnh Covid-19 đã tác động nhiều mặt đến hoạt động giao thương quốc tế, trong đó có xuất khẩu hàng hóa. Do đó, các cơ quan chức năng đang thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử lớn của thế giới như Amazon, Alibaba...
Ông Đỗ Quang Vinh, Giám đốc điều hành Chi nhánh của Tập đoàn T&T Group tại Mỹ, cho biết doanh nghiệp này sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu đưa hàng vào Mỹ qua sàn thương mại điện tử. Ảnh: Vân Ly |
Covid-19 cho thấy vai trò của xuất khẩu trực tuyến
Phát biểu tại cuộc hội thảo về đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử được tổ chức vào ngày 3-11 tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dịch bệnh Covid-19 làm cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng như của Hà Nội gặp khó khăn. Đơn cử, việc nhiều đối tác nhập khẩu thông báo trì hoãn đơn hàng đã góp phần làm cho tăng trưởng xuất khẩu của Hà Nội không đạt như kế hoạch. Mức tăng trưởng trong 10 tháng qua ở mức thấp nhất so với cùng kỳ trong 10 năm qua.
Theo số liệu thống kê, Hà Nội có 157.000 doanh nghiệp, hơn 1.350 làng nghề. Trong đó, lượng hàng xuất khẩu chiếm đến 40% sản lượng của các làng nghề. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp, các làng nghề muốn giữ chân người lao động phải liên tục sản xuất, nhưng con đường xuất khẩu lại bị đình trện khiến hàng làm ra phải lưu trữ trong kho. Các doanh nghiệp phải xoay xở bán thêm hàng tại thị trường nội địa.
“Hàng hóa xuất khẩu được thì có giá trị cao hơn nhiều so với hàng tiêu thụ nội địa. Do đó, xuất khẩu được hàng hóa là mong muốn của doanh nghiệp”, bà Phương Lan nhấn mạnh.
Trước tình hình xuất khẩu khó khăn vì Covid-19, nhằm đạt được mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu cũng như mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố, Sở Công Thương Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, Amazon Global Selling, Tập đoàn T&T Group đã phối hợp tổ chức hội thảo “Thương mại điện tử xuyên biên giới với Amazon – cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt” vào ngày 3-11 tại Hà Nội. Cuộc hội thảo được tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp có thông tin nhiều hơn về kênh bán hàng trực tuyến ra nước ngoài qua Amazon.com. Ngày 29-10 vừa qua, tại TPHCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã phối hợp với Tập đoàn Alibaba tổ chức “Diễn đàn xuất khẩu trực tuyến ngành hàng thực phẩm và đồ uống” nhằm thu hút doanh nghiệp bán hàng ra nước ngoài qua sàn thương mại điện tử Alibaba.com. Trước đó Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp cùng với Amazon Global Selling đã đã tổ chức hội thảo “Tiếp cận thị trường Mỹ thông qua sàn thương mại điện tử Amazon” vào ngày 21-10 tại TPHCM. |
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Ban tổ chức sự kiện ngày 3-11 đã ghi nhận từ khoảng 300 doanh nghiệp tham gia nhu cầu cần kết nối xuất khẩu hàng hóa vào kênh bán lẻ trực tuyến của Amazon. Điều này phần nào chứng tỏ nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam qua các kênh thương mại điện tử là có thực và đang tăng lên.
“Mặc dù hoạt động kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bện nhưng đây điều này cũng thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm vượt qua khó khăn”, bà Phương Lan chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho rằng Covid-19 làm cho các doanh nghiệp nhận ra vai trò của của thương mại điện tử rất quan trọng trong việc bán hàng ra nước ngoài.
Theo các chuyên gia, năm nay dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đặc thù ấy, các kênh bán hàng trực tuyến đóng vai trò ngày càng quan trọng, trở thành một trong những phương thức để người tiêu dùng mua sắm cũng như duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Báo cáo mới đây được công bố bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho hay: “Đại dịch Covid-19 đã chứng minh thương mại điện tử không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại nội địa và quốc tế, từ đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Trình bày tại hội thảo ngày 3-11, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam dẫn chứng thêm: “Theo báo cáo của McKinsey & Company tại Mỹ, tần suất mua sắm trực tuyến tăng tới 14% đối với mọi danh mục hàng hóa và dịch vụ. Hơn thế nữa, trong một số khảo sát được thực hiện gần đây tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Singapore, một tỷ lệ lớn người tiêu dùng khẳng định họ sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến ngay cả khi đại dịch đã kết thúc”.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng hậu cần cho xuất khẩu trực tuyến
Bà Phương Lan cho biết Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng hậu cần (logistics) phục vụ cho xuất khẩu hàng hóa qua kênh thương mại điện tử. Cụ thể, cơ quan này phối hợp với Google, Alibaba, Amazon và các sàn thương mại điện tử xuất khẩu lớn tổ chức hội nghị kết nối để đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh trực tuyến.
Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên Amazon.com đã được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đưa ra.
Theo ông Đỗ Quang Vinh, Giám đốc điều hành Chi nhánh của Tập đoàn T&T Group tại Mỹ cho biết, từ ngày 1-1 đến 31-3-2021, đơn vị này sẽ cung cấp gói tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp Việt Nam để giải quyết sự cố khi lưu kho theo hình thức FBA; đồng thời, tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp về nghiên cứu thị trường trong một năm đầu tiên; hỗ trợ miễn phí kết nối với các cơ quan chính phủ và phi chính phủ, nhà cung cấp, luật sư quốc tế, vận chuyển, môi giới hải quan và giảm 50% phí tư vấn thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Mỹ trong năm 2021.
Dưới góc độ là doanh nghiệp trực tiếp đầu tư và phát triển nhiều năm qua tại thị trường Mỹ, có sự tìm hiểu và am hiểu về thị hiếu và nhu cầu tại đây, ông Vinh đã chia sẻ tới các doanh nghiệp cách thức tiếp cận thị trường và khách hàng Mỹ. Điều này nhằm giúp cho các doanh nghiệp trong nước có thể lựa chọn sản phẩm, đưa ra chiến lược phù hợp khi tham gia vào hoạt động xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
“Khi gặp sự cố tại Việt Nam, các doanh nghiệp đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, khi hàng đã sang tới Mỹ thì chỉ có những đơn vị có công ty, chi nhánh tại Mỹ mới có thể được hỗ trợ. T&T Hoa Kỳ có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khi vươn ra thị trường xuất khẩu trọng điểm này”, ông Vinh nói.
Còn ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng SHB, cho biết ngân hàng này sẽ hỗ trợ gói tín dụng 3.000 tỉ đồng cho khách hàng vay vốn để bán hàng trên nền tảng Amazon (giảm từ 0,5%-1%/năm đối với lãi suất cho vay, hạn mức vay lên đến 10 tỉ đồng và cho vay tín chấp với hạn mức 3 tỉ đồng đối với các khách hàng đang vay vốn tại SHB). Ngân hàng này còn đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử Amazon như đăng ký tài khoản, tạo danh sách bán hàng, quản lý tài khoản, hoàn thiện đơn hàng… Bên cạnh đó, SHB cũng sẽ cung cấp các sản phẩm phù hợp và khác biệt cho các khách hàng tham gia qua hệ thống Amazon.
Đồng thời, Amazon Global Selling, T&T Group và Ngân hàng SHB đã và sẽ tiếp tục thành lập các chuỗi trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tại tất cả các điểm giao dịch SHB trên toàn quốc. Cũng như hợp tác với đối tác thanh toán Payoneer để hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên Amazon thực hiện các giao dịch thanh toán.
SHB cũng cho biết sẽ phối hợp cùng Amazon Global Selling, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số mở các khóa đào tạo miễn phí cho tối thiểu 1.000 doanh nghiệp về các kỹ năng bán hàng trên Amazon và kỹ năng tiếp thị số.
Xem thêm: lmth.ut-neid-iam-gnouht-auq-uahk-taux-hnam-yad-ed-pe-cus-al-nahk-ohk/532013/nv.semitnogiaseht.www