Hàng dài cử tri đứng chờ phòng phiếu mở cửa ở Manhattan, New York sáng sớm 3-11 - Ảnh: THU VÂN
Dù không phải là người ủng hộ của bất kỳ đảng nào nhưng tôi nghĩ bầu cử là cách tốt nhất để thực thi quyền công dân của mình, đặc biệt là khi đất nước đang đối mặt với những chia rẽ sâu sắc và các thách thức đan xen nhau.
Claire chia sẻ
Khi phòng phiếu chính thức mở cửa lúc 6h sáng, dòng người đã kéo dài cả một dãy nhà. Mọi người đều tuân thủ đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn để phòng dịch.
New York là một trong những bang bầu cử đầu tiên của nước Mỹ với số lượng cử tri lên tới 2,2 triệu người. Một nửa trong số đó đã bỏ phiếu trong đợt bầu cử sớm vừa kết thúc hôm 2-11.
Trong cái lạnh cắt da của mùa đông New York, Danielle Giordano, 26 tuổi, sinh viên Đại học New York, là một trong những người đầu tiên đến phòng phiếu. Giordano nhen nhóm ý định đi bầu cử sớm từ lâu nhưng mãi không thực hiện được vì thấy hàng cử tri đứng chờ quá dài nên phải chờ đến ngày 3-11.
"Tôi nghĩ rằng năm nay là một năm quan trọng để bầu cử, nhằm thể hiện quan điểm và thái độ của mình. Tôi quyết định đến sớm còn để khích lệ tinh thần đi bầu cử" - Giordano nói với Tuổi Trẻ phía sau chiếc khẩu trang.
Nhiều cử tri nói với Tuổi Trẻ rằng COVID-19 là lý do để họ đi bầu. Trevor Taylor, một trong những cử tri đến sớm nhất ở điểm bầu cử Stuyvesant, chia sẻ rằng anh lựa chọn ứng cử viên Dân chủ Joe Biden vì đương kim Tổng thống Donald Trump không có đối sách hiệu quả trong việc chống lại đại dịch COVID-19.
"Chỉ tính riêng thành phố New York cho đến nay đã có hơn 20.000 người chết vì COVID-19. Tôi nghĩ đó là điều mọi người nên cân nhắc khi đưa ra lá phiếu của mình" - Taylor nói.
Trùm kín mít từ đầu đến chân nhưng Naya Griles vẫn không giấu được sự háo hức trong giọng nói khi cho biết đây là lần đầu tiên cô đi bầu cử. "Là một phụ nữ da màu, đối với tôi, đây là kỳ bầu cử quan trọng, không chỉ để cất lên tiếng nói cho cộng đồng mình mà còn bày tỏ sự quan tâm đến các vấn đề khác nữa như là biến đổi khí hậu" - Griles chia sẻ.
Mellissa Allen, một cử tri khác, nói rằng cô rất vui khi thấy nhiều người trẻ trong độ tuổi 20-30 đi bầu cử năm nay. "Điều này mang lại cho tôi hi vọng sau khi trải qua một năm khó khăn như thế này" - Allen nói.
Đến từ bang Washington, nơi cho phép bầu cử qua thư, cô cho biết đây là lần đầu tiên cầm lá phiếu trong tay và đi đến phòng phiếu. "Làm y tá trong một bệnh viện ở thành phố New York, tôi đã chứng kiến hệ thống y tế của chúng ta phải oằn mình để ứng phó với đại dịch COVID-19. Do đó hôm nay tôi đi bầu cử vì một hệ thống y tế tốt hơn cho tất cả mọi người" - Allen bày tỏ.
Claire, 27 tuổi, nói với Tuổi Trẻ rằng cô muốn "cảm thấy bận bịu" trong ngày đặc biệt này nên đã tình nguyện đi làm việc ở phòng phiếu. "Sau tất cả những gì chúng ta đã cùng nhau trải qua, đặc biệt là từ khi đại dịch COVID-19, tôi luôn muốn được làm gì đó để giúp một tay cho cộng đồng" - Claire nói và cho biết biến đổi khí hậu là vấn đề lớn nhất mà Claire quan tâm và kỳ vọng chính phủ mới sẽ có những chính sách triệt để nhằm giải quyết vấn đề này.
Không khó hiểu khi phần lớn những cử tri mà Tuổi Trẻ có cơ hội tiếp xúc tại New York đều lựa chọn ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden. Đây là "bang xanh" với truyền thống ủng hộ Đảng Dân chủ. Trong cuộc bầu cử năm 2016, bà Hillary Clinton đã giành trọn 29 phiếu đại cử tri của bang này với tỉ lệ bầu hơn 59%.
516.000
New York là nơi hứng chịu hậu quả khủng khiếp gây ra bởi đại dịch COVID-19 với hơn 516.000 ca mắc và gần 33.200 ca tử vong toàn bang.
TTO - Một trong những ưu điểm của sự phân hóa ở một nền chính trị như Mỹ là tỉ lệ cử tri đi bầu cao hơn, khi họ thấy được sự khác nhau giữa các ứng cử viên.
Xem thêm: mth.89535408040110202-hcid-iad-auig-uab-id-ym-iougn/nv.ertiout