Chính quyền tỉnh Gyeongghi, Hàn Quốc – tỉnh đông dân nhất cả nước đang có kế hoạch cho ra đời một ứng dụng giao đồ ăn riêng nhằm làm giảm sự thống trị của 2 đơn vị giao hàng trên thị trường.
Thị trường giao đồ ăn của Hàn Quốc đã tăng trưởng bùng nổ khi dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều người phải ở nhà làm việc và không thể ra ngoài ăn. Theo dữ liệu từ ứng dụng theo dõi thị trường, doanh thu giao đồ ăn đã chạm 1,2 nghìn tỷ won (1,05 tỷ USD) vào tháng 8, tăng 28% so với tháng trước và là mức tổng hàng tháng cao nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, thị trường lại đang bị kiểm soát bởi chỉ 2 đơn vị lớn nhất là Baedal Minjok và Yogiyo - thuộc sở hữu bởi Delivery Hero, công ty mẹ ứng dụng Baemin.
Gia nhập cuộc chơi, ứng dụng mới của chính quyền Gyeongghi mang tên Delivery Express. Tỉnh này hợp tác với NHN Payco Consortium để phát triển về giao diện và công nghệ cho ứng dụng, dự kiến ngân sách cho dự án này là 2,1 tỷ won (2,8 tỷ USD) trong năm nay.
Jang A-reun – người đứng đầu dự án nói rằng ứng dụng này đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và bước vào hoạt động chính thức vào cuối tháng này. Jang cho biết Gyeonggi đã ký kết hợp tác với 4.300 doanh nghiệp trong nền tảng, vượt mục tiêu 3.000 đơn vị.
"Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một ứng dụng thay thế, giảm gánh nặng lên các nhà cung cấp và cho khách hàng những lựa chọn mới".
Delivery Express sẽ bắt đầu thử nghiệm dịch vụ ở 3 thành phố: Hwaseong, Paju và Osan. Tỉnh lên kế hoạch mở rộng ra 31 thành phố và huyện trong 2 năm tới.
Gyeonggi Province bắt đầu nghiên cứu việc ra ứng dụng vào tháng 4 sau khi những đơn vị thống trị trong ngành công nghiệp là Baedal Minjok tăng phí với các nhà hàng muốn xuất hiện trên banner quảng cáo trên ứng dụng.
Việc này đã khiến các nhà hàng phản đối kịch liệt, họ cho rằng không thể có khả năng trả phí cao hơn khi mà doanh thu thì giảm mạnh vì Covid-19.
Tỉnh trưởng Gyeonggi Lee Jae-myung – đã buộc tội Baedal Minjok đã tận dụng những lợi thế không công bằng của doanh nghiệp nhỏ và hứa sẽ mang lại thêm lựa chọn cho người dùng tại thành phố 13 triệu người.
Những nền tảng kinh tế chia sẻ khác như ứng dụng giao đồ ăn cũng đối mặt với sự tra xét kỹ lưỡng ở Hàn Quốc, cả từ chính quyền và người lao động.
Yoyigo trả lời phỏng vấn tờ Nikkei rằng rất "khó để chỉ rõ các loại tác động "mà một ứng dụng giao đồ ăn của nhà nước sẽ làm với thị trường giao đồ ăn.
"Ứng dụng giao đồ ăn là dịch vụ không thể kinh doanh lâu dài nếu không hình thành nên mối quan hệ hợp tác với các đối tác. Bởi vậy, chúng tôi sẽ tích cực làm việc vì sự phát triển của ngành và sự thịnh vượng chung trong thị trường nội địa. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiều nỗ lực khác nhau để phản ánh mỗi quan hệ hợp tác, cùng tồn tại với các đối tác".
Hiện phía Baedal Minjok không phản hồi về vấn đề này.
Việc thiếu cơ sở khách hàng và chiến lược marketing của các công ty lớn khiến Delivery Express sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài chính để thu hút người bán và khách hàng. Gyeonggi sẽ cung cấp trợ giá 10% trên các giao dịch thông qua việc phát những voucher chỉ để sử dụng ở các doanh nghiệp địa phương. Delivery Express cũng thu phí hoa hồng các đơn bị bán ít hơn 2% - mức được Jang nói là tối thiểu để trang trải được chi phí hoạt động. Baedal Minjok hiện đang thu 5,8%.
Baedal Minjok cũng thu phí hàng tháng với các nhà hàng là 88.000 won để có thể xuất hiện trên banner quảng cáo. Tuy nhiên Delivery Express cho biết họ sẽ không thu tiền với khoản này.
Baedal Minjok bắt đầu hoạt động vào năm 2011 và Yogiyo đi vào hoạt động năm sau đó. Yogiyo thuộc sở hữu bởi Delivery Hero. Công ty này cũng đang thực hiện nhiều bước đi để mua lại Baedal Minjok. Thương vụ thâu tóm đề xuất trị giá 4 tỷ USD đang chịu sự soi xét của Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc. Nếu thương vụ hoàn thành, công ty mới được tạo ra sẽ nắm hơn 90% thị phần giao đồ ăn ở Hàn Quốc.
Chủ tịch Ủy ban Joh Sung-wook nói vào tháng 10 rằng Ủy ban sẽ cân nhắc quyết định trước cuối năm nay. Joh nói rằng thỏa thuận sẽ tạo ra một sự độc quyền hoàn toàn và rằng đó là vấn đề nhạy cảm.
Trong khi đó, các chuyên gia đã lo ngại về khả năng của tỉnh Gyeonggi để có thể thành công với ứng dụng giao đồ ăn .
"Nếu Gyeonggi có thể đóng góp vào sự hiệu quả của thị trường, vấn đề là liệu một ứng dụng nhà nước có thể cạnh tranh trên thị trường hay không, liệu họ có thể thu hút khách hàng và quản lý các đơn vị người bán không", ông Yi Jong-hyun – Giáo sư tại Đại học Gachon nói.
Yi nói rằng kích thước là yếu tố cần thiết để ứng dụng giao đồ ăn thành công khi khách hàng sẽ tìm cách đa dạng lựa chọn và người bán sẽ chỉ muốn bán hàng trên một ứng dụng có một cơ sở khách hàng lớn.
"Baedal Minjok đã thực hiện những nỗ lực nhằm sáng tạo thị trường và cung cấp dịch vụ, liên tục cải thiện và làm hài lòng khách hàng. Cùng với việc đơn giản hóa công nghệ tuyệt đối cho ứng dụng, Gyeonggi sẽ phải tìm ra cách để thâm nhập thị trường thành công".
Jang nói rằng cô biết Delivery Express đối mặt với một trận chiến khốc liệt. Tuy nhiên mục tiêu của ứng dụng không phải là để giành ngôi vương. "Chúng tôi hy vọng có thể tạo ra một nền tảng bền vững, hoạt động như một công cụ thử nghiệm các khuynh hướng độc quyền trên thị trường".
Vân Đàm
Theo Tổ Quốc/Nikkei