Ông Nguyễn Công Bình, trưởng ban điều hành khu phố 1, phường 12, quận 10 - Ảnh: TỰ TRUNG
* Anh không nên làm vậy, như vậy sai rồi!
- Tui thích sai vậy đó được hông, rồi ông làm gì tui?
Lại gặp đúng “ca khó” rồi - ông Nguyễn Công Bình, trưởng ban điều hành khu phố 1, phường 12, quận 10 không nói nữa, cũng không thể hiện thái độ nào trên mặt. Mười năm làm ở khu phố, kinh nghiệm mách bảo ông rằng với những người không chịu nói lý lẽ như vầy, im lặng là vàng!
Một việc làm hơn ngàn lời nói
Im lặng không có nghĩa là bỏ qua và không làm gì. Ông Bình lẳng lặng nghĩ cách. Năm 2010, ông chính thức tham gia hoạt động ở khu phố, làm trưởng ban điều hành khu phố, kiểm ban hòa giải ở cơ sở, tổ trưởng tổ dân phố, và phụ trách cả chi hội phụ nữ.
“Thời điểm đó thiếu người làm, tôi toàn bị gọi là “ông Bình mặc váy”, vì suốt ngày đi vận động các bà các cô” - ông Bình nhớ lại.
Ông Nguyễn Công Bình trò chuyện với người dân trong khu phố - Ảnh: TỰ TRUNG
Ngày nhận chức, ông nhận luôn cả số liệu báo cáo: khu phố còn 32 hộ nghèo. Nghe số hộ nghèo mà ông choáng váng. “Mình chỉ là anh lính già, chức quyền không, tiền bạc cũng có hạn, chỉ có cái máu gan lì, không ngại khó, biết bắt đầu từ đâu?”. Suy nghĩ nhiều đêm, cuối cùng, ông Bình quyết định đầu tư cho việc học của bọn trẻ trong khu phố.
Lễ trao thưởng cho học sinh giỏi khu phố 1, phường 12, quận 10 - Ảnh: TRUNG NIÊN
Hồi mới đưa ra ý tưởng, có người bảo ông viển vông. Người nghèo chỉ cần tiền, nói chuyện học hành nghe xa xôi quá. Chỗ này cũng đâu phải nhà quê, làm giàu thì khó chứ kiếm ăn hông khó, chẳng cần trình độ bằng cấp gì, sáng sáng ra phụ chân chạy bàn cho tiệm cà phê, quán cơm tấm cũng kiếm bạc trăm ngàn, xách xe máy đảo vài vòng cũng có cơm ăn. Có chút tiền thì lao vào đá gà, đánh đề, tương lai con cái thây kệ.
Ba mẹ chúng đã không lo thì thôi, mình lo, ông Bình quyết tâm làm một chương trình học bổng cấp… khu phố.
Đem ý tưởng báo cáo ra cấp ủy, ông được ủng hộ về quan điểm. Ông Bình và ban điều hành lập ra kế hoạch. Mục tiêu của học bổng là giúp thoát nghèo bền vững, học sinh phải được hỗ trợ dài hơi, từ cấp một cho tới đại học. Cán bộ khu phố đồng hành cùng các em trong suốt quá trình, giám sát việc trao, nhận, sử dụng tiền đúng mục đích.
Có được danh sách các em khó khăn nhưng có chí học hành, ông Bình giới thiệu với nhà hảo tâm. Ban vận động tỏa đi nhiều nơi, vận động nhiều nguồn từ các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp cho đến những hộ khá giả. Thấy chương trình căn cơ, ban vận động làm việc có trách nhiệm, nhiều người ủng hộ. Đến năm 2011, những học bổng đầu tiên được trao.
“Tôi vẫn còn nhớ khi nhận học bổng, không chỉ em học trò mà cả ba, mẹ, ông bà ngoại em đều bật khóc. Nhìn những giọt nước mắt chân thành ấy, tôi thấy mình đã đi đúng hướng”, ông Bình kể.
Cứ thế hàng năm, học bổng thoát nghèo bền vững của khu phố 1 duy trì đều đặn với mức hỗ trợ học sinh cấp một từ 1-2 triệu đồng/ năm, cấp hai, cấp ba từ 4-5 triệu đồng/ năm, đại học 7,5 triệu đồng/ năm. Gần 10 năm qua, chương trình đã trao gần 300 triệu đồng tiền học bổng. Với học sinh giỏi hàng năm, khu phố còn thưởng tập, sách giáo khoa.
Ông Bình trao học bổng cho các em nhỏ học giỏi, hoàn cảnh gia đình khó khă n- Ảnh: TRUNG NIÊN
Điều vui nhất với ông Bình là chuyện “hậu học bổng”. Từ ngày con cái được quan tâm chăm lo, gia đình các em cảm thấy cũng được tôn trọng và sống tử tế hơn. Vận động các phong trào khác, ông Bình không còn gặp những “ca khó” cố tình chống đối. Từng có thời ông đi nhắc nhở lấn chiếm lòng lề đường, dẹp ổ đá gà, đánh bạc, người ta kéo tới tận nhà hăm dọa. Nhưng khi thấy ông làm được việc tốt, chính những người ấy ra đường gặp ông đã cúi đầu chào.
Phải sâu sát mới thấu lòng dân
Hôm chúng tôi đến trụ sở Khu phố 1, ông Bình đang trò chuyện với anh Hùng Râu, một bác tài xe ôm - để hỏi thăm chuyện học hành của con trai anh. Đang nói chuyện thì có người tấp xe vô kiếm anh Hùng đòi nợ. Anh Hùng buồn xo kể mấy tháng nay vợ bệnh, mình anh chạy xe ôm không đủ tiền lo cho vợ con, phải vay mượn khắp nơi. Thằng nhỏ nhà anh may được nhận học bổng của khu phố mới theo nổi việc học, giờ đang học năm thứ 5 Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Anh nói tính ráng cầm cự thêm vài năm, chờ con ra trường, mà coi bộ khó. Chiếc xe máy tình thương được tặng ngày nào giờ đã cà tàng rệu rã, muốn xin chạy xe ôm công nghệ, mà xe cũ quá không công ty nào nhận.
Nghe đến đây, ông Bình nói: “Thôi, về hỏi lại coi muốn chạy xe công nghệ thì xe máy phải đạt chuẩn nào rồi báo lại, tôi tìm cách giúp”.
Dù ông chưa chính thức nhận chức danh cán bộ dân vận, ai cũng công nhận ông Bình làm dân vận cực tài. Hỏi thăm “bí quyết nói dân tin”, ông Bình cười: “Người dân rất tinh tường. Họ không nói gì nhưng thật ra là đang để ý cán bộ, ai làm sao họ biết hết. Thấy mình thực bụng muốn tốt cho họ, họ sẽ theo mình. Có lần chúng tôi đến giúp một gia đình, vừa ra về đã thấy có người chạy xe đuổi theo tôi chỉ để nói một câu: Ông giúp cái nhà hồi nãy là đúng rồi đó!”.
Những tuyến hẻm tại Khu phố 1, phường 12, quận 10 ngày càng sạch đẹp - Ảnh: TỰ TRUNG
Một kinh nghiệm khác là phải bình tĩnh và bao dung. Nhiều người quen phong cách làm việc chốn công quyền, cái gì cũng phân công với ra lệnh, nhưng về cơ sở thì làm vậy không ăn thua. Nếu mình nói, người ta không nghe rồi mình tỏ thái độ hằn học, thất vọng, phân biệt đối xử với họ thì hố sâu ngăn cách giữa cán bộ và người dân sẽ càng lớn thêm. Trái lại, hãy đối xử công bằng, sẽ có ngày người làm sai nhận ra cái sai.
Chủ tịch UBND phường 12, quận 10, ông Trần Hà Quang Trung, nói về ông Nguyễn Công Bình: "Công việc ở cơ sở không hề đơn giản. Nhờ những người như ông Bình mà quan hệ giữa chính quyền và người dân ngày một tốt đẹp hơn, làm tăng niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền cũng như chủ trương, chính sách của Nhà nước".
Tô Hải My - sinh viên nhận học bổng thoát nghèo bền vững của khu phố 1, phường 12, quận 10:
Lớp học tình thương ngay tại trụ sở khu phố 1, phường 12, quận 10 do các học sinh, sinh viên được nhận học bổng thoát nghèo bền vững phụ trách giảng dạy - Ảnh: TRUNG NIÊN
Tôi đã được nhận học bổng của khu phố suốt từ THCS, THPT và những năm học đại học, kể cả tiền và máy tính hỗ trợ học tập. Đó thật sự những suất học bổng có ý nghĩa lớn lao với gia đình tôi, vì cả nhà chỉ có mẹ tôi là lao động chính, còn lại ba tôi mất sức lao động, bà ngoại già yếu.
Cảm kích tấm lòng của các cô chú trong khu phố và những nhà hảo tâm, từ năm 2013 tới nay, tôi duy trì dạy một lớp học tình thương tại trụ sở Ban điều hành khu phố, hy vọng góp sức cùng các cô chú giúp thêm nhiều em nhỏ học hành tới nơi tới chốn.
TTO - "Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước…".
Xem thêm: mth.9355106130110202-nav-nad-hnib-gno-auc-nit-nad-ion-teyuq-ib/nv.ertiout