Quảng Nam: Thu ngân sách hơn 7.700 tỉ đồng trong 2 tháng là bất khả thi!
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) – Nếu chiếu theo dự toán được HĐND tỉnh Quảng Nam giao từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam phải thu ngân sách thêm hơn 7.700 tỉ đồng trong hai tháng còn lại của năm 2020 mới đạt được 100% dự toán.
Hỗ trợ người dân quyết toán thuế tại Quảng Nam. Ảnh: quangnam.gov.vn |
Tuy nhiên, theo đại diện của cơ quan này, điều này là bất khả thi vì nhiều nguyên nhân.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn rủi ro. Bão lũ liên tiếp xảy ra. Tất cả những tác nhân này đang gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Để giải quyết bài toán thu ngân sách từ nay đến cuối năm, Cục Thuế tăng cường khai thác nguồn thu phát sinh để bù đắp phần nào nguồn thu bị hụt; thực hiện thanh tra, kiểm tra những đơn vị có dấu hiệu rủi ro về thuế; chống thất thu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản.
Cục Thuế cũng sẽ cương quyết xử lý truy thu nợ đọng thuế, đôn đốc thu hồi kịp thời các khoản thuế đã gia hạn cho người nộp thuế nay đến hạn nộp để không bị quá thâm hụt so với dự toán đưa ra.
Theo Cục Thuế tỉnh, tính riêng tháng 10 ngành thuế thực hiện thu ngân sách được 951,1 tỉ đồng. Lũy kế 10 tháng thu đạt 9.249,5 tỉ đồng, đạt 45% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 61,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Nếu tính cả số thuế gia hạn 3.549,3 tỉ đồng gia hạn thời hạn nộp theo Nghị định 41/NĐ-CP và Nghị quyết 84/NQ-CP thì tổng thu ngân sách qua 10 tháng do ngành thuế thực hiện là 12.798,7 tỉ đồng, đạt 62,4% dự toán, bằng 85,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, tại cơ quan Cục Thuế thu 7.318,3 tỉ đồng; khối các Chi cục Thuế thu 1.931,4 tỉ đồng (không tính số tiền thuế gia hạn nộp).
Tuy nhiên, tính tất cả những khoản thu này, ngành thuế cũng phải cần huy động hơn 7.700 tỉ đồng nữa trong 2 tháng cuối năm để đạt chỉ tiêu do HĐND tỉnh giao.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay, Quảng Nam có gần 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.
Ngoài trừ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vừa và lớn còn hoạt động và có đơn hàng, hầu hết các doanh nghiệp đêu đang gặp khó khăn. Vì vậy, khả năng truy thu nợ đọng thuế từ các doanh nghiệp này sẽ cực kỳ khó khăn.
Nếu doanh nghiệp có quỹ dự phòng tài chính thì cũng chỉ duy trì thời gian ngắn 3 đến 6 tháng. Trong khi dịch bệnh chưa biết khi nào chấm dứt, nên doanh nghiệp khó thể cầm cự được lâu dài. Đặc biệt, đa số doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam kiệt quệ nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp hoàn toàn đóng cửa.
Làng rau Trà Quế, tỉnh Quảng Nam. Covid-19 và bão lũ liên tiếp xảy ra khiến các ngành kinh tế của tỉnh Quảng Nam bị thiệt hại nghiêm trọng, dẫn đến thu ngân sách bị sụt giảm rất nhiều. Ảnh: Nhân Tâm |
Doanh nghiệp quy mô lớn cũng chỉ đủ sức giữ lại nhân sự chủ chốt. Trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, trong đó có gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ (theo Nghị quyết số 42/NQ-CP) chưa trở thành hiện thực.
Liên quan đến vấn đề này, Cục thuế đã thực hiện các chính sách về gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP cho 4.052 người nộp thuế với số tiền thuế được gia hạn hơn 679 tỉ đồng; gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặt biệt theo Nghị quyết 84/NQ-CP và Nghị định 109/2020/NĐ-CP cho 5 doanh nghiệp là 3.061 tỉ đồng; đã thực hiện giảm 15% tiền thuê đất phải nộp năm 2020 theo Quyết định 22 của Thủ tưởng Chính phủ cho 28 đơn vị với số tiền giảm 1,3 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, đến ngày 20-10-2020, Cục thuế đã thực hiện theo Nghị quyết 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, xóa nợ tiền chậm nộp cho người nộp thuế không có khả năng nộp NSNN là 190,4 tỉ đồng, và Cục thuế đã hoàn thành hồ sơ xóa nợ gửi các cấp có thẩm quyền giải quyết xóa nợ với số tiền 74,5 tỉ đồng.
Cũng theo Cục thuế, trong tháng 10 có 85 doanh nghiệp mới thành lập, 35 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và 112 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.