vĐồng tin tức tài chính 365

Kiến lớn quá nhanh

2020-11-04 14:25

Kiến lớn quá nhanh

Nguyễn Vũ

(TBKTSG Online) - Đúng như dự đoán (“Kiến Trung Quốc lớn nhanh như thổi” - TBKTSG số 44-2020), chú kiến Ant Group chưa kịp giao dịch trên sàn chứng khoán thì đã bị thổi còi, tạm ngưng việc niêm yết trên cả sàn Thượng Hải lẫn Hong Kong.

Theo Reuters, Chính quyền Mỹ đang có thêm những bước đi nhằm đưa gã khổng lồ về Fintech của Trung Quốc là Ant Group vào danh sách đen. Ảnh: Reuters

Trong bài trước, chúng tôi có nói đến một trong những rủi ro Ant Group phải đối diện là môi trường pháp lý; chính rủi ro này đã làm giấc mơ lớn thành một tập đoàn 310 tỉ đô la tạm treo lại đó.

Trước đó các cơ quan quản lý thị trường tài chính, trong đó có cả ngân hàng trung ương Trung Quốc đã triệu tập Jack Ma, người sáng lập Ant Group để cảnh báo tập đoàn này sẽ chịu thêm nhiều ràng buộc tương tự như các ngân hàng, kể cả các yêu cầu về vốn, trước khi có thể trở thành một công ty niêm yết trên hai sàn chứng khoán.

Có lẽ giới quản lý e ngại rủi ro mà Ant Group có thể đem lại cho hệ thống ngân hàng và tài chính nước này khi nó lớn quá nhanh: đợt IPO lần này dự kiến huy động được 34,5 tỉ đô la trong khi số lượng tiền muốn rót vào để mua cổ phiếu Ant Group lên hơn 3.000 tỉ đô la; tức lượng đăng ký mua gấp 87 lần lượng công bố bán. Nay tiền mua phải trả lại cho nhà đầu tư.

Công ty công nghệ hay tập đoàn tài chính?

Mấu chốt của vấn đề là câu hỏi: rốt cuộc Ant Group là công ty loại gì? Một công ty công nghệ hoạt động trong lãnh vực tài chính hay một tập đoàn tài chính có ứng dụng công nghệ sâu rộng? Đây là một câu hỏi quan trọng bởi nếu Ant Group tham gia các hoạt động cho vay tiên dùng, cho vay dài hạn, quản lý danh mục đầu tư, bán bảo hiểm… thì nó phải chịu nhiều ràng buộc như các ngân hàng đang phải chịu. Nếu Ant Group cứ cho mình là công ty công nghệ, chỉ cung cấp giải pháp công nghệ, đứng làm trung gian giữa người tiêu dùng và các định chế tài chính để cung cấp dịch vụ công nghệ thì nó phải thay đổi mô hình kinh doanh và giá trị công ty không đến mức như thị trường đánh giá.

Có thể thấy chính phủ Trung Quốc đang xem các fintech (công ty công nghệ tài chính) liên quan nhiều đến tài chính chứ không chỉ công nghệ nên đang tìm cách siết lại việc quản lý. Một số bài báo trên các báo chính thống Trung Quốc đã bắt đầu phê phán Ant Group đi chệch chức năng cốt lõi của nó là trung gian thanh toán cho thương mại điện tử.

Chính Ant Group cũng ý thức được rủi ro này nên đã nhiều lần đổi tên gọi: đầu tiên là Alibaba E-Commerce (Thương mại điện tử Alibaba) sau đó thành Ant Small and Micro Financial Services (Dịch vụ tài chính nhỏ và siêu nhỏ Ant), cuối cùng mới là Ant Group. Thoạt tiên, công ty tự cho mình là một “fintech” tiên phong nhưng Jack Ma đảo ngược gọi họ là một “techfin”, tức có lúc nhấn mạnh vai trò công nghệ, có lúc tập trung vào vai trò tài chính.

Cho dù sau này Ant Group dần dần rút ra khỏi các hoạt động cho vay hay quản lý tài sản trực tiếp, chỉ thẩm định khách, đánh giá tín nhiệm rồi chuyển cho các ngân hàng ký kết chuyện vay hay đầu tư, Ant Group vẫn đóng vai trò một ngân hàng rất rõ. Dù muốn dù không giới chức quản lý phải siết lại việc quản lý tương tự như với một ngân hàng bình thường.

Các biện pháp vừa mới được công bố gần đây gồm các yêu cầu về vốn và điều kiện hoạt động cao hơn, đặt mức trần lãi cho vay, hạn mức cho vay tiêu dùng, hạn chế sử dụng tài sản thế chấp để tài trợ các khoản vay tiêu dùng. Đồng thời Ant Group buộc phải để lại ít nhất 30% các khoản cho vay trên bảng cân đối kế toán của mình chứ không được chuyển hết cho các ngân hàng. Quy định này nhằm ràng buộc Ant Group vào khuôn khổ dành cho ngành ngân hàng.

Cũng đã có những ý kiến cho rằng các tập đoàn công nghệ đang dùng sức mạnh thống lãnh của họ rồi liên kết với các ngân hàng để thu phí quá cao. Chẳng hạn, Guo Wuping, trưởng bộ phận bảo vệ người tiêu dùng tại Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc nhận xét dịch vụ cho vay tiêu dùng của Ant Group chẳng khác gì mua sắm trả chậm bằng thẻ tín dụng nhưng lãi suất lại cao hơn nhiều.

Ngưng niêm yết là để điều chỉnh luật chơi này, nhất là khi người sáng lập Jack Ma (Alibaba) chê luật chơi chung đã lạc hậu, quá chật cho Ant Group. Ảnh minh họa: Reuters

Chiếc áo đã chật?

Tình cờ, mới tháng trước tại một cuộc hội nghị ở Thượng Hải, Jack Ma đã lên tiếng phê phán các quy định lỗi thời của ngành tài chính ngân hàng hiện nay, kể cả của thế giới và của Trung Quốc. Ông cho rằng các nhà quản lý ở các nước và ngay tại Trung Quốc đang bóp nghẽn sáng tạo, không chú ý đầy đủ đến việc phát triển các mô hình mới và nắm bắt cơ hội mới.

Jack Ma so sánh hiệp ước Basel nơi đặt ra các chuẩn mực Basel mà các ngân hàng phải tuân thủ như một câu lạc bộ các bậc cao niên. Ngoài ra ông cho nhận xét rủi ro hệ thống không phải là vấn đề ở Trung Quốc mà vấn đề là nước này thiếu một “hệ sinh thái tài chính”.

Theo Bloomberg, Jack Ma ví von các ngân hàng Trung Quốc như các “tiệm cầm đồ”, nơi vật thế chấp và bảo lãnh chính là ngoại tệ mạnh. “Người Trung Quốc thường thích nói, nếu bạn vay 100.000 tệ từ ngân hàng, bạn sẽ hơi lo; nếu bạn vay 1 triệu tệ, cả bạn và ngân hàng đều lo; nhưng nếu bạn vay đến 1 tỷ tệ thì bạn không còn sợ gì nữa, chỉ một mình ngân hàng sợ mà thôi” – Jack Ma nói tại hội nghị này.

Trước đây, Chính phủ Trung Quốc tạo ra các “sandbox” (khoanh vùng để thử nghiệm) và cho phép Ant Group thử nghiệm nhiều mô hình tài chính và công nghệ mới. Nay khi Ant Group chuẩn bị lên sàn, cổ phiếu do người dân và cả nước ngoài nắm giữ, đương nhiên không thể nhốt một tập đoàn 310 tỉ đô la vào một “sandbox” nào nữa. Họ phải thiết kế lại khuôn khổ, luật chơi mới để Ant Group tuân thủ. Ngưng niêm yết là để điều chỉnh luật chơi này, nhất là khi người sáng lập chê luật chơi chung đã lạc hậu, quá chật cho Ant Group.

Tuy nhiên, khách hàng chủ yếu của Ant Group là người tiêu dùng và các hộ kinh doanh nhỏ, họ chủ yếu chỉ muốn vay những khoản vay nhỏ hoặc rất nhỏ - loại khách hàng mà các ngân hàng lớn thường từ chối vì chi phí quản lý quá cao trong khi tiền lãi không đáng kể. Ant Group đã lấp được một nhu cầu rất lớn của thị trường khi cung cấp tín dụng nhanh chóng, dễ dàng cho loại khách hàng này.

Năm 2008, Jack Ma từng làm xôn xao báo chí khi tuyên bố: “Nếu các ngân hàng không thay đổi, chúng tôi sẽ thay đổi các ngân hàng”. Nay Ant Group đứng trước thử thách bị buộc thay đổi mặc chiếc áo chật của giới ngân hàng, chưa biết họ sẽ ứng xử như thế nào, chứ “thay đổi các ngân hàng” xem ra đã không còn khả thi và nhu cầu thị trường cho vay nhỏ và siêu nhỏ vẫn còn đó.

Xem thêm: lmth.hnahn-auq-nol-neik/872013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kiến lớn quá nhanh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools