Ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin như trên tại Hội thảo quốc tế về các quy định đối với xuất khẩu gạo vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 4/11 tại TPHCM.
Gạo được đánh giá có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch. Trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đi châu Âu đạt trên 10,05 triệu USD tăng 23,49% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU là 2,3 triệu tấn gạo/năm với giá trị là 1,4 tỷ Euro năm 2019. So với các nước ASEAN khác, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myanmar, 1/4 Campuchia.
Theo ông Hòa, EU là thị trường còn nhiều dư địa và dự báo xuất khẩu gạo (trong đó có gạo thơm) sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn ủng hộ các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn.
Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng xuất khẩu gạo hiện nay mục tiêu tăng sản lượng lúa để đẩy mạnh xuất khẩu đang được thay thế bằng mục tiêu chất lượng “trên bàn ăn” và nhận diện xuất xứ đối với người tiêu dùng. Lượng gạo thơm xuất khẩu trong những năm gần đây chiếm khoảng 43–46% tổng lượng gạo xuất khẩu, đạt trên 3 triệu tấn.
Doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm gạo tại hội thảo ngày 4/11 |
Với Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm); đặc biệt là tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (khoảng 100.000 tấn được nhập khẩu vào EU hằng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU cam kết đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm.
“Nhà nước nên cân nhắc đến các chính sách mạnh tay nhằm kiểm soát tốt việc sử dụng vật tư nông nghiệp trong quy trình sản xuất lúa, đặc biệt là phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật. Song song đó là hỗ trợ, thúc đẩy và nhân rộng các quy trình sản xuất thực hành tốt (GAP) để đảm bảo 100% sản phẩm gạo dù xuất khẩu hay tiêu dùng nội địa đều đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Nam khuyến nghị.
Ông Daniel Dobrev – Tham tán kinh tế và Thương mại Đại sứ quán Bulgaria tại Việt Nam cho rằng cần đẩy mạnh quảng bá nhiều hơn ở các nước EU về lợi ích của gạo Việt Nam; phát triển thêm các sản phẩm chế biến sẵn từ gạo phù hợp với khẩu vị, nhu cầu thị trường EU như bánh cuốn, gạo lứt, cơm đóng hộp…
"Bulgaria là quốc gia nhập khẩu gạo quan trọng của Việt Nam, nhờ EVFTA các công ty của Bulgaria sẽ nhập khẩu khoảng 2.000 tấn gạo từ Việt Nam", Daniel cho hay.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.7621241a-aihcupmac-auht-ua-uahc-oav-taux-man-teiv-oag-gnoul/nv.moc.enilnounuhp.www