Cuộc bỏ phiếu bầu cử Mỹ 2020 ngày 3-11 (giờ địa phương) có thể xem như đã khép lại khi toàn bộ hòm phiếu ở 50 bang đã ngừng nhận thêm phiếu bầu.
Khác những lần bầu cử trước, năm nay lượng phiếu bầu qua thư tăng đột biến, lên đến gần 100 triệu, khiến hầu hết các bang đều gặp khó khăn trong công tác kiểm phiếu. Nhiều nơi đã dời thời hạn nhận phiếu qua thư đối với cử tri ở nước ngoài hoặc binh sĩ đang làm nhiệm vụ ở nước ngoài. Vì lý do này, đến thời điểm khuya 4-11 (giờ Việt Nam), kết quả chung cuộc vẫn chưa ngã ngũ và chưa thể xác định đương kim Tổng thống Donald Trump hay ứng viên Dân chủ Joe Biden sẽ là người chiến thắng.
Tình hình bỏ phiếu ở các bang
Tính đến khuya 4-11 (giờ Việt Nam), theo cập nhật của đài Fox News, ứng viên Biden đang dẫn trước Tổng thống Trump ở cả số phiếu phổ thông lẫn phiếu đại cử tri, lần lượt là hơn 69 triệu và 238 triệu, so với ông Trump là hơn 66 triệu và 213 triệu.
Nhìn chung, nếu không tính các bang chiến địa thì cục diện bầu cử năm nay không khác mấy so với năm 2016, khi những bang nào từng bầu cho ông Trump vào năm đó vẫn tiếp tục ủng hộ ông và ngược lại, những bang từng bầu cho bà Hillary Clinton đều dồn phiếu cho ông Biden.
Trong khi đó, thế giằng co ở các bang chiến địa lại diễn ra cực kỳ quyết liệt do lượng phiếu bầu trực tiếp từ những cử tri phe Cộng hòa đổ về cạnh tranh với lượng phiếu bầu sớm qua thư của phe ủng hộ đảng Dân chủ. Trong số 10 bang chiến địa thì hiện ông Trump đã giành được hai bang Florida, Ohio và vượt mặt ông Biden ở ba bang khác đang còn dưới 10% số phiếu chưa được kiểm là North Carolina, Georgia và Pennsylvania. Ông Biden giành được hai bang là Arizona và Minnesota, dẫn trước ở hai bang còn dưới 10% số phiếu chưa kiểm là Wisconsin và Michigan.
Fox News cho rằng việc ông Trump giành được nhiều bang chiến địa quan trọng như trên là một lợi thế quyết định và cũng đầy bất ngờ, bởi trước đó các khảo sát trước bầu cử đều cho thấy ông Trump thua ông Biden trung bình 5% về tỉ lệ ủng hộ ở các bang này. Ngoài ra, việc chiến thắng ở bang Ohio cũng giúp cửa thắng của ông Trump trở nên rộng hơn rất nhiều, vì trong năm cuộc bầu cử gần nhất (tính cả bầu cử tổng thống lẫn bầu cử ở Quốc hội) thì mọi ứng viên đảng Cộng hòa chiến thắng đều giành được Ohio.
Trong trường hợp tốt nhất, nếu ông Trump giành được thêm Pennsylvania và Georgia nữa thì gần như việc ông tái đắc cử chỉ còn là vấn đề thời gian. Từ những ngày còn tranh cử, đội ngũ của ông đã hết sức chú ý “chăm sóc đặc biệt” cử tri ở đây khi tổ chức nhiều đợt vận động tranh cử liên tục và bây giờ nỗ lực đã được đền đáp.
Về phía ông Biden, tình thế trước mắt có vẻ khá ảm đạm khi hầu như những dự đoán của các cố vấn Dân chủ về khả năng thắng được một lượng lớn bang chiến địa đã không thành. Đầu tiên, để mất Florida là một tổn thất không nhỏ vì bang này chiếm đến 29 phiếu đại cử tri. Ông Biden cũng biết rất rõ mất Florida thì cơ hội chiến thắng sẽ suy giảm nên trong 20 ngày cuối cùng trước ngày bầu cử, ông đã tổ chức hàng loạt chuyến vận động đến bang này để thuyết phục cử tri nhưng không thành công. Nếu sắp tới ông giữ thành công Pennsylvania (20 phiếu) và North Carolina (15 phiếu) thì có thể ông vẫn sẽ ở lại cuộc đua để chờ các bang Dân chủ truyền thống khác Maryland, Maine hay New York hỗ trợ. Tuy nhiên, có lẽ thời điểm này ông sẽ cần đến một phép màu nào đó.
Cử tri được nhân viên phòng phiếu hướng dẫn bỏ phiếu tại TP Atlanta, bang Georgia (Mỹ) ngày 3-11. Ảnh: GETTY IMAGES
Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden (trái) và Tổng thống Donald Trump (phải). Ảnh minh họa: THE STRAITS TIMES
Ông Trump, ông Biden nói gì về đêm bầu cử?
Từ đầu ngày 3-11, ông Trump luôn giữ một phong thái tự tin, liên tục khẳng định trên trang Twitter cá nhân rằng ông “không có gì phải lo sợ” về nguy cơ thua cuộc lần này vì đã có một lượng cử tri trung thành đông đảo luôn ủng hộ ông. Đương kim chủ nhân Nhà Trắng còn nhiều lần nhắc lại lời cám ơn các cử tri này đã sát cánh cùng ông đến giờ phút cuối cùng.
Không chỉ ông Trump mà ngay cả những nhân viên thuộc đội ngũ tranh cử của ông cũng có quan điểm khá tích cực về cửa thắng của đương kim tổng thống. Đơn cử, một cố vấn cấp cao của ông Trump là ông Jason Miller khi trả lời tờ The Guardian khẳng định có cảm giác rất tốt về kết quả thu được trong đêm bầu cử nên không có gì phải lo lắng về tình hình hiện tại.
“Hầu như mọi người dưới quyền Tổng thống Donald Trump và ngay chính bản thân ông cũng đều đồng ý rằng chúng tôi đang ở vị thế tốt hơn, có lợi hơn so với kỳ bầu cử năm 2016” - ông Miller nói.
Ứng viên Biden lại có phần dè dặt hơn khi đưa ra bình luận liên quan kết quả bầu cử. Trả lời phỏng vấn của đài CNN tại bang quê nhà Delaware, ứng viên này cho biết không có kế hoạch cụ thể nếu đến hết đêm 3-11 mà vẫn chưa biết được ai là người chiến thắng. Ông Biden cũng tự nhận là khá “mê tín” nên không muốn dự đoán trước kết quả bầu cử, dù vẫn hy vọng giành được chiến thắng áp đảo ở các bang chiến địa. Đội ngũ tranh cử của ông cũng khá kín tiếng khi chỉ đưa ra một số nhận định ngắn với CNN rằng chìa khóa giúp ông Biden đắc cử phụ thuộc vào cử tri ở ba bang chiến địa là Pennsylvania, Michigan và Wisconsin.
Vào khoảng tối 3-11, khi số phiếu bầu ở các bang bắt đầu nghiêng về phía ông Biden, phát ngôn của hai ứng viên dần trở nên đối đầu hơn. Đơn cử, ông Trump gửi đi một dòng trạng thái cáo buộc đảng Dân chủ “đang đánh cắp” cuộc bầu cử khi rõ ràng là ông đang thắng thế.
Về phía ông Biden, ông có một cuộc họp báo ngắn ở Delaware để trấn an người ủng hộ rằng có thể phải chờ thêm một thời gian mới có kết quả cuối cùng và kêu gọi hãy kiên nhẫn, giữ vững niềm tin. Ứng viên này cũng nhắc lại nghi vấn rằng ông Trump có thể sẽ tuyên bố đắc cử ngay khi có dấu hiệu chiến thắng đầu tiên mà không đợi các bang hoàn tất kiểm phiếu, đồng thời cảnh báo ông Trump không có quyền làm vậy, vì tổng thống là do người dân bầu nên chứ không phải ngược lại.
16 bang đã cho kích hoạt lực lượng Vệ binh quốc gia phòng trường hợp xảy ra bạo động sau ngày 3-11, theo tờ USA Today. Tuy nhiên, hầu hết giới truyền thông Mỹ đều đồng ý cuộc bầu cử năm nay tương đối yên ổn, nếu không muốn nói là có phần “nhàm chán”. |
Ông Trump đưa thông điệp gây tranh cãi
Dù vậy, lo ngại của ông Biden cuối cùng cũng thành sự thật khi đến rạng sáng 4-11, ông Trump bất ngờ thông báo sẽ tổ chức họp báo ở Nhà Trắng để bàn về “chiến thắng to lớn” mà ông đã giành được trong cuộc bầu cử năm nay.
Mở đầu bài phát biểu, tổng thống Mỹ nhấn mạnh ban đầu ông giành được hàng loạt bang quan trọng như Texas và Florida, cũng như dẫn trước ở một số bang lớn vẫn đang kiểm phiếu khác như Pennsylvania, Georgia và North Carolina với cách biệt mà ông đánh giá là ông Biden không thể đuổi kịp. Do đó, việc càng về sau ông Biden càng chiếm ưu thế theo ông chỉ có thể là “màn lừa dối che mắt dư luận Mỹ” và là “một cử chỉ đáng xấu hổ cho đất nước”.
“Thẳng thắn mà nói, chúng tôi thật sự đã chiến thắng và bây giờ mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo tính toàn vẹn của cuộc bầu cử vì lợi ích của đất nước. Chúng tôi sẽ can thiệp bằng pháp luật và đem chuyện này ra Tòa án Tối cao. Chúng tôi yêu cầu ngừng hoàn toàn các hoạt động kiểm phiếu vì ngày bầu cử đã kết thúc rồi” - ông Trump khẳng định.
Những phát ngôn của ông Trump lập tức nhận lấy sự chỉ trích kịch liệt từ phe Dân chủ. Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden - bà Jen O’Malley Dillon gay gắt lên án việc ông Trump đòi ngừng công tác kiểm phiếu là hoàn toàn sai trái và là một hành vi “tước bỏ trắng trợn tiếng nói của người dân”. Bà Dillon khẳng định sẽ triển khai các đội ngũ pháp lý để theo đuổi vụ này tới cùng.
Cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người từng bị ông Trump sa thải vào hồi tháng 9-2019, thì gọi bài phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ là một “sự xúc phạm” và “ thể hiện tính vô trách nhiệm chưa từng thấy”. Nói với hãng tin Sky News, ông Bolton gay gắt rằng “ông Trump hoàn toàn có thể là người chiến thắng nhưng lời nói phục vụ ý đồ riêng của ông ta đã ảnh hưởng tiêu cực lên toàn bộ cuộc bầu cử”.
Bầu cử Thượng viện, Hạ viện vào thế giằng co Song song với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thì hai cuộc đua vào Thượng viện và Hạ viện của hai đảng Cộng hòa, Dân chủ cũng đang diễn ra quyết liệt không kém. Tính đến tối 4-11 (giờ Việt Nam), Fox News cho biết hai phe đang hòa nhau ở Thượng viện, mỗi bên giành được 47 ghế. Tương tự ứng viên tổng thống Joe Biden, các ứng viên hạ nghị sĩ Dân chủ cũng gặp khó khăn khi đối đầu với các ứng viên Cộng hòa ở các bang quan trọng như Georgia, Texas hay Alabama. Tình hình này khiến tham vọng tái chiếm Thượng viện của đảng Dân chủ trở nên xa vời hơn. Dù vậy, cuộc đua ở Hạ viện lại diễn ra có lợi hơn cho đảng này khi phe Dân chủ hiện đã giành được 189 ghế, hơn đảng Cộng hòa tám ghế. Hạ viện năm nay bầu lại toàn bộ 435 ghế, còn Thượng viện bầu lại 35 ghế. Trước cuộc bầu cử lần này, số ghế tại Thượng viện và Hạ viện lần lượt của hai đảng đang là 47 và 233 với Dân chủ và 53 với 201 của Cộng hòa. |