Đơn cử, Tập đoàn Logos Property của Úc đã đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh bất động sản logistics để thâm nhập thị trường VN. Ngoài ra, Công ty Mirae Asset Daewoo Co. và Naver Corporation của Hàn Quốc đã đầu tư 37 triệu USD vào một nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley ở Bắc Ninh... Tập đoàn Điện tử Pegatron (Đài Loan), nhà cung ứng linh kiện cho Apple, đầu tư hơn 19 triệu USD vào Hải Phòng cho giai đoạn đầu trong chuỗi kế hoạch mở rộng tại VN.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội để tăng trưởng. Ảnh minh họa: MINH LONG
Đặc biệt trong quý III, Hà Nam đón đầu làn sóng FDI cao nhất cho lĩnh vực chế biến, chế tạo với hơn 447 triệu USD, tiếp đó là Hải Phòng với 438 triệu USD. Dự án sản xuất lớn nhất tại Hà Nam đã nhận được nguồn vốn đầu tư lên đến 273 triệu USD từ Tập đoàn Wistron (Đài Loan).
“Điều quan trọng hơn hết là một số nhà đầu tư và sản xuất logistics nổi tiếng nhất thế giới đang dần ủy thác và thể hiện niềm tin của họ vào tiềm năng lâu dài của VN hơn, bất chấp những khó khăn hiện tại do đại dịch gây ra” - ông John Gallander, Giám đốc Savills Hà Nội, nhấn mạnh.
Theo Savills VN, hầu hết các giao dịch cho thuê trong sáu tháng đầu năm 2020 bắt nguồn từ các dự án và các cuộc thương thảo diễn ra từ năm 2019. Trong khi đó, nhiều hợp đồng thuê cũng được thực hiện từ các công ty đã ở VN và muốn mở rộng sản xuất.
Dự kiến trong năm 2021 và 2022, các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư tung ra nhiều dự án hơn để bắt kịp và đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất giá trị cao.