vĐồng tin tức tài chính 365

Làm sao giám sát bữa ăn bán trú?

2020-11-05 07:27

Những ngày vừa qua, sự việc bữa ăn bán trú tại Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9, TP.HCM) khiến phụ huynh lo lắng, đặt ra vấn đề làm sao có thể giám sát được bữa ăn bán trú của các con.

Muốn nhà trường công khai nguồn nguyên liệu

Chị MT, phụ huynh có con học tại trường tiểu học ở quận 6, mong muốn trường nên công khai đầu mối cung cấp các nguyên liệu chế biến bữa ăn cho trẻ để phụ huynh nắm vì vấn đề này rất khó giám sát. Như vậy, phụ huynh sẽ an tâm hơn vì con ăn mỗi ngày ở trường. “Tôi không sợ con đói, tôi chỉ sợ nguồn thực phẩm không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Ví dụ rau, củ đã bị mốc nhưng khi chế biến, phần còn lại dù đã cắt bỏ đi cũng không đảm bảo an toàn” - chị M. nói.

Trước việc một số ý kiến cho rằng nhà trường nên cho phép phụ huynh đột xuất kiểm tra, giám sát bữa ăn, chị M. cho rằng điều này không cần thiết, không có hiệu quả.

“Trường tiểu học phải đảm bảo an toàn cho các con, không để phụ huynh tự ý ra vào. Hơn nữa, phụ huynh vào sẽ gây rối bởi mỗi người mỗi ý khác nhau, chỉ làm cho mọi chuyện thêm phức tạp chứ khó có thể giải quyết được vấn đề gì” - chị M. nói thêm.

Làm sao giám sát bữa ăn bán trú? - ảnh 1
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM. Ảnh: TQ

Giáo viên, phụ huynh ăn cùng con

Thực tế, hiện nay nhiều trường đã có những giải pháp để kiểm soát nguồn thực phẩm cũng như giúp phụ huynh có thể giám sát bữa ăn của con.

Chị TH, phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở quận 2, rất hài lòng về cách thức tổ chức bữa ăn bán trú của trường.

 Chị H. nói: “Bữa ăn do trường tự nấu, chỉ thuê một đầu bếp, còn lại các nhân viên của trường chế biến. Điều đáng nói là ban giám hiệu và giáo viên sẽ ăn cùng con. Bởi hiệu trưởng từng nói nếu lãnh đạo trường và giáo viên không ăn suất ăn bán trú cùng học sinh thì làm sao phụ huynh đủ tin tưởng để có thể gửi con bán trú. Do đó, nếu chúng ta ăn ngon thì học sinh cũng vậy”.

Hơn nữa, theo chị H., mỗi tuần nhà trường sẽ công khai thực đơn tại bảng tin trường để phụ huynh nắm. “Tại các cuộc họp phụ huynh, nhà trường cũng công khai nguồn đầu vào thực phẩm để phụ huynh nắm. Hơn 50% nguyên liệu của trường lấy từ siêu thị, phần còn lại cũng lấy từ một đơn vị có uy tín trên địa bàn. Trừ những hôm có bún, phở, nếu là cơm sẽ gồm món mặn, canh, xào và tráng miệng” - chị H. nói thêm.

Cũng theo chị H., ban đại diện hội phụ huynh trường sẽ thay phiên nhau kiểm tra các hoạt động của trường, trong đó có việc giám sát tổ chức bữa ăn bán trú.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay vấn đề công khai bữa ăn học đường được trường làm thường niên. Thực đơn đều được trường công bố trên trang web, bảng tin để phụ huynh nắm.

Trường còn tổ chức hoạt động mời phụ huynh vào ăn cùng con. Muốn tham gia phụ huynh sẽ đăng ký với bảo mẫu, bảo mẫu sẽ báo với nhà bếp để chuẩn bị.

“Thực tế, ý tưởng này xuất hiện từ các đời hiệu trưởng trước. Do đó, khi về trường tôi thấy hoạt động này khá tốt nên tiếp tục duy trì cho đến bây giờ. Ngoài ra, khâu tiếp phẩm được trường thực hiện theo đúng quy định, có kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất. Bên cạnh đó, trường cũng thường nắm bắt thông tin từ ban đại diện cha mẹ học sinh. Nếu có gì chưa ổn trường sẽ lắng nghe. Tất cả nhằm đảm bảo chất lượng bán trú của các con” - bà Chi nói.

Đề cập đến vấn đề này, bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, cho hay nhà trường chọn lựa bếp ăn là một đơn vị có uy tín, tham gia nấu ăn cho nhiều trường trên địa bàn quận. Vì thế, vấn đề chế biến cũng như nguồn gốc nguyên vật liệu khá yên tâm. Hơn nữa, giám thị và bảo vệ cũng ăn suất cơm cùng học sinh để nắm bắt về chất lượng. Nếu bữa ăn có vấn đề gì sẽ báo cáo với trường để có hướng giải quyết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh, cho hay trường không có cơ sở vật chất nên phải đặt suất ăn công nghiệp ở ngoài. Vì thế, việc lựa chọn nhà cung cấp được trường rất chú trọng.

“Trước khi ký hợp đồng với đơn vị, ban giám hiệu cùng ban đại diện hội phụ huynh trường sẽ đến tham quan, kiểm tra cơ sở bếp ăn xem có đảm bảo không. Đơn vị đảm bảo các quy định và quy trình về an toàn thực phẩm mới thực hiện ký kết. Mặt khác, trong quá trình học sinh ăn bán trú, nếu phụ huynh muốn vào trường giám sát cũng được nhưng phải báo với ban đại diện trường và đi cùng họ. Bởi trường học không thể để phụ huynh ra vào vì phải đảm bảo an toàn cho học sinh” - ông Hùng nói.

Phòng GD&ĐT quận 9 nhận trách nhiệm

Chiều 4-11, Phòng GD&ĐT quận 9 đã có thông tin gửi báo chí về vụ việc chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú tại Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi, phường Phước Long B, quận 9.

Theo đó, nhằm khắc phục thiếu sót và góp phần ổn định tình hình chung, vào tối 3-11, lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận, phường, hiệu trưởng cùng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Nidsan đã có cuộc họp tiếp theo với phụ huynh của trường. Tại đây, lãnh đạo nhà trường và công ty đã nhận trách nhiệm và xin lỗi, đồng thời đưa ra hướng khắc phục cụ thể: Thay đổi đơn vị cung cấp thực phẩm cho bếp ăn, thống nhất với phụ huynh về quy trình phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm và chất lượng bữa ăn, tạo điều kiện cho ban đại diện cha mẹ học sinh cùng tham gia lựa chọn đơn vị nấu ăn.

“Phòng GD&ĐT quận 9 xin nhận trách nhiệm về những sự việc đáng tiếc xảy ra tại trường. Phòng sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp trên tinh thần cầu thị và điều chỉnh ngay để nâng cao chất lượng hoạt động bán trú tại các trường học trên địa bàn” - thông cáo nêu. 

Xem thêm: lmth.071849-urt-nab-na-aub-tas-maig-oas-mal/eohk-cus/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Làm sao giám sát bữa ăn bán trú?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools