Ant Group từng được cho là một đối trọng ở Trung Quốc với JPMorgan - một trong những đế chế tài chính lâu đời nhất thế giới. Tuy nhiên, Bắc Kinh đột nhiên nghi ngờ về tương lai của Ant Group và nhà sáng lập Jack Ma khiến doanh nghiệp này phải hoãn đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến lớn nhất thế giới.
Quyết định này được đưa ra hôm 3/11 - một ngày trước khi Ant Group IPO tại Thượng Hải và Hong Kong. Hôm 2/11, Jack Ma và hai lãnh đạo Ant Group bị gọi đến cuộc họp với ngân hàng trung ương (PBOC) và ba quan chức tài chính cấp cao của Trung Quốc.
Chỉ trong một thập kỷ, Ant Group – thành viên của Alibaba Group đã phát triển thành một trong những hãng công nghệ tài chính hàng đầu thế giới, định hình lại cuộc sống của nhiều người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, sự bùng nổ và danh tiếng càng ngày tăng trên toàn cầu cũng là một rủi ro với các ngân hàng Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc không đưa ra nhiều thông tin về quyết định hoãn đợt IPO của Ant Group. Họ chỉ cho biết thương vụ IPO được nhiều người mong đợi không thể diễn ra vì "có thay đổi đáng kể" trong môi trường pháp lý.
Theo một nguồn tin thân cận với vấn đề của Bloomberg, Ant Group sẽ phải thực hiện các thay đổi, bao gồm tăng vốn tại các đơn vị cho vay vi mô của mình. Đồng thời, Ant cũng phải xin lại giấy phép cho các chi nhánh hoạt động trên toàn quốc. Đợt IPO này dự kiến bị hoãn lại 6 tháng và Ant sẽ hoàn lại tiền cho các nhà đầu tư.
Từ lâu, Ant đã được coi như một điển hình trong việc làm thế nào Bắc Kinh cho phép các doanh nhân, nhất là trong lĩnh vực công nghệ phát triển. Yêu cầu hoãn IPO hôm thứ Ba có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính nước này, dù Chủ tịch Tập Cận Bình đã cố gắng tạo ra những thị trường chứng khoán có thể cạnh trạnh với Mỹ.
Theo Bloomberg, cuộc họp hiếm hoi của PBOC với Jack Ma có những dấu hiệu cảnh báo Ant Group sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn và các hạn chế về vốn và đòn bẩy tương tự như ngân hàng truyền thống.
"Điều này càng cho thấy rõ áp lực về quản lý mà các gã khổng lồ công nghệ phải chịu. Đây là tin tốt cho các ngân hàng, nhưng xấu với Jack Ma", trưởng bộ phận phân tích thị trường, Nader Naeimi tại AMP Capital Investors nói khi đề cập đến cạnh tranh mà Ant tạo ra với các ngân hàng truyền thống.
Thương vụ IPO kép tại Hong Kong và Thượng Hải của Ant Group nhanh chóng thu hút được ít nhất 3.000 tỷ USD từ các nhà đầu tư cá nhân. Còn các nhà đầu tư tổ chức đã đăng ký mua 76 tỷ cổ phiếu của hãng tài chính này. Sau IPO, Ant Group dự kiến có vốn hóa khoảng 315 tỷ USD, vượt JPMorgan và gấp 4 lần Goldman Sachs.
Ant đã bị truyền thông Trung Quốc soi xét nhiều hơn khi gần đây Jack Ma chỉ trích các nhà quản lý địa phương và toàn cầu kìm hãm sự đổi mới và không quan tâm đẩy đủ đến phát triển và cơ hội cho giới trẻ. Tại mội hội nghị ở Thượng Hải tháng trước, ông còn so sánh Hiệp ước Basel quy định về vốn để hạn chế rủi ro cho các ngân hàng như một câu lạc bộ dành cho người cao tuổi.
Tỷ phú này còn cho rằng các ngân hàng truyền thống hoạt động như "các cửa hàng cầm đồ" vì luôn yêu cầu thế chấp trước khi vay. Theo ông, trong tương lai, các quyết định cho vay nên được quyết định bằng các phân tích dữ liệu lớn.
Tại cuộc họp cuối tuần trước với Ủy ban Phát triển và Ổn định tài chính do Phó thủ tướng Lưu Hạc điều hành, các quan chức đã nhấn mạnh việc các công ty fintech cần được quản lý.
Cũng vào hôm Jack Ma gặp PBOC và các quan chức tài chính cấp cao đầu tuần này, theo SCMP, Trung Quốc đã công bố dự thảo các quy định để kìm hãm sự bùng nổ của thị trường cho vay vi mô. Động thái này có thể làm giảm lợi nhuận của các đại gia fintech và dòng tiền đổ vào doanh nghiệp nhỏ.
"Đây là tín hiệu thắt chặt quy định mạnh mẽ", Shujin Chen và Alfred He, hai nhà phân tích cổ phiếu tại hãng môi giới Jefferies nhận định.
Các quy định này có thể làm giảm thanh khoản chảy đến các bộ phần của nền kinh tế cần nó nhất. Trung Quốc đang phục hồi sau Covid-19 nhưng các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân vẫn đang chật vật để tiếp cận vốn ngân hàng.
Trong khi đó, giới chức đang tìm cách giảm nợ trong hệ thống tài chính. Các quy định mới thể làm giảm lợi nhuận của các nhà cho vay vi mô bằng cách các chi phí tuân thủ, giảm quy mô các khoản vay cá nhân và yêu cầu các fintech đóng góp phần lớn hơn vào các khoản vay thay vì nhờ các ngân hàng truyền thống.
Theo Thống đốc PBOC, Yi Gang, sự đổi mới của các doanh nghiệp Big Tech đã giúp các khoản vay nhỏ ở Trung Quốc khả thi. Ông nhận định, đây là một sự cải tiến to lớn. Tuy nhiên, POBC đã nhận thấy các ngân hàng thương mại đang sử dụng dịch vụ của các Big Tech để tìm khách hàng và phụ thuộc vào hệ thống quản trị rủi ro của họ.
Theo dự thảo quy định mới, các doanh nghiệp cho vay vi mô trực tuyến sẽ được quản lý bởi các cơ quan trung ương gồm PBOC và Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), thay vì các văn phòng địa phương. Nó cũng cấm các ngân hàng địa phương cho vay tại các địa bàn khác thông qua các nền tảng trực tuyến... Các nền tảng cho vay trực tuyến sẽ có ít nhất một năm để đáp ứng quy định mới.
Ant thống trị thị trường thanh toán Trung Quốc với ứng dụng Alipay. Doanh nghiệp của Jack Ma cũng đang vận hành quỹ Yu’ebao và nền tảng cho vay trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Các mảng kinh doanh khác của Ant gồm một đơn vị chấm điểm tín dụng và một hãng bảo hiểm.
Tú Anh (theo Bloomberg, SCMP)