Trong vụ án mạng ở Hà Giang, 4 bố con Giàng Chẩn Diu đã có sự bàn bạc, lên kế hoạch, đồng thời quyết tâm thực hiện hành vi giết người.
Liên quan đến sự việc 4 bố con cùng sát hại 2 người hàng xóm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố vụ án, thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với các đối tượng, gồm Giàng Chẩn Diu (51 tuổi), Giàng Seo Sèng (27 tuổi), Giàng Seo Phàng (22 tuổi) và Giàng Seo Phong (17 tuổi). Trong đó, ông Diu là bố của 3 người còn lại, cùng trú tại thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.
Các nạn nhân bị sát hại là 2 chú cháu Thào Seo Sáng (59 tuổi) và Thào Seo Sì (30 tuổi), cùng trú tại thôn Súng Sảng, thị trấn Cốc Pài.
Cơ quan công an cho biết, do tranh chấp đất đai trước đó, các đối tượng đã bàn bạc, lên kế hoạch giết người. Cụ thể, khoảng 22h ngày 20.10, Giàng Seo Sèng và Giàng Seo Phàng đến nhà ông Diu. Tại đây, Sèng nói "Bố ạ, muốn có đất để làm ăn thì bố con ta phải thống nhất giết Thào Chính Dí, Thào Seo Sì đi vì nó tranh chấp làm thu hẹp diện tích đất canh tác. Phải xử lý ngay vì qua đời bố chắc các con không có khả năng tranh giành đất canh tác hiện nay".
Sau đó, cả 4 đối tượng sau đó đến nhà ông Thào Chính Dí (là bố ruột của nạn nhân Thào Seo Sì), cầm theo búa bổ củi và một đoạn dây thừng dài.
Tại đây, thấy nhà ông Dí khóa ngoài, còn nhà ông Thào Seo Sáng (là em trai ruột ông Dí, nhà sát cạnh) cửa đóng hờ, các đối tượng kéo nhau cùng đi vào trong, sử dụng đèn pin điện thoại và thấy ông Sáng và anh Thào Seo Sì. Không để cho hai nạn nhân kịp kháng cự, tất cả các đối tượng đã dùng đoạn dây thừng mang theo siết cổ ông Sáng và anh Sì, sau đó treo cổ hai nạn nhân lên xà nhà rồi đi về.
Nói về vụ án mạng này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi của các đối tượng trong vụ án này rất manh động và có chủ đích từ trước. Các đối tượng dựng hiện trường giả để định qua mặt cơ quan chức năng.
Theo luật sư Cường, vụ án này có nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như vì động cơ đê hèn, giết từ hai người trở lên. Do đó, mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, hình phạt là: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
"Với đối tượng chủ mưu, cầm đầu sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là tử hình. Các đối tượng khác có vai trò thứ yếu, giúp sức lại cùng trong một gia đình, nếu thành khẩn khai báo ăn năn hối cải thì sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật" - ông Cường nhận định.
Ngoài việc phải chịu chế tài của pháp luật hình sự, gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu các đối tượng phạm tội trong vụ án này phải bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, thiệt hại. Số tiền đó bao gồm tiền chi phí mai táng theo phong tục địa phương và khoản tiền tổn thất về tinh thần không quá 100 tháng lương tối thiểu.
Luật sư Cường cũng cho rằng, theo quy định của pháp luật thì người làm chứng (nhân chứng) được pháp luật bảo vệ, hành vi dụ dỗ, ép buộc, đe dọa nhân chứng là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm minh. Các địa phương cần có những giải pháp an toàn cho những người làm chứng, có cơ chế để bảo vệ, tránh việc bị trả thù.