Sàn trực tuyến tạo sự kiện ưu đãi để thúc đẩy doanh số
Minh Tâm
(TBKTSG Online) - Từ sự tăng trưởng mạnh về doanh số trong các ngày mua sắm quen thuộc như ngày Lễ độc thân (11-11), Black Friday (thứ Sáu đen tối)..., các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang có xu hướng tạo ra các ngày ưu đãi để thu hút thêm khách mua sắm trực tuyến (online).
Sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday 2019) và Tuần lễ trải nghiệm thương mại điện tử và công nghệ số được Bộ Công Thương tổ chức vào tháng 12-2019. Ảnh: TTXVN |
Chia sẻ trực tuyến từ Singapore với phóng viên một số tờ báo tại TPHCM chiều 4-11, ông Steven Nguyen, Giám đốc khu vực cấp cao khu vực Đông Nam Á của nền tảng quảng cáo Criteo cho biết, ngày Lễ độc thân 11-11, ngày mua sắm lớn nhất năm của người Trung Quốc, đã vượt ra khuôn khổ của nước này và trở nên phổ biến ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Và từ kết quả tăng trưởng mạnh trong ngày 11-11, các nhà bán hàng online đã mở thêm một trào lưu mới - ngày đôi, tức các ngày trùng số với tháng, ví dụ như 7-7, 8-8, 9-19, 10-10 hay 12-12… Vào các ngày này, các sàn TMĐT sẽ đẩy mạnh các chính sách ưu đãi về giá, khuyến mãi hàng hóa hay vận chuyển để cho người tiêu dùng có cảm giác sẽ có giá tốt và thực hiện “săn deal” - tìm ưu đãi.
“Họ đã thử nghiệm và đã có những kết quả nhất định”, ông Steven Nguyen nói.
Số liệu mà Criteo ghi nhận được cho thấy, trong những ngày đôi 7-7, 8-8, doanh số của các nhà bán lẻ tăng lần lượt 64% và 61%. Mức tăng này so với mức bình quân của một ngày trong tháng 6, thời điểm không có ưu đãi.
Và vào ngày 9-9 thì mức tăng là 213%. Đây là mức tăng trưởng được đánh giá là “cực lớn”.
“11-11 vì vậy không còn là ngày duy nhất có ưu đãi. Ngày này đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng và cho họ cảm giác rằng mỗi tháng sẽ có một ngày khuyến mãi. Đây là xu hướng mới và sẽ được đẩy mạnh trong tương lai”, ông Steven Nguyen nhận định .
Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online về việc sau những ngày ưu đãi thì sức mua trực tuyến như thế nào, đại diện Criteo cho biết, mọi thứ trở lại bình thường, không tăng lên nhưng cũng không giảm xuống. Nghĩa là, các ngày sau ngày đôi không bị ảnh hưởng.
Các ngày đôi có tác dụng đẩy doanh số và đó là phần dư ra của các nhà bán lẻ online. Và về bản chất, các ngày ưu đãi như ngày đôi là cách để các nhà bán hàng đầu tư để “giáo dục” người mua hàng, qua đó giảm dần khoảng cách giữa mua sắm online và offline (trực tiếp) vốn vẫn đang rất xa nhau này.
Cũng theo đại diện Criteo, từ việc đo đếm số liệu của năm trước và xu hướng “ngày đôi” đang diễn ra trên thị trường thì có đủ cơ sở để khẳng định, tăng trưởng doanh số vào những ngày lễ mua sắm online lớn tiếp theo như 11-11 và 12-12 sẽ rất mạnh.
Trong đó, các mặt hàng vốn thu hút người tiêu dùng như quần áo, máy tính, điện thoại, tai nghe… cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt về doanh số nhờ có nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Trong năm 2019, Criteo ghi nhận doanh số và lưu lượng bán lẻ online tăng lần lượt là 117% và 55% và tỷ lệ chuyển đổi cũng tăng 42%.
Từ phía các nhà bán online, các sàn TMĐT tại Việt Nam cũng đang rầm rộ triển khai các chương trình ưu đãi cho các ngày mua sắm 11-11, 12-12 hay Black Friday…
Như tại Lazada Việt Nam, ngày 11-11 được khẳng định là ngày “Sale to nhất năm” và mở đầu cho hàng loạt các lễ hội mua sắm khác kéo dài đến 12-12.
Theo đó, trong ngày 11-11, nhà bán này sẽ đưa ra tổng cộng 11 triệu ưu đãi giảm đến 50%, tổng giá trị mã giảm giá lên đến 22 tỉ đồng. Mã giảm giá có giá trị lớn nhất lên đến 1,1 triệu đồng. Các mã giảm giá sẽ tung ra vào nhiều khung giờ, không chỉ nửa đêm như mọi năm. Bên cạnh đó sẽ miễn phí giao hàng mỗi ngày cho đơn hàng từ 30.000 đồng áp dụng toàn quốc.
Ngoài ra, sàn này còn tổ chức đại nhạc hội trực tuyến có sự tham dự của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và sân khấu ứng dụng công nghệ AR (thực tế tăng cường) để khán giả có thể nhìn mọi phía.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc Marketing của Lazada Việt Nam, cho biết: “Thời điểm cuối năm là lúc các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh và tăng cường kết nối với khách hàng. Do đó, Lazada Việt Nam đã tăng chi phí đầu tư vào các mã giảm giá và mã miễn phí giao hàng trong Lễ hội mua sắm 11-11 năm nay lên hơn hai lần”.
Hay tại Shopee, ngày 11-11 cũng được quảng bá là ngày “siêu sale” với 11 triệu mã giảm giá, bán đồng giá 11.000 đồng và vận chuyển 0 đồng… với một số điều kiện áp dụng. Ngoài ra còn có nhiều sản phẩm được bán giảm giá 50%. Các mặt hàng được tập trung tất nhiên là hàng điện tử như điện thoại, máy tính, thời trang nam nữ, đồ phụ kiện…
Ông Steven Nguyen khuyến nghị, với xu hướng bán hàng như vậy thì các nhà bán lẻ trực tuyến cần nắm bắt cơ hội để thúc đẩy doanh số bán hàng mạnh hơn. Theo đó, cần xây dựng hành trình xuyên suốt với khách hàng bằng cách cung cấp hiển thị, các chiến dịch quảng cáo có liên quan trên web, trên ứng dụng (app) để tạo ra nhận thức, nâng cao sự cân nhắc của họ đối với các sản phẩm, thúc đẩy mua hàng.
Tuy nhiên, với ngân sách tiếp thị thắt chặt hơn, các nhà bán lẻ cần tập trung vào việc thu hút đúng khách hàng mới, những người có nhiều khả năng mua sản phẩm nhất và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Các nhà bán hàng cũng cần tạo ra những quảng cáo có tính liên quan: đúng nội dung, đúng thời điểm.
Ứng dụng mua sắm trên di động (app) ngày càng phổ biến Theo nghiên cứu “Đỉnh cao để phục hồi” của Criteo, khảo sát hơn 18.000 người tiêu dùng trên toàn thế giới vào tháng 5 -2020, 53% người tiêu dùng đã ít nhất một lần mua sắm trực tuyến trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid (có thể là mua hàng thông qua ứng dụng di động hoặc mua hàng trực tuyến qua web). “Dữ liệu quí 3-2020 của chúng tôi cho thấy thị phần của mua sắm trên app là 75% đối với các nhà bán lẻ có ứng dụng mua sắm. Đông Nam Á là một trong những khu vực có thị phần ứng dụng cao nhất trên toàn cầu. Vì người mua sắm hiện đang có xu hướng hướng tới trải nghiệm bán lẻ trên app hơn nên các nhà bán lẻ chắc chắn phải nâng cấp các hoạt động thu hút người tiêu dùng thông qua các phương tiện này”, ông Steven Nguyen nói thêm. |
Xem thêm: lmth.os-hnaod-yad-cuht-ed-iad-uu-neik-us-oat-neyut-curt-nas/813013/nv.semitnogiaseht.www