Doanh nghiệp rượu bia và kinh doanh xăng dầu chưa được gia hạn nộp thuế
Hoàng Thắng
(TBKTSG Online) - Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cân nhắc đề xuất gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất đồ uống, bán buôn và bán lẻ xăng dầu, sản xuất dầu mỏ tinh chế.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cân nhắc đề xuất gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Ảnh minh họa: Hoàng Thắng |
Số thuế, tiền thuê đất được gia hạn thấp hơn dự kiến
Tại tờ trình về tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất và đề xuất điều chỉnh thời gian, bổ sung đối tượng gia hạn, Bộ Tài chính cho biết cơ quan thuế đã tiếp nhận 184.887 giấy đề nghị gia hạn (GĐNGH) tiền thuế và tiền thuê đất tính đến 22-9-2020.
Cụ thể, có 128.619 doanh nghiệp và 56.268 hộ, cá nhân kinh doanh đã nộp giấy đề nghị – bằng 30% tổng số doanh nghiệp và 53% tổng số hộ, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam hiện nay. Số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 66.713 tỉ đồng tính tới 22-9, theo báo cáo của các cục thuế.
Giá trị thuế, tiền thuê đất đã gia hạn tính tới 22-9-2020
|
Con số này được Bộ Tài chính đánh giá là thấp hơn dự kiến khi dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước bị đình trệ, buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản.
“Doanh nghiệp không có nguồn thu và lợi nhuận. Vì vậy, số thuế phải nộp ngân sách giảm so với năm trước”, cơ quan này cho biết.
Ngoài ra, một bộ phận doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, số thuế phát sinh phải nộp không nhiều nên không nộp giấy đề nghị gia hạn.
Bên cạnh đó, đặc thù nộp thuế khoán với số thuế phải nộp định kỳ hàng tháng, hàng quí không nhiều cũng khiến một số hộ gia đình, cá nhân kinh doanh quyết định nộp thuế theo thời hạn quy định để tránh phải bỏ ra một số tiền lớn trong một thời điểm, theo Bộ Tài chính.
Mở rộng đối tượng được gia hạn
Từ kết quả thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ tiếp tục điều chỉnh thời gian gia hạn, bổ sung đối tượng gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần hồi phục nền kinh tế.
Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin sẽ được bổ sung vào nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất,
Các sắc thuế, phí được gia hạn gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất với số thuế, phí được gia hạn khoảng 36.000 tỉ đồng
Cơ quan này đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 10 và 11-2020 trong trường hợp đối tượng được gia hạn kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng. Những đối tượng kê khai thuế theo quý sẽ được gia hạn thời hạn nộp thuế với số thuế phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế quý 3-2020.
Với thuế thu nhập doanh nghiệp, việc gia hạn sẽ áp dụng với số thuế tạm nộp của quý 3-2020. Còn với tiền thuê đất, việc gia hạn nộp sẽ áp dụng với số tiền phải nộp kỳ trong thứ hai của năm 2020.
Hạn chót để các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc nộp thuế, tiền thuê đất là 30-12-2020.
Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ cho phép ban hành Nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo trình tự, thủ tục rút gọn nếu thống nhất với đề xuất này.
Trước đó, có ý kiến đề nghị kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất sang năm 2021. Nhưng Bộ Tài chính cho rằng phương án này sẽ làm ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020 đã được Quốc hội phê duyệt.
Cân nhắc đề xuất giãn thuế với nhiều ngành, lĩnh vực
Bộ Tài chính cũng nêu ý kiến rà soát với từng nhóm ngành được đề xuất giãn, hoãn thuế.
Tình hình nộp thuế GTGT, TNDN, tiền thuê đất của các doanh nghiệp trong bảy tháng đầu năm 2020
|
Với ngành sản xuất dầu mỏ tinh chế, cơ quan này cho rằng khó khăn của hai doanh nghiệp hoạt động trong ngành là Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn chủ yếu do giá dầu giảm mạnh trong năm 2020.
Ngoài ra, Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn thuộc đối tượng gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP do kinh doanh ngành hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan vận tải. Việc này cũng áp dụng với Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn do Chính phủ đã có cam kết bao tiêu sản phẩm, vì vậy việc giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp có tác động trực tiếp đến nghĩa vụ cam kết.
Tương tự, Bộ Tài chính cũng cho rằng kết quả kinh doanh của nhóm ngành bán buôn, bán lẻ xăng dầu chủ yếu do giá xăng dầu giảm. Vì vậy, cơ quan này cho rằng cần cân nhắc thêm đề xuất việc gia hạn nộp thuế với hai lĩnh vực này.
Với ngành sản xuất mô tô, xe máy. Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành trong chín tháng đầu năm 2020 giảm 8,9% so với cùng giai đoạn của năm trước, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê,
Bộ Tài chính cho rằng con số này dù thể hiện sự ảnh hưởng của Covid-19 tới ngành, nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành không nhiều nên cần cân nhắc thêm về việc gia hạn nộp thuế.
Với nhóm ngành khai khoáng, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành trong chín tháng đầu năm 2020 giảm 5,35% so với cùng kỳ do sản lượng dầu thô khai thác giảm 14,1% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%. Nhưng thông tin từ một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản cho thấy khó khăn xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau không hẳn là do tác động của dịch Covid-19.
Công ty Núi Pháo phải điều chỉnh tăng mức tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của mỏ vonfram đa kim Núi Pháo. Còn Công ty Hùng Đại Sơn đã lùi thời hạn xây dựng cơ bản mỏ nên chưa thể tiến hành khai thác theo như đã đăng ký.
Bộ Tài chính cho rằng, không phải toàn bộ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thoáng đều gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ngoài ra, đề xuất giãn thuế tới từ các đối tượng cụ thể, gồm: Hiệp hội doanh nghiệp địa chất và khoáng sản Việt Nam, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi pháo, UBND tỉnh Bình Định - không đại diện cho toàn ngành khai thác khoáng sản.
Vì vậy, cơ quan này quyết định cân nhắc thêm việc áp dụng chính sách gia hạn nộp thuế với lĩnh vực này.
Với nhóm ngành sản xuất đồ uống, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành trong chín tháng đầu năm 2020 giảm 6,6% so với cùng giai đoạn của năm 2019. Nguyên nhân được Bộ Tài chính xác định là sự thói quen tiêu dùng của khác hàng và những điều chỉnh của chính sách của Chính phủ khi ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP với nhiều quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt theo hướng tăng mức xử phạt đối nếu người điều khiển phươn tiện giao thông có vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.
Vì vậy, Bộ Tài chính cũng cho biết cần cân nhắc thêm về việc gia hạn nộp thuế với lĩnh vực này.