Sáng 5.11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (Đoàn Quảng Ngãi) đã dùng quyền đại biểu Quốc hội để tranh luận với một số ý kiến của đại biểu về vấn đề thuỷ điện và ảnh hưởng của thuỷ điện đến môi trường.
Thủy điện và ảnh hưởng của thủy điện tới môi trường vẫn là câu chuyện được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận ngày 5.11 - ngày thứ 3 Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (Đoàn Quảng Ngãi) đã dùng quyền đại biểu Quốc hội để tranh luận với một số ý kiến của đại biểu về vấn đề này.
Phải công khai báo cáo tác động môi trường
Trước đó, ngày 4.11, sau nhiều ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình về thủy điện. Bộ trưởng khẳng định, thủy điện có cả những mặt tích cực và có cả những mặt hạn chế, tùy thuộc vào quản lý và các chính sách để xử lý các vấn đề có liên quan.
Về tích cực, ngoài đóng góp quan trọng trong cơ cấu điện, thủy điện đóng góp cho phát triển địa phương; là nguồn điện quan trong cho chiến lược năng lượng tương lai, đồng thời có tác dụng cắt giảm và điều tiết lũ...
Tuy vậy, Bộ trưởng Công Thương cũng thừa nhận có những tác động tiêu cực của thủy điện đến môi trường, đất, nước và khí hậu cũng như đời sống của nhân dân. Do đó, thủy điện đã được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội và Chính phủ.
Sau phần giải trình của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, 2 đại biểu đã đăng ký tranh luận.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) đồng tình với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh rằng “thủy điện có tính 2 mặt”, song đặt câu hỏi: Chúng ta lấy thước đo nào để khẳng định rằng, mặt tốt của thủy điện là ưu việt và mặt xấu chỉ là tạm thời?
Sáng nay (5.11), dùng quyền đại biểu Quốc hội để tranh luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (Đoàn Quảng Ngãi) gửi lời cảm ơn ý kiến của 2 đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và Dương Trung Quốc đã có những góp ý, tuy nhiên có một số vấn đề muốn trao đổi thêm.
Đại biểu Trần Tuấn Anh cho biết, hiện chúng ta có quy trình về pháp lý rất quan trọng, bài bản để quản lý các dự án đầu tư, để đảm bảo hiệu quả của các dự án thủy điện.
Theo Luật Đầu tư, dự án phải có báo cáo về kinh tế kỹ thuật, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Những đánh giá này là nhân tố cơ bản giúp cho các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, đánh giá xem dự án nào có hiệu quả, mức độ tác động tiêu cực nếu có.
Liên quan đến vấn đề quản lý đất trong việc sử dụng đất rừng tự nhiên, đại biểu Trần Tuấn Anh cho biết, trong dự án thủy điện có những khâu rất quan trọng. Đầu tiên muốn xây dựng thì dự án đó phải có trong quy hoạch.
Khi bổ sung vào quy hoạch thì phải xin ý kiến các bộ ngành liên quan như Bộ NNPTNT, Bộ TNMT, Bộ Xây dựng, Bộ Công an để đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, cũng như các mục tiêu ưu tiên trong quy hoạch.
Về quy trình đầu tư dự án thủy điện thì phải có cấp có cấp thẩm quyền phê duyệt dự án. Luật Đầu tư, Luật Xây dựng có hướng dẫn rất cụ thể và các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương có trách nhiệm kiểm tra các dự án thủy điện theo các quy định của pháp luật, nếu báo cáo đánh giá tác động môi trường khả thi thì mới cho thực hiện.
Báo cáo này đều phải đăng công khai trên các trang điện tử để thực hiện việc thẩm định, giám sát về công tác bảo vệ môi trường.
Chủ đầu tư có trách nhiệm tháo dỡ dự án thủy điện hết khấu hao
Về ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc, đề cập đến các dự án thủy điện nhỏ đã hết khấu hao thì xử lý thế nào?
Ông Trần Tuấn Anh giải đáp: Điều 118 và 127 Luật Xây dựng, Nghị định 46 liên quan đến Luật Điện lực đều có hướng dẫn khi các dự án thuỷ điện hết vòng đời dự án phải thực hiện các yêu cầu của luật định, như việc đánh giá chất lượng của các hồ đập, các hướng sử dụng, hoặc tháo dỡ. Trong đó yêu cầu chủ đầu tư chịu trách nhiệm tháo dỡ phải có phương án báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Về tấm pin có điện, ông Trần Tuấn Anh thông tin, Thủ tướng đã có quyết định giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng hệ thống quy chuẩn về tấm pin có điện cũng như phương án xử lý các tấm pin có điện khi dự án hết thời hạn.
"Trên nguyên tắc của luật định, các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm xử lý các tấm pin có điện. Trên thực tế chỉ có 3% từ tấm pin có một số các chất có thể liên quan đến môi trường.
Các nhà cung cấp tấm pin có điện đều có hợp đồng với chủ đầu tư các dự án điện mặt trời để chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý các tấm pin có điện" - ông Trần Tuấn Anh cho biết.
Xem thêm: odl.538158-oah-uahk-teh-ohn-neid-yuht-od-oaht-meihn-hcart-uihc-ut-uad-uhc/et-hnik/nv.gnodoal