Tại diễn đàn Quốc hội (QH) sáng qua, 5-11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã khơi mào cho cuộc tranh luận kịch liệt về lợi ích và mặt trái của thủy điện trước bối cảnh lụt lội, sạt lở đất liên tiếp xảy ra tại miền Trung…
Bộ trưởng Công Thương: Có bài bản kiểm soát thủy điện
Chiều 4-11, sau những chất vấn thẳng thắn của nhiều đại biểu (ĐB) QH, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có bài giải trình, làm rõ những vấn đề về xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành các nhà máy thủy điện. Trong sáng 5-11, ông Trần Tuấn Anh tiếp tục khẳng định: “Chúng ta đang có quy trình pháp lý quan trọng, bài bản” để đảm bảo hiệu quả của các dự án thủy điện. “Cụ thể, căn cứ theo Luật Đầu tư, chúng ta có báo cáo về kinh tế kỹ thuật, cạnh đó là báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đây là những nhân tố cơ bản giúp các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư đánh giá xem dự án đó có hiệu quả hay không, mức độ tác động tiêu cực thế nào” - ông Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Công Thương cũng nhấn mạnh thêm ĐTM là quy định quan trọng, giúp đánh giá, đảm bảo vấn đề tác động lên môi trường của dự án và ĐTM phải được cơ quan thẩm định công khai trên trang thông tin điện tử của mình.
Về ý kiến thủy điện chiếm dụng đất rừng tự nhiên, Bộ trưởng Công Thương cho biết Thông tư 43 của Bộ Công Thương hướng dẫn xem xét các dự án thủy điện để bổ sung quy hoạch đã chỉ rõ thủy điện có quy mô sử dụng đất vượt quá 10 ha/MW thì không được xem xét, hoặc xâm chiếm đất rừng tự nhiên thì cũng không được xem xét. Bên cạnh đó, khi làm quy trình bổ sung thủy điện vào quy hoạch, Bộ Công Thương phải làm thủ tục xin ý kiến của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Về xử lý thủy điện nhỏ hết vòng đời dự án, Bộ trưởng Công Thương cho hay khi các dự án thủy điện hết vòng đời sử dụng phải thực hiện các yêu cầu của luật định, trong đó có việc đánh giá chất lượng của các hồ đập, các hướng dẫn sử dụng hoặc tháo dỡ. Trong đó yêu cầu chủ đầu tư chịu trách nhiệm tháo dỡ phải có phương án báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà: “Vừa rồi, trời đổ nước xuống chứ không phải là đổ mưa nữa!”. Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương): “Mọi thứ chúng ta đều đúng cả, chỉ có trời là sai vì mưa nhiều quá”. Ảnh: VGP - QH
ĐBQH: Lạm dụng thủy điện, phá rừng, hại dân…
Phát biểu của Bộ trưởng Công Thương đã mở màn cho cuộc tranh luận kịch liệt về thủy điện, lũ, chặt phá rừng... “Phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từ hôm qua đến giờ thì tôi thấy rằng mọi thứ chúng ta đều đúng cả, chỉ có trời là sai vì mưa nhiều quá” - ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nói và cho rằng bộ trưởng nói chưa ổn.
ĐB Hồng đưa ra nhận xét: “Ở đâu có nhà máy thủy điện thì ở đấy gắn liền với lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt”. “Các cụ ngày xưa còn nói tức nước thì vỡ bờ, chúng ta làm nhiều đập thủy điện thì nó không vỡ chỗ đập thủy điện nhưng nó sẽ vỡ chỗ khác, nước dâng cao phải tìm đường thoát. Nhưng nước thoát ra từ các hồ, đập thủy điện rất trái với quy luật tự nhiên và nó đã tạo ra những hậu quả như lũ lụt, sạt lở vừa qua!” - ĐB Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh.
Ngay lập tức, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) tranh luận lại: “Tôi thấy ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói thủy điện có hai mặt, đúng là như vậy. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói rằng các quy trình chúng ta đã làm đúng, như vậy chúng ta phải ủng hộ điều đó. Còn mặt tiêu cực thì Bộ Công Thương hiện nay đang kiểm soát tương đối chặt chẽ, đặc biệt ở nhiệm kỳ này”.
ĐB Lê Thanh Vân trao đổi thêm không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện, mà phải đánh giá khách quan, xem xét nhiều chiều. Thủy điện có đa tác dụng, vừa phân lũ vừa đảm bảo mục tiêu phát điện. Vấn đề mặt trái của thủy điện chính là sự lạm dụng trong việc xây dựng các nhà máy thủy điện, lựa chọn địa điểm, quy trình, quy phạm kỹ thuật. “Một số chủ nhà máy điện đã lạm dụng quy trình để trục lợi, thông qua phá rừng để lấy nguồn gỗ quý của rừng tự nhiên, đó là điều đáng lên án” - ĐB Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Còn ĐB Dương Trung Quốc thì nhấn mạnh phải cảnh báo tai họa của thủy điện nhỏ trong vòng đời 40-50 năm nữa. Điều này phải được nhìn nhận giải quyết, chứ không thể để lại cho con cháu. Qua trao đổi với bộ trưởng TN&MT, ông đề nghị chủ đầu tư khi tham gia làm thủy điện thì phải đóng một khoản tiền làm kinh phí xử lý khi thủy điện dừng khai thác.
“Còn cách Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói là đến lúc nào xong thì xử lý. Tôi xin nói ngay câu chuyện tối thiểu thôi, khi lấy đất của dân, di dời dân có khi còn chưa bồi thường cho họ, đừng nói đến chuyện mấy chục năm sau ai là người giải quyết, bỏ tiền ra. Việc này chúng ta phải nhìn trước, phải có cách để Nhà nước nắm đằng chuôi, còn doanh nghiệp họ có thể tìm mọi cách thoái thác, ai làm gì được” - ĐB Quốc nói.
Trời đổ nước, không đổ mưa
Trước các ý kiến, tranh luận về thủy điện, lũ, rừng, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã cung cấp thêm các thông tin mang tính khoa học, khách quan về đợt mưa lũ lịch sử tại miền Trung vừa qua.
Dẫn báo cáo rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc, ông Hà cho biết diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan và Việt Nam là 1/16 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây là một phần tạo nên “tổ hợp nguyên nhân”, dẫn tới các đợt lũ lụt, sạt lở đất xảy ra liên tiếp tại miền Trung vừa qua.
“Vừa qua, miền Trung đón bốn cơn bão, trong đó cơn bão số 9 mạnh nhất trong vòng 20 năm qua. Lượng mưa đã vượt qua mọi chỉ số đo lịch sử, ở Quảng Nam, lượng mưa hơn 500 mm/ngày, có nơi mưa cả đợt lên đến 2.000-4.000 mm. Có thể nói đây là trời đổ nước xuống chứ không phải là đổ mưa nữa. Lịch sử cũng chưa từng có số liệu tương tự để tính toán” - ông Hà nói.
Về các điểm xảy ra lở đất, ông Hà cho biết đều nằm ở độ cao 300-900 m, không liên quan đến thủy điện, do đó “không nên suy đoán mà cần dựa vào dữ liệu khoa học”.
Dữ liệu khoa học ấy, theo các nghiên cứu, khảo sát của Bộ TN&MT về lũ và tai biến địa chất (thực hiện từ năm 2009 đến nay) thì toàn bộ khu vực sạt lở nằm trong đới đứt gãy địa chất, có độ dốc, nền phong hóa dày… Ở điều kiện địa chất này, chỉ cần lượng mưa trên 100 mm thì đều có nguy cơ sạt lở. Còn mưa đến 500 mm thì làm tăng thêm trọng lượng, kéo sạt trượt mạnh mẽ.
Về yếu tố thảm thực vật, ông Hà cho biết qua quan sát vệ tinh và các số liệu về rừng khu vực này cũng có độ che phủ cao, không phải đất trống, đồi núi trọc.
“Không phải là lỗi các thủy điện nhỏ. Lỗi là chính chúng ta chưa phân tích, tính toán thiết kế được các công trình hiệu quả, hài hòa với tự nhiên. Nếu làm được thì vẫn khai thác được nguồn điện năng trong khi không làm biến đổi quá lớn đến tự nhiên” - ông Hà nói.
“Cây cao su, cà phê không phải là cây rừng!” Giải trình trước QH, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết tổng diện tích rừng của Việt Nam hiện nay là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, so với 30 năm trước diện tích rừng tự nhiên tăng lên 1,3 triệu ha. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cường thừa nhận chất lượng rừng tự nhiên của chúng ta chưa được tốt. Trong tổng số 10,3 triệu ha rừng tự nhiên, chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng, còn 50% là rừng trung bình, 35% là rừng nghèo. Tranh luận với giải trình trên, ĐB Ksor H’Bơ Khắp (đoàn Gia Lai) cho rằng việc tăng diện tích rừng từ 9 triệu lên 14,6 triệu là con số phấn khởi. Tuy nhiên, ĐB cảm thấy con số Bộ trưởng Cường đưa ra là vô lý và “có gì đó thực sự là sai sai”. Bởi theo ĐB, ít nhất trong nhiệm kỳ này, mỗi kỳ họp chúng ta đều được nghe các dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ (rừng tự nhiên). “Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại có thể tăng lên được, làm gì có con số 14 triệu ha rừng ấy! Với cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỉ lệ che phủ rừng hay sao? Tỉ lệ che phủ rừng là gì, là nơi chứa CO2 để thải ra O2. Còn cây cao su là cây hút O2, thải ra CO2, không có con gì sống được ở đó” - ĐB Ksor H’Bơ Khắp nói. |