Mới đây, tin đồn về việc ứng cử viên Joe Biden - đối thủ của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, bất ngờ được nhận khống 130.000 phiếu bầu tại bang Michigan đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội như chứng cứ kết luận rằng cuộc bầu cử năm nay có gian lận.
Tin giả có thể đe doạ kỳ bầu cử Mỹ. Ảnh: SCIENCE
Tuy nhiên, vụ việc nhanh chóng được xác minh là do lỗi nhập thừa một chữ số 0 của một nhân viên văn thư ở một hạt nhỏ của tiểu bang này, theo hãng tin AFP. Số liệu đúng đã nhanh chóng được cập nhật ngay sau đó và trên thực tế, số phiếu này đã không được tính cho ông Biden.
Vụ việc ở Michigan là ví dụ đơn cử chỉ ra kỳ bầu cử Mỹ là vùng đất màu mỡ để các thể loại tin giả sinh sôi.
Trước đó, nhiều thông tin như cử tri tại bang Arizona bị buộc phải dùng bút lông dầu để điền vào các phiếu bầu, khiến chúng trở nên khó đọc và không được tính hay số người tham gia bầu cử năm nay ở bang Wisconsin đã vượt quá tổng số cử tri đăng ký đều là những thông tin thất thiệt.
Tuy nhiên, dù là tin giả, nhưng những ảnh hưởng mà chúng mang đến cho cuộc bầu cử là có thật.
Như trường hợp vụ “lỗi đánh máy ở Michigan”, vụ việc này sau đó đã bị mạng xã hội thổi bùng lên thành một ví dụ “tiêu biểu” về gian lận bầu cử.
Cho dù người đầu tiên đăng thông tin đó lên Twitter là ông Matt Mackowiak - một nhà tư vấn thuộc đảng Cộng hòa, đã gỡ bài và đăng đính chính đó là thông tin sai lệch. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của tác giả, hàng ngàn người tiếp tục dùng các hình ảnh và nội dung bài viết ban đầu của ông Mackowiak như bằng chứng cho cáo buộc cuộc bầu cử năm nay đã có gian lận.
Bài đăng đính chính của ông Mackowiak. Ảnh: TWITTER
Còn tại bang Arizona, vụ “bút lông dầu khiến phiếu bầu không hợp lệ” đã khiến hơn 100 người ủng hộ ông Trump đòi xông vào bên trong một địa điểm kiểm phiếu tại thành phố Phoenix để kiểm tra lại các phiếu bầu, hãng tin Reuters hôm 4-11 cho biết.
Trước thực trạng trên, nhiều nỗ lực để đẩy lùi thông tin sai lệch, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội, đang được tích cực tiến hành.
Ngay từ trước thời điểm bỏ phiếu, Facebook, Twitter, Google và YouTube đã liên tục cập nhật nhiều chính sách nhằm ngăn chặn nạn tin giả, đồng thời cấm các quảng cáo chính trị cho tới khi bầu cử kết thúc.
Hiện tại, các nền tảng này cũng bổ sung một số chính sách mới như gắn cờ cho những nội dung liên quan tới bầu cử, hợp tác với các phương tiện truyền thông khác nhằm làm chậm sự lan truyền của thông tin sai lệch, theo tờ The Washington Post.