Cùng lắng nghe những chia sẻ từ bà Đào Thu Phương - Phó Tổng giám đốc Cốc Cốc về hành trình mở cửa và hội nhập của Cốc Cốc với các đối tác trong và ngoài nước, để hiểu được những khó khăn cũng như kinh nghiệm xử lý trong lĩnh vực "nhạy cảm" và cũng hết sức thiết yếu này.
Nổi lên trong giới start-up công nghệ Việt từ những ngày đầu ra mắt vào năm 2013 nhờ chinh phục được mảng trình duyệt và công cụ tìm kiếm vốn được coi là cực kì đặc thù và "khó nhằn", nhưng cho đến năm 2017, mọi sản phẩm cũng như công cụ vận hành nội bộ của Cốc Cốc đều hoàn toàn là "của nhà trồng được". "Quan điểm của Cốc Cốc khi đó là tất cả những sản phẩm gì có thể tự làm thì mình sẽ tự làm," bà Đào Thu Phương nhớ lại, "đến cả hệ thống CRM (chăm sóc khách hàng) chúng tôi cũng tự mình xây dựng nên."
Trong thực tế, đó là điều mà hầu như start-up nào cũng đều có thể hiểu được. Khi bắt đầu xây dựng công ty, bài toán tối ưu chi phí, tối đa lợi nhuận trở thành lẽ sinh tồn. Vì vậy, việc tự xây dựng quy trình và sản phẩm nhờ nguồn lực nội bộ công ty là một lựa chọn không chỉ đúng đắn, mà còn hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, theo bà Phương, chi phí chỉ là một phần. Đối với Cốc Cốc, việc "tự lực cánh sinh" còn mang ý nghĩa quan trọng hơn thế rất nhiều. "Mặc dù việc hợp tác để phát triển và mở rộng kinh doanh đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các start-up; tuy nhiên, giai đoạn "độc hành" ban đầu cũng là thiết yếu để mỗi start-up xây dựng năng lực, kinh nghiệm cũng như hồ sơ của mình, trước khi có thể tự tin bước vào bất cứ mối quan hệ hợp tác nào với tâm thế bình đẳng."
Năm 2017, con số người dùng Cốc Cốc cán mốc 22 triệu, đưa start-up này lên vị trí trình duyệt có nhiều người dùng thứ hai tại Việt Nam. Đó cũng là lúc Cốc Cốc đã có đủ sự tự tin để bắt đầu xúc tiến trao đổi hợp tác với Yandex, một trong những công ty Internet lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, việc bắt tay đồng hành là một hành trình đầy cam go thử thách, và một trong số đó là xây dựng được sự tin tưởng giữa đôi bên.
"Ban đầu, Yandex tỏ ra khá nghi ngờ về những số liệu kinh doanh và người dùng của Cốc Cốc, vì đây là những con số không dễ để đạt được đối với một start-up chỉ trong vòng mấy năm. Tuy nhiên sau khi hai bên thực hiện kí kết thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) xong, chúng tôi có thể chia sẻ các số liệu trong thời gian thực, thì phía đối tác đã thực sự bị thuyết phục bởi tính xác thực của những con số chúng tôi cung cấp. Họ cũng đặc biệt hài lòng với kết quả kinh doanh sau một thời gian hợp tác với Cốc Cốc." – bà Đào Thu Phương chia sẻ về những khó khăn trong quá trình "chinh phục" mối quan hệ hợp tác đầu tiên.
Chính vì thế, khi được hỏi điều gì là quan trọng nhất trong việc xây dựng một mối quan hệ hợp tác thành công, bà Phương trả lời ngay mà không cần đắn đo: "Đó là sự minh bạch." Trong thực tế, sự minh bạch đã luôn là một trong những giá trị cốt lõi đã làm nên văn hóa Cốc Cốc.
Một trong những điều khiến các start-up phải đau đầu nhiều nhất, đó là làm thế nào để lựa chọn một đối tác phù hợp với mục tiêu của mình. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, bà Đào Thu Phương khẳng định: "Bất kì mối quan hệ hợp tác nào cũng phải dựa trên thế mạnh của đôi bên và mang lại cho doanh nghiệp ba giá trị: tạo ra lợi ích cho khách hàng/ người dùng, hợp tác để phát triển và trao đổi – học hỏi lẫn nhau."
Định vị của Cốc Cốc là sản phẩm "của người Việt dành cho người Việt", với thế mạnh là những tính năng riêng biệt chỉ người Việt mới có. Vì vậy, bên cạnh những đối tác quốc tế lớn, Cốc Cốc cũng tập trung tìm kiếm mở rộng hợp tác với những đối tác trong nước có sản phẩm tốt và được người dùng tin tưởng. Cuối năm 2019 - đầu 2020, Cốc Cốc đã kết hợp cùng Vinaphone và Mobifone ra mắt gói Data xanh lá với ưu đãi dành riêng cho người dùng Cốc Cốc. Một trong những kế hoạch tiếp theo của Cốc Cốc là sử dụng thế mạnh về trình duyệt web và công nghệ trí tuệ nhân tạo để hợp tác với các bên cung cấp nội dung tiếng Việt và xây dựng tiện ích tìm kiếm bằng giọng nói (voice search) tiếng Việt, nhằm mang đến cho người dùng Việt sản phẩm ngày càng tốt và ưu việt hơn.
Chia sẻ về khó khăn trong quá trình tìm kiếm và lựa chọn đối tác đồng hành, bà Phương nói: "Đối tác nào, dự án nào cũng sẽ có những khó khăn riêng. Có dự án sẽ khó về mặt kĩ thuật, nhưng cũng sẽ có những dự án khó về mặt con người. Tuy nhiên, dù là làm gì, Cốc Cốc cũng đều có một tầm nhìn rất rõ ràng, dựa trên nghiên cứu khách hàng, nghiên cứu xu hướng tương lai và nghiên cứu các trường hợp điển hình trên thế giới, nên mọi khó khăn cũng đều nằm trong tính toán, và được coi là những bài học để công ty ngày càng phát triển hơn.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế