VKSND Cấp cao tại TP.HCM vừa kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án kinh doanh thương mại của TAND tỉnh Cà Mau, đề nghị TAND cùng cấp xử giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm và phúc thẩm, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra (CQĐT) giải quyết theo thẩm quyền. Kháng nghị cũng tạm đình chỉ việc thi hành bản án này cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Ba người có hành vi gian dối
Theo hồ sơ, Công ty Nam Thái do ông Nguyễn Việt Tân làm giám đốc và đại diện pháp luật nhưng thực chất ông Tân chỉ đứng tên danh nghĩa. Mọi hoạt động của công ty đều do ông Phạm Quốc Sử là chủ tịch HĐQT điều hành với sự tham gia tích cực của ông Nguyễn Việt Thương (anh ruột ông Tân), Lê Quốc Huy và một người khác.
Tháng 11-2012, ông Tân ký hợp đồng với DNTN do ông Cao Văn Út làm chủ cung cấp thức ăn nuôi cá cho Công ty Nam Thái. Phía ông Út đã cung cấp cho Công ty Nam Thái hơn 210.000 kg thức ăn, trị giá hơn 6 tỉ đồng. Đến tháng 8-2013, Công ty Nam Thái còn nợ ông Út hơn 4 tỉ đồng.
Theo kháng nghị, ba ông Sử, Thương và Huy thực hiện nhiều hành vi gian dối. Cụ thể, ba người thỏa thuận lập tài khoản chung, làm khống đơn xin nghỉ việc và phiếu chi của một người ở Công ty Nam Thái bằng cách ghi lùi ngày, hướng dẫn hai người khai báo gian dối về việc cung cấp cá phân... nhằm chiếm đoạt hơn 4 tỉ đồng của ông Út.
Từng khởi tố nhưng đình chỉ
Ban đầu, vào năm 2014, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau khởi tố vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tháng 2-2015, công an khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Huy về tội danh trên. Tháng 10-2015, VKSND tỉnh hủy bỏ quyết định khởi tố bị can, không phê chuẩn lệnh bắt tạm giam đối với ông Huy. Sau đó, cơ quan CSĐT công an tỉnh đình chỉ điều tra vụ án hình sự.
Từ đó ông Út khởi kiện ra tòa. Tháng 6-2018, TAND TP Cà Mau xử sơ thẩm lần một, tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Út, buộc Công ty Nam Thái phải trả ông Út hơn 6,3 tỉ đồng. Bốn tháng sau TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm.
Tháng 5-2019, TAND TP Cà Mau xử sơ thẩm lần hai đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu, buộc Công ty Nam Thái phải trả ông Út hơn 6,7 tỉ đồng. Ông Út kháng cáo. Xử phúc thẩm lần hai, TAND tỉnh giữ nguyên án sơ thẩm.
Kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng hành vi của ông Sử và những người liên quan có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, ông Sử còn có hành vi chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Tuy nhiên, Công an tỉnh Cà Mau chỉ khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Huy, bỏ lọt đối tượng chủ mưu là ông Sử và ông Thương.
Sau đó, VKSND tỉnh lại cho rằng không có cơ sở chứng minh ông Huy sau khi đã nhận tài sản dùng hành vi gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt hoặc dùng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp. Từ đó, VKS đã hủy bỏ quyết định khởi tố bị can, đồng thời công an đã đình chỉ điều tra vụ án hình sự là sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá chứng cứ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Cũng theo kháng nghị, tòa án hai cấp căn cứ vào kết quả điều tra hình sự nêu trên để giải quyết vụ tranh chấp, tuyên Công ty Nam Thái phải trả ông Út hơn 6,7 tỉ đồng là không xem xét, đánh giá toàn diện chứng cứ có trong hồ sơ, không phù hợp với những tình tiết khách quan.
Hậu quả là dẫn đến quyết định của bản án không thể thi hành án được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Từ đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị bản án như trên.
Nguyên đơn từng đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc Sau phiên xử sơ thẩm lần hai, nguyên đơn là ông Út có kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm hủy án, chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Cà Mau khởi tố điều tra các ông Sử, Thương, Huy và một số người khác về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, những người này phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền mà Công ty Nam Thái còn nợ ông. Sau khi tòa tỉnh xử phúc thẩm, ông Út tiếp tục có đơn đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét giám đốc thẩm, cho rằng vụ án có dấu hiệu hình sự nhưng tòa hai cấp giải quyết theo trình tự dân sự là không đúng bản chất. |