Các đại biểu sẽ chất vấn việc bảo đảm an toàn cho người dân trong bão lũ. Trong ảnh: vụ sạt lở vùi 5 căn nhà tại thôn Tân Hà, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vào giữa tháng 10 - Ảnh: T.B.D.
Phiên đầu tiên, các đại biểu sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Những buổi tiếp theo, Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng...
Sáng 10-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Một số đại biểu chia sẻ cùng Tuổi Trẻ vấn đề mà họ quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Hữu Quang (phó chủ tịch Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội):
Vay để chi thế nào hợp lý, tránh đổ vỡ
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua, Chính phủ và Quốc hội cũng đã có nhiều chính sách giãn, hoãn, miễn thuế cho doanh nghiệp, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương nhất từ đại dịch. Việc hỗ trợ với doanh nghiệp có nguyên tắc chung nhưng hỗ trợ thế nào tùy thuộc vào năng lực tài chính quốc gia, nên nếu hỗ trợ tiếp tục cần đánh giá khả năng tài chính.
Điều tôi băn khoăn là hụt thu so với dự toán trên 10%, nhưng nhiệm vụ chi vẫn phải đảm bảo cho chi thường xuyên, các nhiệm vụ cơ bản như chi an ninh quốc phòng, chi đầu tư. Thậm chí để kích cầu thì chi đầu tư phải tăng lên nữa, tức là bội chi sẽ tăng lên, cao hơn năm trước (trước đây là 3,9% và nay có thể tăng trên 5%).
Để đảm bảo cân đối ngân sách trong khi nguồn thu hạn chế thì ta phải vay để chi tiêu, là điều bắt buộc không chỉ ở Việt Nam mà còn các quốc gia khác. Vấn đề ở đây là việc sử dụng nguồn vay phải hiệu quả, đúng trọng tâm trọng điểm.
Phải đảm bảo nhiệm vụ chi trong khi nguồn thu không đảm bảo, vay thêm tăng bội chi. Do đó, Chính phủ phải có giải pháp để phần bội chi tăng thêm phải đảm bảo giới hạn an toàn, không để xảy ra đổ vỡ.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh):
Nhiều lời hứa cần phải thực hiện
Nhiệm kỳ vừa qua những vấn đề nóng mà cử tri quan tâm cũng đã nóng tại nghị trường Quốc hội, đã phần nào được xử lý và giải quyết. Cuối kỳ họp, cần tiếp tục rà soát việc trả lời, thực hiện lời hứa và thực thi thế nào của các bộ trưởng, trưởng ngành.
Nhiều việc đã đưa vào chương trình, kế hoạch và có chiến lược, nhưng tổ chức thực hiện, tư lệnh ngành đã làm được gì, địa phương đồng hành xử lý việc này ra sao, mục tiêu hướng tới cuối cùng là đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa bàn.
Tư lệnh ngành cũng phải quan tâm, không chỉ trả lời mà thực hiện thế nào là vấn đề đặt ra. Với sự quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ hành động, Chính phủ đã khắc phục các bất cập, tồn tại của kinh tế - xã hội, làm được nhiều việc.
Tuy nhiên, cần phải tiếp tục rà soát trong phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế vùng đã nêu ra nhưng đi vào cuộc sống chưa thì chưa hẳn, từ cơ sở hạ tầng dùng chung, nguồn nhân lực chất lượng cao... đến "tư lệnh" vùng đó thế nào?
Có những việc trong cuộc sống, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới mà đi qua 1-2 kỳ họp, người dân phải chịu đựng nhiều vấn đề vẫn còn vướng mắc. Ví dụ Hà Tĩnh chúng tôi có câu chuyện mỏ sắt Thạch Khê đã tổ chức thực hiện rồi, đã làm thử nhưng sau đó công nghệ và các yếu tố khác không làm được.
Bài học môi trường của Formosa đặt ra thì việc có nên làm tiếp mỏ sắt Thạch Khê hay không cũng cần nhiều suy nghĩ. Đây là vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu, Chính phủ, bộ ngành cũng có ý kiến nhưng vẫn chưa xử lý nên chúng tôi vẫn tiếp tục trao đổi để Chính phủ quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình):
Phải có giải pháp căn cơ về mưa lũ
Trong nhiệm kỳ vừa qua, vấn đề tôi theo đuổi là tin nhắn rác mà bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông quản lý, tôi đã chất vấn, bộ trưởng có lời hứa và quá trình thực hiện có kết quả tốt, ngăn chặn nhiều đối tượng lợi dụng mạng, tin nhắn rác, trục lợi, tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước.
Tuy vậy, có nhiều tin nhắn rác vẫn tiếp tục, thậm chí có tin nhắn rác trục lợi, lừa đảo với nhiều nạn nhân, tình hình tiếp tục diễn ra phức tạp.
Tôi cũng quan tâm đến việc thực hiện nghị định 67 về hỗ trợ vay vốn cho ngư dân đánh cá ngoài biển khơi, người dân không có kỹ năng đánh bắt nên nguy cơ tất cả các ngân hàng cho vay vốn bị nợ xấu. Do đó, Bộ NN&PTNT cần có giải pháp giúp ngư dân đánh cá khắc phục khó khăn.
Vấn đề như nguy cơ sạt lở công trình thủy điện, thủy lợi, sạt lở núi và bờ sông bờ biển, chúng tôi đã chất vấn bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Bộ trưởng cũng đã nắm, đưa ra cảnh báo nhưng vẫn có những tai họa bất ngờ như đợt mưa lũ ở miền Trung vừa qua cần phải có giải pháp căn cơ hơn.
TTO - Thừa nhận tác động của thủy điện tới đất rừng, nước, dòng chảy là có, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ siết chặt việc phát triển thủy điện để giảm thiểu tác động môi trường trong thời gian tới.
Xem thêm: mth.38772857060110202-nav-tahc-neihp-gnort-ig-mat-nauq-ioh-couq-ueib-iad-cac/nv.ertiout