Chính phủ cần đánh giá lại có nên cho làm thủy điện nhỏ hay không
S. Nghi
(TBKTSG Online) - Thủy điện vừa và nhỏ cùng những “góc khuất” về môi trường là một trong những câu chuyện “nóng” được nhiều đại biểu quan tâm chia sẻ, đề xuất giải pháp trong ngày họp 5-11 của Quốc hội.
Về vấn đề xây dựng các dự án thủy điện trong tương lai, các chuyên gia cho rằng phải lập thẩm định và phê duyệt một cách nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường, có kế hoạch giảm thiểu mọi nguy cơ tác động môi trường mà thủy điện đem lại. Trong ảnh là công trình thủy điện Rào Trăng 4. Ảnh: TTXVN |
Mỗi đại biểu Quốc hội đã đưa ra góc nhìn và cách phân tích khác nhau về vấn đề đầu tư và phát triển thủy điện. Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, cho rằng bản thân thủy điện không có lỗi nếu được xây dựng đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và thực hiện đúng các nguyên tắc về an toàn.
Ông đặt vấn đề tại sao thủy điện nhỏ lại hay gây ra hệ lụy? Bởi chủ đầu tư các nhà máy thủy điện nhỏ thường không đủ năng lực tài chính nên có thể cắt bớt quy trình trong quá trình đầu tư xây dựng, không kể một số trường hợp chủ đầu tư lợi dụng danh nghĩa xây dựng thủy điện để mở đường vào phá rừng, thực hiện các công việc khác
Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng, chính quyền địa phương phải kiểm soát thật tốt công tác đầu từ xây dựng. Phải hoàn toàn kiểm soát quá trình từ khâu chuẩn bị dự án cho đến triển khai tổ chức thực hiện, đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng.
Trong đó, phải quan tâm đến tính tuân thủ về các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn công trình cũng như giải quyết tốt vấn đề tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân ở khu vực xây dựng các công trình thủy điện.
Trong khi đó, Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hộ, đoàn Quốc hội Quảng Trị, nhận định chúng ta làm rất nhiều thủy điện nhưng tại sao vấn đề lại xảy ra ở những thủy điện nhỏ? Theo ông, ở các công trình thủy điện nhỏ lẻ, nếu nói buông lỏng thì hơi quá, nhưng có thể chưa kiểm soát chặt.
Chính phủ nên đánh giá tổng kết lại vấn đề này để có quyết định nên cho làm thủy điện nhỏ hay không? Bởi làm một thủy điện nhỏ ở vùng sâu vùng xa, ngoài tiền của chủ đầu tư thì toàn bộ hệ thống đường dây vào trạm là do doanh nghiệp và nhà nước đầu tư. Vậy thì hiệu quả ở đâu? Chúng ta phải tính một bài toán tổng thể về kinh tế, đặc biệt là về môi trường.
Còn đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn Quốc hội thành phố Hà Nội dẫn câu chuyện những năm trước đây Quốc hội đã giám sát về vấn đề tác hại của thủy điện đối với cuộc sống người dân. Thủy điện nhỏ gây thu hẹp diện tích rừng và ảnh hưởng nhất định tới môi trường. Vì thế Quốc hội đã không khuyến khích và đưa vào quy định là hạn chế và tiến tới không cho phép làm thủy điện nhỏ và vừa.
Theo bà Khánh, qua thực tế “lũ chồng lũ” thời gian vừa qua ở miền Trung, sự cố ở thủy điện Rào Trăng 3, phải chăng bây giờ là thời điểm các thủy điện phát huy tác hại? Đây chính là sự cảnh báo, nếu chúng ta tiếp tục làm thủy điện nhỏ ở các địa phương vì lợi ích kinh tế mà không tính đến phát triển môi trường bền vững thì sẽ tiếp tục tự mình gây ra khó khăn.
Tổng hợp từ TTXVN
Xem thêm: lmth.gnohk-yah-ohn-neid-yuht-mal-ohc-nen-oc-ial-aig-hnad-nac-uhp-hnihc/053013/nv.semitnogiaseht.www