Theo dữ liệu chính thức được công bố ngày 5/11, GDP quý 3 của Indonesia giảm 3,49% so với cùng kỳ năm trước, tiếp nối mức giảm 5,32% trong quý trước do ảnh huởng của đại dịch Covid-19, Nikkei Asia đưa tin.
Đây là lần đầu tiên nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á rơi vào suy thoái kể từ khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990 - thời điểm Indonesia ghi nhận 5 quý tăng trưởng âm liên tiếp, theo dữ liệu Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
GDP quý 3 của Indonesia giảm sâu hơn so với dự báo -3% của nhóm 23 nhà kinh tế trong khảo sát của Reuters. Tiêu dùng hộ gia đình - chiếm hơn một nửa GDP của nước này - sụt giảm 4,04% trong quý 3, sau khi giảm tới 5,52% vào quý trước.
So với quý trước, GDP của Indonesia tăng 5,05% khi các hoạt động kinh tế dần sôi động trở lại. Các nhà kinh tế ban đầu dự báo kinh tế nước này sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn nhưng sau đó phải hạ dự báo khi chính phủ buộc phải siết chặt biện pháp hạn chế do số ca nhiễm Covid-19 tăng cao.
Tuy vậy, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết dữ liệu cho thấy "thời điểm tồi tệ nhất đã qua".
"Chúng ta đã vượt qua những tác động tồi tệ nhất của dịch Covid-19 gây ra vào quý 2 và giờ đang trong quá trình phục hồi", bà Sri Mulyani Indrawati phát biểu tại họp báo ngày 5/11.
Indonesia là ổ dịch Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á với hơn 421.000 ca nhiễm và 14.259 ca tử vong tính tới ngày 4/11. Trong đó, thủ đô Jakarta chiếm khoảng 25% số ca nhiễm.
"Vấn đề là Indonesia vẫn chưa kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong nước", Joseph Incalcaterra, nhà kinh tế trưởng khu vực ASEAN của HSBC, nhận xét. "Quá trình phục hồi của nước này có thể bị ảnh hưởng bởi những bất ổn của dịch Covid-19 và thực tế là hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh. Dịch bệnh tiếp tục lây lan có thể sẽ cản trở sự phục hồi trong tiêu dùng tư nhân và đầu tư cố định của năm tới".
Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang hứng chịu làn sóng biểu tình phản đối Đạo luật tạo việc làm (Omnibus), được Quốc hội nước này thông qua hồi đầu tháng 10 và được Tổng thống ký hiệu lực ngày 2/11. Đạo luật này được đưa ra nhằm giảm tham nhũng để thu hút đầu tư, đồng thời kích thích tăng trưởng, tạo việc làm. Tuy nhiên, các công đoàn lao động, sinh viên và tổ chức Hồi giáo quan ngại rằng luật này làm giảm quyền của người lao động.
Vấn đề việc làm đang nhận được sự quan tâm lớn tại Indonesia khi hàng triệu người thất nghiệp vì dịch bệnh. Theo cơ quan thống kê Indonesia, hơn 2 triệu người dân nước này mất việc do ảnh huởng của dịch Covid-19 tính tới tháng 8.
Tuần trước, ngân hàng trung ương Indonesia cho biết sẽ cân nhắc tiếp tục giảm lãi suất. Từ đầu năm, ngân hàng này đã giảm 100 điểm lãi suất cơ bản.
Xem thêm: mth.72300909060110202-yk-paht-2-gnort-iaoht-yus-oav-ior-uad-nal-aisenodni/nv.ymonocenv