Người dân đến làm thủ tục hành chánh tại UBND quận 10, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ trong dịp Quốc hội thảo luận dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, bà Phạm Phương Thảo nói thấy xúc động, vui mừng bởi cuối cùng TP.HCM đã sắp thực hiện được mong muốn ấp ủ trong nhiều năm.
“Điều khiến tôi vui nhất là Quốc hội lần này đang xem xét việc không thí điểm mà cho phép TP.HCM thực hiện luôn đề án chính quyền đô thị. Điều này là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ Hiến pháp, nghị quyết của Ðảng và quy định trong Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã khẳng định rõ cơ sở pháp lý của đề án. Đến thời điểm này, đó đã là một thành công.
Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO
Chính quyền ở nông thôn và thành thị không giống nhau
* Thưa bà, bà có còn nhớ cảm giác của mình trong những lần đề án chính quyền đô thị được trình ra trung ương mà chưa được thông qua trong quá khứ?
- Chính quyền đô thị là vấn đề mà TP.HCM đã chủ động chuẩn bị, ấp ủ nhiều năm với nhiều tâm huyết. Tôi còn nhớ TP đã lập ra hẳn một bộ phận để nghiên cứu xây dựng đề án, đã từng cử cán bộ đi một số nước trên thế giới, cả châu Âu, châu Á để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Đã có tổ chức những hội nghị lấy ý kiến đóng góp, phản biện đề án này.
Sau đó, đề án đã được đem ra báo cáo Bộ Chính trị vào năm 2007 và năm 2013 với rất nhiều hi vọng. Trung ương đều cho biết tinh thần là ủng hộ TP.HCM, tuy nhiên có lẽ thời điểm đó còn một số lý do khách quan khiến chưa thể thông qua được.
Khi biết kết quả như vậy, tôi đã rất buồn, bởi chúng ta đã đặt quá nhiều hi vọng và bởi khi đề án chậm được thông qua cũng ảnh hưởng nhất định đến tốc độ phát triển của TP.
Nhưng cũng như nhiều cán bộ tâm huyết với TP này, tôi vẫn tin là có một ngày ước mơ phải thành hiện thực, cái gì tới rồi sẽ phải tới. Bởi đề án không phải là mong muốn duy ý chí, không phải là sự áp đặt chủ quan của một cá nhân hay quyền lực nào.
Đó xuất phát từ thực tế đòi hỏi của cuộc sống. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều thế hệ cán bộ, lãnh đạo của TP lại kiên trì đeo bám mô hình này trong suốt 13 năm, đến tận bây giờ.
* Điểm nào trong đề án trình Quốc hội lần này của TP.HCM làm bà quan tâm nhất?
- Có một điều thú vị là không lâu sau khi chính quyền non trẻ mới vừa thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký hai sắc lệnh quan trọng: sắc lệnh số 63, ký ngày 22-11-1945 về tổ chức chính quyền nhân dân ở các địa phương; và sắc lệnh số 77, ký ngày 21-12-1945 về tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã và thành phố.
Điều này chứng minh rằng ngay từ năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân biệt rất rõ việc tổ chức chính quyền ở nông thôn và thành thị là không giống nhau. TP.HCM là một đô thị, thậm chí là một siêu đô thị, có đặc điểm và tính chất khác với nông thôn. Nếu quản lý chung một kiểu thì chắc chắn dần dà sẽ lộ ra cái không phù hợp. Đối tượng quản lý sẽ quyết định chủ thể quản lý.
Một nội dung quan trọng trong đề án trình lần này là bỏ HĐND cấp quận, phường, TP đã thí điểm nhiều năm và đạt kết quả tốt. Còn nhớ lúc thí điểm, tôi làm đại biểu Quốc hội, vừa là đại biểu HĐND TP phụ trách địa bàn quận 4.
Khi đó, các đại biểu dân cử chúng tôi lập điểm tiếp dân định kỳ hằng tuần tại cơ quan MTTQ quận. Hằng tuần, đại biểu luân phiên gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri. Việc nào thuộc thẩm quyền thì thụ lý, việc nào không thuộc thẩm quyền thì tìm cách tác động giải quyết.
Thực tế cho thấy khi bỏ HĐND quận, phường, hoạt động giám sát không bị gián đoạn mà còn tăng khi phát huy tốt vai trò của đại biểu Quốc hội, HĐND TP và MTTQ các cấp.
Về mặt chủ quan, khi đó đại biểu dân cử càng phải tăng cường tương tác với người dân. Đáng tiếc là thí điểm xong thì lại thôi không làm tiếp. Lần này, nội dung này được đưa vào đề án, hi vọng sẽ sớm thực hiện trở lại.
Bà Phạm Phương Thảo
Tăng quyền, tăng trách nhiệm cho giám đốc sở
* Rất nhiều ưu điểm của mô hình chính quyền đô thị đã được đề cập. Theo bà, cái "được" lớn nhất khi đề án này vận hành và đi vào thực tiễn là gì?
- Tôi quan tâm nhiều đến việc minh định trách nhiệm trong từng việc, từng khâu. Hiện nay có rất nhiều đầu việc các cấp cùng tham gia và cùng chịu trách nhiệm. Khi có chuyện xảy ra thì trách nhiệm là của tập thể, không phải cá nhân, không biết là tại ai.
Nhưng thực tế cũng có trường hợp trong một chuỗi công việc, có những người, những khâu làm rất tốt, nhưng vì một sự cố nào đó mà tổng thể thất bại thì họ cũng phải chịu chung trách nhiệm, nỗ lực của họ không được ai ghi nhận. Đánh giá như vậy là không khách quan, không chính xác.
Tôi muốn nhấn mạnh là khi đề án được thông qua rồi thì còn nhiều việc phải làm, trong đó có chuyện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Cụ thể là cần tăng quyền, tăng trách nhiệm của các giám đốc sở. Bây giờ, có cảm giác các sở đang làm công tác tham mưu là chính.
Nhiều việc đẩy lên cho UBND TP quyết, gây quá tải cho UBND TP. Thực tiễn đòi hỏi sở ngành là cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực. Gần đây, UBND TP đã ủy quyền 83 đầu việc cho sở ngành, quận huyện - đó là khởi đầu tốt nhưng chưa đủ. UBND TP không thể mãi giải quyết các chuyện sự vụ - đó phải là nơi hoạch định, chỉ đạo, điều hành những việc lớn hơn cho sự phát triển của TP.
Đặc biệt, cần khuyến khích, tiến tới áp dụng chế độ thủ trưởng trong hệ thống công quyền. Khi đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có toàn quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của mình.
Siêu đô thị
không thể quản lý kiểu "cắt khúc"Theo bà Phạm Phương Thảo, một đô thị đông dân như TP.HCM mà quản lý theo kiểu nhiều tầng nấc, có tính chất "cắt khúc" thì khi có sự vụ xảy ra không thể phản ứng nhanh được.
"Thật ra, trong hệ thống của chúng ta đang áp dụng có những khâu đang trùng lắp chức năng, nhiệm vụ. Những chuyện mà HĐND cấp quận, phường quyết thật ra phần lớn đã được cấp trên quyết rồi. Chức năng nhiệm vụ quy định vậy thì họ vẫn phải làm những việc trùng lắp" - bà Thảo nhấn mạnh.
ĐBQH Phan Thị Bình Thuận (phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM):
Cần thể chế hóa mô hình chính quyền đô thị
ĐBQH Phan Thị Bình Thuận
Mô hình chính quyền đô thị có ưu điểm rất lớn trong việc giảm tầng nấc trung gian, tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đã được chứng minh trong thực tiễn - khi TP.HCM nằm trong 10 tỉnh thành đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở quận huyện và phường từ năm 2009 đến 2016 theo nghị quyết trung ương 5 (khóa X) và nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội. Qua thời gian thí điểm đã cho kết quả tích cực, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Bên cạnh đó, hiện nay TP.HCM đang triển khai thực hiện nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Hiện nay, tờ trình và dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM đã được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14. Đến thời điểm này, các cơ quan liên quan đều đồng ý, thống nhất chủ trương về việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM với đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn.
Quan trọng hơn, để mô hình này được tổ chức, triển khai thống nhất, thông suốt, làm cơ sở cho việc thực hiện ổn định, lâu dài trong thời gian tới, Quốc hội cũng như các cơ quan liên quan cần nghiên cứu quy định mô hình này vào Luật tổ chức chính quyền địa phương, đồng thời xây dựng, sửa đổi, bổ sung đồng bộ các quy định pháp luật liên quan cho mô hình. (THÁI AN ghi)
TTO - Quốc hội đã thảo luận tờ trình của Chính phủ trình về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM hôm qua (26-10).
Xem thêm: mth.8253538060110202-neyuq-nahp-pac-nahp-hnam-yad-iht-od-neyuq-hnihc/nv.ertiout