Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã rà soát và kiểm điểm chung về công tác ĐTXD của EVNNPC trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó có dự án Trạm biến áp 110 kV Sông Công 2 và nhánh rẽ do EVNNPC đầu tư xây dựng, Ban Quản lý dự án lưới điện (BA1) quản lý A và Công ty Điện lực Thái Nguyên sẽ trực tiếp quản lý vận hành khi công trình đóng điện.
Theo ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên), năm 2020 công suất điện của toàn tỉnh Thái Nguyên đạt khoảng 859 MW, sản lượng thương phẩm ước đạt hơn 4,8 tỉ kWh. Theo dự kiến, giai đoạn từ năm 2021-2025, mức tăng trưởng phụ tải của tỉnh đạt khoảng 8%, dự kiến đến năm 2025 công suất tiêu thụ lớn nhất ước đạt 1.276 kW nên ngành điện lực Thái Nguyên hoàn toàn đáp ứng khả năng cung cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2020 và giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, EVNNPC sẽ đầu tư khoảng 8 dự án lưới điện 110kV với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỉ đồng và các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo lưới điện trung hạ áp nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý vận hành cũng như thực hiện các dự án ĐTXD trên địa bàn cũng còn những khó khăn. Đó là, trong quản lý vận hành, khả năng dự phòng của một số công trình đường dây và trạm 110 kV còn hạn chế, tài sản lưới điện hạ áp nông thôn được tiếp nhận từ các hợp tác xã bàn giao cho ngành điện những năm 2009 nên có nhiều hư hỏng, xuống cấp, cần kinh phí để tiếp tục đầu tư, sửa chữa. Hiện nay đang tồn tại nhiều trường hợp hệ thống dây dẫn, hòm công tơ phát triển qua nhiều giai đoạn, nhiều chủng loại, hệ thống viễn thông chồng chéo đan xen cột điện hạ thế gây khó khăn trong việc thực hiện thao tác xử lý trên lưới điện.
Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng đến quá trình quản lý vận hành lưới điện trên địa bàn là ý thức người dân còn kém trong việc đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp (hiện tượng thả diều, câu cá, xe cẩu, công trình xây dựng tồn tại bất hợp pháp,… còn chưa được chính quyền, nhân dân xử lý triệt để). Ngoài những tồn tại trong quản lý vận hành, trong công tác ĐTXD hạ tầng lưới điện có khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình điện, nguồn vốn phân bổ cho công tác đầu tư còn hạn chế.
Về dự án trạm biến áp 110kV Sông Công 2 và nhánh rẽ do EVNNPC đầu tư xây dựng, ông Vũ Anh Tài, Giám đốc BA1 cho biết, hiện nay, công trình đầu tư trạm biến áp 110kV Sông Công 2 đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng công trình. Gói thầu mua sắm máy biến áp cũng đã thực hiện xong, ngày 7-11 sẽ chở MBA 110kV lên đến bệ máy của trạm Sông Công 2. Về gói thầu cung cấp thiết bị điện, BA1 đảm bảo tập kết đủ vật tư vào giữa tháng 11-2020.
Ban Quản lý dự kiến việc lắp đặt MBA sẽ thực hiện xong trong tháng 11-2020. Các công việc như thí nghiệm hiệu chỉnh cũng phấn đấu sẽ hoàn thành vào cuối tháng hoặc nếu tình hình thời tiết xấu có thể đẩy sang đầu tháng 12-2020. Như vậy, theo dự kiến, ngày 15-12, công trình TBA 110 kV Sông Công 2 có thể đi vào vận hành.
Phó Tổng Giám đốc EVNNPC Lê Minh Tuấn chủ trì cuộc họp với PC Thái Nguyên.
Tại cuộc họp, ông Lê Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc EVNNPC yêu cầu BA1 phải đảm bảo đúng thời gian tiến độ lắp đặt. Theo đó, từ ngày 10 đến 14-11, toàn bộ thiết bị sẽ tập kết trong trạm 110 kV Sông Công 2 để lắp đặt và sau đó sẽ tiến hành thí nghiệm, hiệu chỉnh. Trong tháng 11 sẽ thi công xong TBA và đóng điện một phần.
Ngoài ra, Phó Tổng Giám đốc Lê Minh Tuấn nhấn mạnh, mặc dù dịch bệnh và thiên tai không ngừng ảnh hưởng xấu đến hoạt động và công việc của các đơn vị trong EVNNPC, tuy nhiên các ban quản lý dự án, các công ty điện lực, nhà thầu đều hết sức nỗ lực khắc phục khó khăn.
Đặc biệt là từ nay đến hết năm, các đơn vị thuộc EVNNPC phải tập trung để hoàn thành dự án TBA 110 kV Sông Công 2, dự án đường dây xuất tuyến 110 kV từ TBA 220 kV Lưu Xá – TBA 110 kV Gang thép; các dự án khác như công trình Đường dây và TBA 110 kV Đa Phúc, Gia Sàng…