Các chuyên gia nông nghiệp phủ nhận thông tin nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chứng minh bằng con số hàng đạt yêu cầu xuất khẩu.
"Lạm dụng" hóa chất bảo vệ thực vật - chuyện đã cũ
Để chứng minh điều này, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) dẫn chứng: Số liệu công bố năm 2018 của FAO đối với 160 quốc gia có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thì Maldives là quốc gia sử dụng thuốc BVTV nhiều nhất, lượng thuốc sử dụng trên đơn vị diện tích canh tác trung bình là 52,6kg/ha;
Trung Quốc đứng thứ 10 với 13,1kg/ha; Nhật Bản đứng thứ 15 với 11,8kg/ha; Malaysia đứng thứ 23 với 8,1kg/ha, trong khi đó Việt Nam, Thái Lan đứng thứ 80 với lượng sử dụng trung bình là 1,7kg/ha.
Như vậy, so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì Việt Nam là một nước nông nghiệp sử dụng thuốc BVTV ít hơn rất nhiều so với các nước khác.
Nông dân được tập huấn và giám sát thường xuyên
Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung tỏ ra khá gay gắt: "Với trình độ canh tác và nhận thức của người dân và DN hiện nay, không thể nào nói một cách tùy tiện rằng người dân có xu hướng sử dụng thuốc BVTV một cách vô tội vạ, tràn lan được, vì nó liên quan trực tiếp đến chi phí sản xuất. Nhiều năm nay hệ thống BVTV của Việt Nam, đặc biệt là Cục BVTV đã chỉ đạo các địa phương hàng năm đều mở các lớp tập huấn liên quan đến việc sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả" .
Cục trưởng Hoàng Trung khẳng định, mỗi năm trung bình có ít nhất vài chục nghìn nông dân được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn sử dụng thuốc BVTV.
"Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tập huấn cho người dân nên không thể nói người dân không biết cách sử dụng mà thực tế người dân sử dụng một cách rất thành thục.
Cùng với đó, chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp khi đưa thuốc về trên địa bàn bất cứ một tỉnh nào thì phải phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở địa phương tổ chức tập huấn và hướng dẫn người dân sử dụng" - ông Hoàng Trung thông tin.
Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục BVTV thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV hàng năm trên các sản phẩm chủ lực, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa.
Từ năm 2017 đến nay đã thực hiện 9 chương trình giám sát dư lượng đối với các sản phẩm chủ lực bao gồm thanh long, xoài, vải, gạo, hồ tiêu, rau, trái cây tươi, chè, càphê...
Ngoài ra còn thực hiện chương trình giám sát phát hiện sự kiện biến đổi gen (GMO). Tổng số mẫu đã lấy là xấp xỉ 3.000 mẫu và chỉ phát hiện xấp xỉ 60 mẫu có mức dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép.
Bộ NNPTNT đã chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp khắc phục đối với các cơ sở sản xuất, địa phương có mẫu vượt mức dư lượng cho phép.
Như vậy có thể thấy, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về thuốc BVTV đã được thực hiện hiệu quả, đóng góp đáng kể vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong thời gian qua.
"Chúng ta xuất khẩu bất kỳ sản phẩm trồng trọt nào thì đều phải đáp ứng đầy đủ hai rào cản cơ bản là kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm - đó là dư lượng thuốc BVTV. Thực tế, tiêu chuẩn của các nước như: EU, Mỹ, Nhật Bản rất cao và gắt gao. Chúng ta phải có cách thức hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV một cách bài bản thì các sản phẩm mới đáp ứng và xuất khẩu đi được. Đó là số liệu minh chứng rất rõ" – Cục trưởng Hoàng Trung khẳng định.
Việc sử dụng thuốc của người dân đang có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng có nhiều nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học thay cho thuốc BVTV hóa học, tuân thủ đúng thời gian cách ly và kỹ thuật sử dụng thuốc. Thậm chí, có những địa phương người nông dân rất ít sử dụng thuốc BVTV hóa học mà sử dụng chủ yếu các biện pháp sinh học, vật lý như bao trái, bẫy pheromone, bẫy bả, bẫy dính…
(Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung)