Theo Bộ GTVT, trong những năm vừa qua, hệ thống quốc lộ cũng đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Nhiều tuyến đường mới, đường cao tốc được đưa vào khai thác sử dụng. Bên cạnh đó, bảo trì được tăng cường, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) từ 5 - 7% năm. Tuy nhiên, TNGT còn xảy ra trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt trên tuyến QL1A và các tuyến quốc lộ trọng điểm.
"Trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông, các điểm giao cắt giữa hệ thống đường quốc lộ với hệ thống đường địa phương hầu hết là giao cắt đồng mức, tầm nhìn hạn chế; phương tiện tham gia giao thông về đêm tăng cao. Một số tuyến đường có dải phân cách giữa nhưng không được đầu tư thiết bị chống chói, đinh phản quang và hệ thống điện chiếu sáng; các tuyến đường miền núi qua những đoạn đèo dốc tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ TNGT; hệ thống thiết bị ATGT, báo hiệu đường bộ còn thiếu, mức độ an toàn chưa đáp ứng yêu cầu giao thông...", Bộ GTVT cho biết.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông trên tuyến QL1A và các tuyến quốc lộ trọng điểm, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý trên 500 nút giao, các điểm giao cắt đồng mức, gần 70 cầu vượt nhẹ tại các điểm bức xúc với tổng kinh phí gần 1.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó tăng cường công trình ATGT vào ban đêm lắp đặt tấm chống chói, lắp đinh phản quang tim đường, lắp đặt điện chiếu sáng với tổng kinh phí gần 600 tỷ đồng.
Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo tăng cường ATGT tại các đoạn đèo dốc như lắp đặt tường phòng hộ, bố trí đường cứu nạn, hốc cứu nạn, bổ sung hệ thống báo hiệu, cảnh báo, xử lý cải thiện tầm nhìn với tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng. Mở rộng mặt cầu, mặt đường các vị trí bị thắt hẹp với tổng kinh phí hơn 5.600 tỷ đồng", Bộ GTVT cho biết.
Bên cạnh đó, giao các đơn vị thuộc Bộ GTVT, các nhà đầu tư BOT nghiên cứu đề xuất danh mục công trình và nguồn vốn đầu tư công trung hạn hoặc nguồn vốn BOT điều chỉnh vào dự án BOT để đầu tư các hạng mục mở rộng đường, các cầu lớn bị thắt hẹp với kinh phí ước tính hơn 5.600 tỷ đồng.
Để cải thiện cơ bản an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trên QL1A và các tuyến quốc lộ trọng điểm, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ giai đoạn 2021-2025 tăng thêm 10%/năm so với năm 2020 cho công tác bảo trì đường bộ. Bên cạnh đó, bố trí vốn đầu tư công trung hạn đầu tư xây dựng cơ bản các tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, đường hẹp, đường chưa vào cấp, chưa đạt tiêu chuẩn thiết kế, các cầu thắt hẹp.