Doanh nghiệp FDI khó thắng DN Việt
Trong Hội nghị bàn tròn “Kinh tế số, chuyển đổi số tại Việt Nam và Hiệp định EVFTA” vừa diễn ra ngày 5/11, chủ tịch FPT - Trương Gia Bình nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số, cho rằng đây là vấn đề sống còn và quyết định tới sự thịnh vượng của đất nước.
Ông cho biết Việt Nam đang trở điểm sáng mới về kỹ thuật số, với tỷ lệ dân số trẻ, 70% người dân dành 3 tiếng mỗi ngày trên internet và lực lượng lao động trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) dồi dào.
Đồng thời, trong bối cảnh các doanh nghiệp FDI đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, chủ tịch FPT nhận định: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào nước ta sẽ khó cạnh tranh được với doanh nghiệp Việt, khi các doanh nghiệp Việt đã lớn. Họ gặp phải vấn đề văn hóa, ngôn ngữ, giá cả, thực tiễn kinh doanh,... Trong khi chúng ta đã sống bao nhiêu năm với môi trường kinh doanh của mình”.
Lấy ví dụ từ chính FPT, ông cho biết hiện Tập đoàn đang thắng một số thầu lớn ở nước ngoài, quy mô hàng trăm triệu USD. Doanh nghiệp Việt hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với những công ty danh tiếng trên thế giới.
Chủ tịch FPT phát biểu tại Hội nghị "Kinh tế số, chuyển đổi số tại Việt Nam và Hiệp định EVFTA”.
Tuy nhiên: “Nhiều doanh nghiệp buồn cười lắm, đầu tư mua nhà, mua xe thì nhiệt tình nhưng mua giải pháp CNTT, giá không đáng bao nhiêu, rẻ chỉ bằng 1/10 nước ngoài nhưng cũng phải suy nghĩ. Covid khó khăn lại càng suy nghĩ”, ông Bình bày tỏ.
Vị chủ tịch khuyên các doanh nghiệp Việt phải hành động nhanh, thay đổi nhanh bởi thời kỳ “cá lớn ăn cá bé” không còn, thay vào đó là “cá nhanh ăn cá chậm”. Ngoài ra, rất cần các doanh nghiệp lớn tiên phong, đi đầu trong chuyển đối số để nhóm vừa và nhỏ học tập.
Sau giấc mơ phần mềm là giấc mơ AI
“20 năm trước tôi có ước mơ làm phần mềm cho thế giới nhưng không ai tin. Thế rồi cứ cần cù, làm dần dần, Việt Nam giờ đã thành điểm sáng về CNTT của thế giới.
Tôi tưởng thế là xong, mình hết ước mơ. Nhưng rồi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ập đến, tôi lại ước mơ, lần này là về trí tuệ nhân tạo”, Chủ tịch FPT chia sẻ.
Ông cho biết thực tế, những tiến sĩ, giáo sư toán tài giỏi gần đây đều đã chuyển sang nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI). Bởi thực chất, AI xuất phát từ toán học, đại số và xác suất thống kê.
Do đó, không chỉ đưa nhân sự đi học hỏi, nghiên cứu tại các trung tâm AI lớn của thế giới, Chủ tịch FPT cho rằng phải xây dựng được một nghiên cứu riêng. Ông tiết lộ FPT có kế hoạch xây dựng một tháp trí tuệ nhân tạo tại Quy Nhơn và mở trường đại học về AI tại Quy Nhơn vào năm sau.
"Những vấn đề của cuộc cách mạng 4.0 thì không thể giải quyết bằng các giải pháp 3.0 hay 2.0. Trong đó, cấu thành quan trọng nhất chính là con người. Việc cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI trong ngành, thực chất không phải cạnh tranh về thị trường mà cũng là cạnh tranh về con người.”
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng mở phòng thí nghiệm R&D tại Việt Nam để tạo ra những sản phẩm số và sử dụng nguồn nhân lực của Việt Nam. Điều này giúp các kỹ sư Việt được trả giá cao, thu hút nhiều người theo học CNTT hơn.
"Chợ càng đông càng vui", ông Bình nhận định.
Trên thực tế, Việt Nam có lượng kỹ sư CNTT vượt trội so với nhu cầu trong nước, phần lớn nhân lực (kể cả tại FPT) cũng đang phục vụ cho thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, nhu cầu của ngành này sẽ không bao giờ là đủ, bởi mọi ngành nghề, ít hay nhiều đều đã và sẽ liên quan đến CNTT, trí tuệ nhân tạo.
Thậm chí, ông cho biết ngay cả Boeing cũng bị Facebook hay Google cướp mất lực lượng kỹ sư AI.
“Nếu nói AI, Việt Nam với truyền thống yêu toán, chúng ta có lợi thế rất lớn. Tuy nhiên, biết khai thác hay không thì đó là trách nhiệm của những nhà giáo dục, của chúng ta”.
PV
Theo Trí Thức Trẻ