vĐồng tin tức tài chính 365

Đông Nam Á thiệt hại hàng tỉ đô la mỗi năm vì cướp biển

2020-11-07 10:41

Đông Nam Á thiệt hại hàng tỉ đô la mỗi năm vì cướp biển

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Đông Nam Á trở thành điểm nóng của thế giới về nạn cướp biển và cướp có trang bị vũ khí. Giai đoạn 1995-2013, khu vực này chiến tổng cộng 41% tổng số vụ cướp biển trên toàn cầu. Ngân hàng Thế giới đánh giá cướp biển gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu mỗi năm khoảng 18 tỉ đô la, riêng khu vực Đông Nam Á thiệt hại lên đến 8,4 tỉ đô la mỗi năm.

Cướp biển ở Đông Nam Á gia tăng vì dịch?

Eo biển Singapore Strait có chiều dài 105 cây số là tuyến đường biển quan trọng để tàu bè ra vào cảng Singapore. Mặc dù có tên Singapore Strait, eo biển này chạy dài qua các vùng lãnh hải thuộc quyền tài phán của Malaysia và Indonesia.

Tàu hàng trên eo biển Singapore Strait. Đến tuần này, số vụ cướp biển được báo cáo và ghi nhận của IMB là 152 vụ. Ảnh: The Straits Times

Hồi tháng 7 năm nay, Trung tâm chia sẻ thông tin ReCAAP (Thỏa thuận hợp tác khu vực nhằm chống cướp biển và cướp có vũ khí với tàu bè ở châu Á) cho biết các vụ cướp ở eo biển Malacca và Singapore Strait đạt kỷ lục trong năm năm qua. Trong sáu tháng đầu năm 2016, chỉ có 1 vụ. Cùng kỳ năm 2017 là 2, năm 2018 là 5, năm 2019 là 8 và nửa đầu năm nay là 13.

Mở rộng trên các vùng lãnh hải châu Á, ReCAAP nói trong sáu tháng đầu năm có 51 vụ, tăng gần gấp đôi so với con số 28 vụ được báo cáo cùng kỳ năm 2019.

Giám đốc ReCAAP Masafumi Kuroki nói các vụ tấn công thường nhằm vào các tàu chở hàng rời và thường vào buổi tối, một số tàu dầu và xà lan tự hành cũng bị để ý. Bọn cướp lấy đi phụ tùng máy tàu, kim loại và sắt xây dựng trên xà lan.

Nhưng các vụ tấn công đã gia tăng trong bốn tháng qua. Chỉ riêng tháng 10 có 6 vụ, nâng tổng số vụ cướp trên vùng biển Đông Nam Á lên 28 vụ được báo cáo từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, chỉ có 31 vụ trong năm 2019 ở vùng biển này. 

Trong khi mức độ nghiêm trọng của các vụ việc rất thấp – tức không có chết người hay ai bị thương nặng, nhưng Giám đốc Kuroki nhấn mạnh: “Các tội lặt vặt, nếu không xử lý sẽ khiến bọn cướp thực hiện những hành vi dã man hơn”.

Về tỷ lệ gia tăng các vụ việc, ông Kuroki nói ông không rõ nguyên do. “ReCAAP không phải là cơ quan nghiên cứu. Nhưng các vụ cướp gia tăng từ năm ngoái. Và tôi cho rằng không có liên quan đến dịch”, Giám đốc Kuroki phát biểu với tờ The Straits Times.

Tuy vậy, ông nói rằng các chuyến tàu tuần tra và giám sát gia tăng sẽ khiến bọn cướp biển chùng tay. Ông Kuroki nói các vụ tuần tra và bắt giữa của Hải quân Indonesia trong hai năm 2014-2015 đã khiến số vụ cướp biển giảm thiểu trong năm sau đó.

"Đại dương vô pháp"

Tàu tuần duyên chống cướp biển của Malaysia trên eo biển Malacca. Ảnh: The World

Cướp biển là vấn đề tồn tại trong nhiều thế kỷ của Đông Nam Á. Vài trăm năm trước, các tiểu vương ở các quốc đảo nhỏ trong vùng đã dung túng cho cướp biển để tạo thanh thế và nguồn lực tài chính. Chiến tranh, các biến cố chính trị và khủng hoảng kinh tế luôn kéo theo nạn “bần cùng sinh đạo tặc”. Sau năm 1975, người Việt trên các tàu cá mỏng manh là mồi ngon cho cướp biển hoạt động ở vùng biển Thái Lan.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 cũng biến nhiều ngư dân Indonesia cùng đường thành cướp biển và sau đó là phiến quân Hồi giáo ở tỉnh Aceh nhập cuộc. Họ có xu hướng cướp các tàu cỡ nhỏ hay bắt giữ thủy thủ đoàn để đòi tiền chuộc.

Karsten von Hoesslin, một nhà phân tích cấp cao về an ninh hàng hải, làm việc cho tổ chức Risk Intelligence nổi tiếng với chương trình truyền hình Đại dương vô pháp (Lawless Oceans) chiếu trên kênh National Geographic, từng chia sẻ trong phóng sự năm 2019, cướp biển Indonesia gây ra 20% vụ cướp, cao hơn con số 17% của cướp biển Somali.

Vũ khí trong tay, cướp biển hiếm khi làm ngư dân bị thương. Von Hoesslin nói rằng “phi bạo lực là một câu nói truyền tai giữa các tập đoàn tội phạm nhằm tránh sự truy bắt của cảnh sát biển. Bởi nếu gây ra những vụ cướp có đổ máu thì sẽ bị lọt vào tầm ngắm của quốc tế và cơ hội ‘tác quái’ sẽ bị thu hẹp”.

Điều tra viên Von Hoesslin nhấn mạnh: "Bọn cướp biển đang điều hành một hoạt động quy mô lớn ở Đông Nam Á. Nhưng họ không mạo hiểm bằng việc nổ súng".

Chưa thể khẳng định dịch Covid-19 đẩy nhiều ngư dân Đông Nam Á vào “tuyệt lộ” mà thành cướp. Nhưng các số liệu của IMB và ReCAAP cho thấy các vụ cướp có vũ khí trong vùng biển Đông Nam Á đã gia tăng.

Đã có nhiều lời kêu gọi chính phủ các nước trong vùng gia tăng nỗ lực chống cướp biển và bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng của ngư dân và thuyền viên trên các tàu viễn dương.

Bộ Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc khuyến cáo rằng tàu biển nước này nên đi đường vòng, tránh các vùng biển nguy hiểm ở Tây Phi. Chính phủ Hàn Quốc cũng nói rằng các hãng tàu cần tăng cường nhân viên canh gác và báo động trên vùng biển Đông Nam Á.

Nhưng các khuyến cáo này không có nghĩa bảo đảm được an toàn bởi đã có những cái chết đau lòng và bắt giữ bặt vô âm tín. Sự phối hợp chặt chẽ các quốc gia để trấn áp nạn cướp biển là cấp thiết, bởi cuối năm là dịp kiếm ăn của những kẻ vô pháp trên đại dương. Dịp Giáng sinh năm 2019, chỉ trong vòng hơn ba ngày đã có năm vụ tấn công có vũ khí vào các con tàu trên eo biển Singapore – nơi đặt trụ sở của ReCAAP.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính cướp biển gây thiệt hại 18 tỉ đô la mỗi năm đến kinh tế toàn cầu. Đông Nam Á là vùng biển rộng lớn, có tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới khiến việc quản lý và giám sát gặp trở ngại. Sự chủ quan của giới chủ tàu cùng thuyền viên và sự không chuẩn bị của chính quyền nhiều nước đã khiến vùng biển Đông Nam Á thành trận địa lý tưởng của hải tặc khi cướp biển châu Phi dời trận tuyến về đây. Đã có những cảnh báo về làn sóng manh động dịp cuối năm và khi ngư dân nghèo đi trong mùa dịch.

Cướp biển là vấn đề dai dẳng nhiều thế kỷ ở Đông Nam Á, nhất là các nước quần đảo. Ngư dân mất nguồn thu nhập từ biển thường bị ép buộc hay tự nguyện bước vào nghề cướp. Ảnh: Southeast Asia Globe

Việt Nam ghi nhận nhiều vụ việc liên quan đến cướp biển

Tàu đánh cá của ngư dân, tàu vận tải hàng hóa và chở dầu của Việt Nam cũng là món mồi ngon mà các nhóm hải tặc khu vực đang nhắm đến.

Các vụ việc được ghi nhận: Tháng 11-2019, một ngư dân 23 tuổi trên một tàu cá ở Kiên Giang đã bị một tàu cá lạ bắn chết. Tháng 2-2017, tàu Giang Hải của Công ty XNK Phạm Hải đã bị tấn công ngoài khơi Philippines, khiến cho sáu người trong thủy thủ đoàn 17 người bị bắt cóc và thuyền viên Vũ Đức Hạnh bị thiệt mạng.

Giữa tháng 12-2014, tàu chở nhựa đường VP Asphalt 2 bị cướp cũng ở khu vực Singapore, cướp bắn chết thuyền viên Trần Đức Đạt. Đầu tháng 10-2014, tàu Sunrise 689 bị cướp ở khu vực Singapore, khiến 18 thuyền viên bị giam giữ suốt sáu ngày đêm, tàu bị hút mất 2.000m3 dầu.

Tháng 11-2016, theo nhà chức trách Philippines, 6 thủy thủ Việt Nam trên tàu chở hàng MV Royal 16 đã bị bắt cóc và giam giữ sau khi bị nhóm Abu Sayyaf tấn công, trong đó một thủy thủ tên Hoàng Võ (28 tuổi) đã được giải cứu trong một trận đánh bởi các binh lính Philippines ngày 16-6-2017. Sau đó, ngày 5-7, Thông tấn xã Philippines xác nhận binh lính nước này vừa tìm thấy thi thể của hai thủy thủ người Việt Nam bị chặt đầu tại khu vực đảo Basilan. Theo nhà chức trách Philippines, hai thủy thủ bị sát hại được xác định là Hoàng Thông và Hoàng Văn Hải, cả hai đều là thuyền viên của tàu MV Royal 16.

Theo thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, tàu chở hàng MV Royal 16 chở 3.000 tấn xi măng xuất phát từ Quảng Ninh ngày 5-11-2016 có chủ tàu là Công ty cổ phần Vận tải biển Quý Sang (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) và đơn vị khai thác là Công ty cổ phần Hàng hải Hoàng Gia (đường Lý Thường Kiệt, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng).

Đang trên đường chở hàng tới Philippines, 19 thuyền viên trên tàu bị nhóm Abu Sayyaf tấn công vào sáng ngày 11-11-2016. Tại thời điểm bị cướp, tàu có 19 thành viên, trong đó 6 thuyền viên bị bắt làm con tin, 13 thuyền viên còn lại được thả, trong đó 1 người bị thương do bị bắn vào tay. Sáu thuyền viên bị bắt giữ khi đó là: Thuyền trưởng Phạm Minh Tuấn (quê Hải Phòng), đại phó 2 Đỗ Trung Hiếu (Hải Phòng), đại phó 3 Hoàng Võ (Nghệ An), thủy thủ trưởng Hoàng Trung Thông (Quảng Bình ) và 2 thuyền viên Trần Khắc Dũng (Đắk Lắk), Hoàng Văn Hải (Thanh Hóa).

Bắt giữ con tin chủ yếu ở Tây Phi

Báo cáo quí 3 của Văn phòng Hàng hải Quốc tế (IMB) cho biết trong 9 tháng đầu năm nay, trên toàn thế giới đã xảy ra 132 vụ tấn công của hải tặc, tăng 11%  so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 85 thuyền viên bị bắt cóc.

Xét theo khu vực, IMB nói số vụ cướp biển xảy ra ở vùng biển Tây Phi gần Nigeria, Benin và Togo chiếm đến 44 vụ. Có đến 80 thuyền viên bị bắt cóc trong vùng biển này, chiếm 94% tổng số người bị hải tặc bắt cóc trên toàn thế giới. Khu này cũng xảy ra hai vụ bắt cóc tàu đòi tiền chuộc.

Tuy nhiên, số vụ cướp biển đã gia tăng đáng kể từ đầu tháng 10 vừa rồi. Chỉ đầu tháng 10 đến nay đã có thêm 20 vụ cướp biển, mới nhất là vụ tấn công ở Mozambique ngày 2-11 và ba vụ tấn công chỉ trong hơn hai tiếng đồng hồ khuya ngày 25 và rạng sáng ngày 26-10 vừa qua trong vùng eo biển Singapore Strait.

 

Xem thêm: lmth.neib-pouc-iv-man-iom-al-od-it-gnah-iah-teiht-a-man-gnod/073013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đông Nam Á thiệt hại hàng tỉ đô la mỗi năm vì cướp biển”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools