Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nghị quyết đã mở rộng hỗ trợ cho người lao động tại các trường tư thục. Tại Hà Nội, dự kiến sẽ có hàng nghìn giáo viên thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách này.
Cụ thể, nghị quyết mở rộng đối tượng là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.
Thông tin về việc triển khai chính sách trên địa bàn Tp.Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, sở đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát lao động là giáo viên trong các trường tư thục, trường công lập tự chủ chi thường xuyên.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn thành phố hiện có hơn 11.000 giáo viên thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Để doanh nghiệp và người lao động có thể tiếp cận được chính sách, ông Dân cho biết, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ trình Uỷ ban nhân dân thành phố để ban hành các văn bản thực hiện Nghị quyết 154 của Chính phủ cũng như Quyết định 32 sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo ông Dân, người lao động là giáo viên được hỗ trợ sẽ không có gì khác so với đối tượng là người có công với cách mạng, bởi vì các phòng giáo dục và đào tạo tại các quận, huyện, thị xã đều đã có danh sách quản lý cũng như nắm được trên địa bàn có bao nhiêu trường ngoài công lập nên việc rà soát rất nhanh.
"Hiện nay, chúng tôi cũng tham mưu Tp. Hà Nội xem xét rút ngắn hơn so với quy định trong Quyết định 32 của Thủ tướng, chẳng hạn như khi tiếp nhận hồ sơ trong vòng bao nhiêu ngày thì cấp nào phải giải quyết ngay. Chúng tôi cũng tham mưu cho thành phố ủy quyền cho chủ tịch ủy ban nhân dân cấp quận, huyện phê duyệt danh sách hỗ trợ này để các đối tượng được thụ hưởng nhanh hơn", ông Nguyễn Hồng Dân thông tin thêm.