- Bình Dương - đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới
- Đà Nẵng lấy ý kiến các doanh nghiệp để định hướng phát triển thành phố
- Phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được TP Nam Định, tỉnh Nam Định xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 là đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh và phát triển trung tâm công nghiệp, dịch vụ thành phố.
Đây cũng là một trong các chương trình trọng tâm trong Chương trình hành động số 01-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh xác định, nhằm đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước…
Ngay sau thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, TP Nam Định đã chủ động đẩy mạnh triển khai các chương trình, biện pháp thực hiện mục tiêu đề ra. Trong đó, tập trung triển khai bước đầu thí điểm dịch vụ đô thị thông minh gồm: thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước; triển khai có hiệu quả việc họp trực tuyến và không giấy tờ tại các đơn vị trực thuộc tại UBND thành phố; triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại 25 phường, xã; triển khai bộ giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận chính quyền điện tử tại 2 phường Quang Trung, Thống Nhất và 4 trường tiểu học, trung học (Kim Đồng, Chu Văn An, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Thụ).
Nam Định ưu tiên xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh, cung cấp các tiện ích đô thị thông minh trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch… |
Bên cạnh đó, TP Nam Định cũng tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị và thương mại. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm: cải tạo trụ sở Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố; xây dựng tuyến đường trục phía Nam thành phố đoạn nối tỉnh lộ 490C đến vị trí giao với đường dẫn cầu Tân Phong, xây dựng khu đô thị mới phía Nam sông Đào giai đoạn 1, xây dựng kè hồ Hàng Nam và đường dạo ven hồ...
Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt; lập điều chỉnh: quy hoạch phân khu phường Lộc Vượng, phường Lộc Hạ, phường Thống Nhất, đường Phan Đình Phùng; điều chỉnh quy hoạch xung quanh vòng xuyến đài phun nước đường Đông A; điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 xã Nam Vân, khu tái định cư phường Lộc Vượng...
Được biết, để cụ thể hóa chương trình trên, BCH Đảng bộ tỉnh chủ trì chỉ đạo xây dựng Nghị quyết chuyên đề về xây dựng TP Nam Định giai đoạn 2021-2025, dự kiến sẽ ban hành vào quý II-2021. BCH Đảng bộ tỉnh cũng định hướng các cấp, các ngành tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa để xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư lớn vào đầu tư các công trình trên khu vực địa bàn thành phố theo quy hoạch địa giới hành chính được mở rộng. Ưu tiên kết hợp các nguồn lực hoàn thành xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh; thực hiện chuyển đổi số ở một số lĩnh vực trọng điểm; xây dựng hệ thống camera giám sát và quản lý đô thị thông minh; tăng cường cung cấp các tiện ích đô thị thông minh, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch. Tập trung phát triển các chức năng trụ cột là công nghiệp, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, khoa học và công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao...
“Thời gian tới, thành phố tiếp tục bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, đồng bộ mục tiêu phát triển thành phố. Tập trung chỉ đạo các cấp bộ Đảng, chính quyền nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, công chức, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao, đưa nền kinh tế thành phố tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô cũng như giá trị…” - ông Vũ Ngọc Phi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nam Định cho biết.
Cũng theo ông Vũ Ngọc Phi, để phát triển trung tâm công nghiệp, dịch vụ thành phố sẽ tập trung: Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch gắn với quản lý tốt tài nguyên, cải thiện chất lượng môi trường; quản lý chặt chẽ và hoàn thành mở rộng địa giới hành chính của thành phố theo Đề án đã được phê duyệt vào trước năm 2025; nâng cao năng lực quản lý kỹ thuật, đặc biệt là trật tự đô thị, ATGT, kỷ cương và văn minh đô thị, từng bước xây dựng thành phố văn minh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đường trục phía Nam sông Đào; xây dựng, đưa vào sử dụng trụ sở Thành ủy - HĐND - UBND thành phố, khu đô thị mới phía Nam sông Đào, khu đô thị mới Phú Ốc, nhà máy điện rác tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc...
Tăng cường kết nối giữa các khu vực trong thành phố, đặc biệt là khu vực hai bên sông Đào; kết nối linh hoạt các khu vực trong và ngoài tuyến đường vành đai; kết nối các đô thị lớn trong vùng đồng bằng sông Hồng; khai thác có hiệu quả quỹ đất hai bên đại lộ Thiên Trường, tuyến đường dẫn cầu Tân Phong và phân khu phía Nam sông Đào để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư trên địa bàn thành phố. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng: công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp; tạo ra nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao.
Trong đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp, từng bước chuyển dịch sang các ngành công nghiệp phụ trợ có giá trị gia tăng cao. Quy hoạch và thực hiện vùng sản xuất chuyên canh ở các xã ven đô. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như: trồng hoa, cây cảnh, rau sạch, thuỷ sản. Hình thành, mở rộng các mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu cho một số nông sản có thế mạnh. Phát triển đặc trưng và bản sắc của thành phố Nam Định như: Văn hóa nhà Trần, truyền thống đất học, không gian khu phố cổ, nhà máy dệt cũ, làng trồng hoa, cây cảnh… Tập trung triển khai hiệu quả các hợp phần của Đề án xây dựng đô thị thông minh theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, ưu tiên xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh, cung cấp các tiện ích đô thị thông minh trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch…