Cảng Chân Mây đặt tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, nơi sẽ đặt Nhà máy nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng - Ảnh: CHÂN MÂY LĂNG CÔ
Tối 7-11, tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh, vừa có buổi làm việc với nhà đầu tư dự án Nhà máy điện khí Chân Mây LNG và các đối tác về tiến độ triển khai dự án Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) do Công ty CP Chân Mây LNG đầu tư và phát triển, dự kiến đặt tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, có tổng công suất thiết kế 4.000MW. Hình thức đầu tư tư nhân (IPP) với vốn sở hữu 60% Hoa Kỳ, 40% Việt Nam.
Theo dự kiến, nhà máy sẽ được xây dựng vào quý 1-2021 và vận hành thương mại giai đoạn 1 vào năm 2024 với kinh phí xây dựng khoảng 6 tỉ USD. Khi đi vào hoạt động, hằng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 - 25 tỉ kWh.
Nhà máy dự kiến được đặt giữa bến cảng nước sâu và các mạch đường dây 500kV. Các chuyên gia cho rằng đây là một trong những dự án có hiệu quả kinh tế, tính khả thi rất cao khi được phép triển khai.
Tại buổi làm việc, ông Phan Ngọc Thọ đánh giá cao công ty và các đối tác trong quá trình tham gia dự án. Ông Thọ cho biết tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực môi trường, nên các dự án thân thiện với môi trường luôn được ưu tiên.
Ngoài việc đầu tư vào dự án nhiệt điện khí, ông Thọ mong muốn các đối tác nước ngoài, trong đó có Công ty Mitsubishi nghiên cứu, đầu tư vào Thừa Thiên Huế trên các lĩnh vực thế mạnh khác như cảng biển, logistics trong bối cảnh chuyển dịch đầu tư nhằm giúp tỉnh phát triển kinh tế - xã hội.
TTO - Nhiệt điện Sông Hậu dự kiến đưa vào vận hành tổ máy số 1 vào tháng 6-2021 và tổ máy số 2 là tháng 10-2021, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc huy động công nhân, chuyên gia kỹ thuật cao làm việc đã gặp nhiều khó khăn.