Các hãng công nghệ lớn của Mỹ đã hưởng lợi từ chính sách giảm thuế doanh nghiệp mạnh tay dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trong nhiều trường hợp, giảm thuế giúp họ có thêm lợi nhuận. Tuy nhiên, không phải tất cả chính sách và hành động của Trump đều có lợi cho Big Tech.
Trump đã phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, khiến chuỗi cung ứng của các hãng công nghệ lung lay. Ông cũng giới hạn chương trình visa lao động chủ chốt mà các công ty này phải dựa vào để tuyển dụng lao động nước ngoài tay nghề cao.
Trong nhiệm kỳ của Trump, Bộ Tư pháp Mỹ đã điều tra các Big Tech về khả năng vi phạm luật chống độc quyền. Chính phủ Mỹ gần đây còn kiện Google với các cáo buộc phản cạnh tranh. Bản thân Trump thường xuyên chỉ trích các nền tảng truyền thông xã hội về việc kiểm duyệt và định hướng thông tin.
Những vấn đề này không kìm hãm được đà phát triển của Big Tech trong 4 năm qua. Apple, Amazon, Microsoft, Google, Facebook, Tesla và Netflix hiện có vốn hóa tổng cộng gần 8.000 tỷ USD, tăng 1.400 tỷ USD sau cuộc bầu cử năm 2016.
Dù vậy, các lãnh đạo công nghệ có thể vẫn muốn thay đổi. "Tôi cho rằng chúng ta nên phân biệt rõ giữa diễn biến của cổ phiếu và thách thức với các công ty", Tom Forte - nhà phân tích tại DA Davidson cho biết.
Một thay đổi khác dưới thời Trump có thể đe dọa thành công của các Big Tech là "vị thế trên thế giới", Mark Lemley - Giáo sự tại Trường Luật Stanford nhận định. "Thung lũng Silicon thành công vì mọi người muốn đến đây. Những người sáng giá nhất trên thế giới muốn tới đây để đi học, làm việc, mở công ty riêng", Lemley cho biết, "Ngoài thách thức về nhập cư, người ta còn lo ngại Mỹ và Thung lũng Silicon có thể không giữ được vị thế hiện tại trong tương lai".
Những điều này có thể sẽ thay đổi dưới thời Biden - Tổng thống đắc cử của Mỹ. Giới chuyên gia dự báo chính quyền Biden sẽ có cách tiếp cận hoàn toàn khác so với Trump. Giới công nghệ cũng chào đón việc Biden chọn bà Kamala Harris làm phó tướng, do bà có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Theo CNN, dưới đây là một số vấn đề đáng quan tâm nhất với Thung lũng Silicon:
Nhập cư
Thung lũng Silicon cho rằng chính sách hạn chế visa lao động của Trump khiến các hãng công nghệ khó tuyển dụng nhân tài. Trong khi đó, Biden cởi mở hơn với vấn đề này. Một trong các đề xuất chính sách của ông là miễn hạn chế về nhập cư với "những người mới hoàn thành chương trình tiến sĩ trong các lĩnh vực STEM (khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán) tại Mỹ, vì họ có khả năng đóng góp nhiều thành tựu quan trọng cho kinh tế thế giới".
Trên thực tế, CEO của một số hãng công nghệ lớn, như Google, Microsoft và Tesla, đều là người nhập cư.
Trung Quốc
Chính quyền Trump rất mạnh tay trong nhiều vấn đề liên quan đến công nghệ Trung Quốc, như Huawei Technologies, ByteDance (công ty mẹ TikTok) và việc các hãng bán dẫn Mỹ bán sản phẩm cho công ty Trung Quốc.
Nhà Trắng cũng áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa Mỹ sản xuất tại Trung Quốc. Trump còn nhiều lần thúc giục các hãng công nghệ chuyển sản xuất về nước. Thuế nhập khẩu đã buộc các công ty cân nhắc lại hoạt động tại Trung Quốc và cảnh báo tăng giá sản phẩm với người tiêu dùng. Tuy vậy, số việc làm trong ngành công nghệ tại Mỹ vẫn chưa tăng vọt.
Nhiều chuyên gia Wall Street dự báo chính quyền Biden sẽ có lập trường hòa hoãn hơn về các vấn đề với Trung Quốc. Việc này sẽ giúp các hãng công nghệ Mỹ giảm nguy cơ mất khách hàng tại thị trường này. Trung Quốc hiện đóng góp 15% doanh thu cho Apple. Intel hay AMD từ lâu cũng phụ thuộc vào doanh thu tại Trung Quốc.
Dù vậy, nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều lo ngại về sự phát triển công nghệ của Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Đây là vấn đề Tổng thống kế tiếp sẽ phải giải quyết.
Điều khoản 230 và Chống độc quyền
Hai trong các vấn đề ảnh hưởng nhất đến Big Tech - áp lực chống độc quyền và Điều khoản 230 (quy định các nền tảng mạng xã hội không được coi là nhà xuất bản với nội dung đăng trên các website này) - rất phức tạp. Cả hai đảng đều cho rằng đây là các vấn đề cần giải quyết. Vì thế, giới phân tích cũng không chắc chắn Thung lũng Silicon có hưởng lợi từ chính quyền Biden trong những việc này hay không.
Cũng như Trump, Biden kêu gọi bãi bỏ Điều khoản 230, vốn đang bảo vệ các đại gia công nghệ khỏi các vụ kiện về nội dung. Tuy nhiên, hai đảng có lý do khác nhau để phản đối luật này. Đảng Dân chủ muốn các hãng công nghệ chịu trách nhiệm gỡ bỏ thông tin sai lệch và có nội dung thù địch khỏi nền tảng. Trong khi đó, đảng Cộng hòa khẳng định việc gỡ bỏ hay điều tiết nội dung chính là làm thiên lệch thông tin.
Nếu dưới thời Biden, đảng Dân chủ đưa ra quy định mới thay thế Điều khoản 230, các hãng công nghệ sẽ chào đón việc này hơn là chỉ đơn giản xóa bỏ 230.
Còn với vấn đề chống độc quyền, các hãng công nghệ lớn có thể vẫn tiếp tục chịu sức ép, dù ai đứng đầu Nhà Trắng năm tới. Gần đây, các nghị sĩ đảng Dân chủ cũng ủng hộ thực thi chống độc quyền với Big Tech. Chính quyền Biden có thể còn giám sát chặt hơn hoạt động M&A của các đại gia công nghệ.
Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng đây có thể là tin tốt với hệ sinh thái công nghệ nói chung. "Chúng ta cần tăng cạnh tranh và sáng tạo tại Thung lung Silicon", Lemley cho biết.
Đầu tư và quy định kiểm soát
Các vấn đề trên là mối quan tâm lớn nhất với Big Tech. Tuy nhiên, Biden cũng đã công bố một số đề xuất có liên quan đến ngành này.
Ví dụ, chính quyền Biden được kỳ vọng sẽ khôi phục Luật trung lập của Internet, đầu tư vào giáo dục bậc cao, chi 20 tỷ USD xây hạ tầng băng thông rộng cho các cộng đồng chưa được tiếp cận. Ông cũng đề xuất cải tổ một chương trình hỗ trợ người thu nhập thấp sử dụng Internet băng thông rộng.
"Việc này có thể làm lợi cho nhiều hãng công nghệ, do người dùng sẽ được sử dụng Internet tốc độ cao", từ đó làm tăng lượng khách hàng tiềm năng cho họ, Forte giải thích.
Hà Thu (theo CNN)