Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá đúng tình hình đất nước trong 5 năm qua và sau 35 năm đổi mới, đề cập đến những vấn đề mới cần thống nhất nhận thức và đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Những dự báo mới về tình hình trong nước
Đánh giá cao các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) khẳng định, các dự thảo báo cáo được chuẩn bị chu đáo, chất lượng, phương pháp xây dựng bố cục và nội dung rõ ràng, chi tiết, không chỉ có báo cáo chung, mà có cả các báo cáo chuyên đề. Trong đó, dự thảo báo cáo chính trị mang tính tổng kết khá cụ thể, dễ hiểu. Các dự thảo báo cáo đều cập nhật thông tin tốt, với những thông tin mới ở trong nước và quốc tế, được đưa vào một cách nghiêm túc, khoa học.
Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Góp ý trong nhóm nhiệm vụ về quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, Phó Giáo sư Bùi Thị An nêu rõ: "Đây là nhiệm vụ thực sự rất cấp bách hiện nay. Những ngày gần đây, Việt Nam vất vả chống chọi với cơn lũ lịch sử ở dải đất miền Trung. Nguyên nhân là do cả khách quan và chủ quan, hiện tượng chặt phá rừng phòng hộ, làm thủy điện không tính đến những nguy cơ rủi ro đối với các vùng dân cư.
Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên không tính đến an ninh sinh thái, môi trường, nguồn nước, lương thực… hay tình trạng ô nhiễm không khí trong năm vừa qua đã đặt ra yêu cầu cần xem xét nghiêm ngặt quy trình bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng mạnh nhưng không quên việc bảo tồn môi trường tự nhiên; đảm bảo môi trường sống không ô nhiễm, người dân có quyền thụ hưởng một môi trường lành mạnh và trong sạch. Chính điều này đã được dự thảo đề cập và đưa ra nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, phần định hướng phát triển kinh tế-xã hội cần tập trung về nguyên nhân và giải pháp, cụ thể là giải pháp về quản lý, bảo vệ môi trường, những hệ lụy môi trường, quản lý đất đai cho hiệu quả…
Do đó, giải pháp trước mắt cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc quản lý và khai thác tài nguyên, bởi liên quan đến an ninh lương thực, nguồn nước, khoáng sản… và có những vùng, khu vực tài nguyên khoảng sản quốc gia còn là những vùng chiến lược của quốc phòng-an ninh. Bên cạnh đó, cần có chiến lược lâu dài cho từng lĩnh vực, ví dụ để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt cần bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia và có sự đóng góp của nhiều chuyên gia. Từ vấn đề vĩ mô như thảo luận với các nước thượng nguồn có các dòng sông đổ vào Việt Nam; hạn chế Trung Quốc, Lào, Campuchia, hay Thái Lan xây và vận hành các thủy điện mới và cũ, đến những việc cấp thiết như cập nhật vẽ bản đồ sạt lở khắp các tỉnh, thành phố; cảnh báo lũ hiệu quả hơn hay có sẵn những khu tập trung người dân bị nạn khi lũ lụt…
Tiến sỹ Đỗ Thị Kim Hoa, Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, so với các Đại hội trước, dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XII của Đảng có những điểm mới trong cách tiếp cận xác định mục tiêu tổng quát và cụ thể. Cụ thể, trong phần định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 có bổ sung mối quan hệ "giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội". Đồng thời, phần định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 cũng nhấn mạnh: "Trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn, cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữ vững độc lập, tự chủ và phát triển quyền làm chủ của nhân dân".
Thực sự quan tâm đến quyền của người dân
Góp ý về thực thi quyền làm chủ của nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An cho rằng, các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần này có một điểm hết sức cách mạng, đó là trước đây chúng ta chỉ quan tâm đến quyền của người dân dựa trên khía cạnh kiểm soát quyền lực của nhà nước - "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" - thì lần này, trong dự thảo đã bổ sung thêm một quyền nữa đó là "dân hưởng thụ". Đây là một biểu hiện của sự quan tâm đến đời sống của người dân, đến những quyền lợi sát sườn, đến những nhu cầu xứng đáng được hưởng của người dân. Nó không chỉ mang lại cho người dân yếu tố vật chất, mà qua đây, còn mang lại cho người dân các yếu tố tinh thần, "dân hưởng thụ", dù chỉ có ba từ thôi, nhưng để triển khai vấn đề này đòi hỏi nỗ lực của cả một hệ thống chính trị.
Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, pháp lệnh về dân chủ cơ sở từ trước tới nay chỉ quan tâm đến quyền được biết của người dân (quyền được cung cấp thông tin) quyền được bàn bạc, chất vấn, được tham gia và kiểm soát các chính sách, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và việc thực thi chính sách. Còn ngày nay, để dân được hưởng thụ thì cơ chế phải thay đổi như thế nào? Điều này đặt ra một nhiệm vụ to lớn cho các cơ quan, ban, ngành và chính quyền các cấp.
Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sỹ Đỗ Thị Kim Hoa cũng nêu rõ, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng ta đã chủ động nắm bắt tình hình, nên trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, dự thảo đã đưa ra một thuật ngữ mới so với các văn kiện trước đó là kinh tế số, chuyển đổi công nghệ số, phát triển hạ tầng số, xây dựng xã hội số nhằm hoàn thiện Chính phủ điện tử. Phát triển được lĩnh vực này sẽ tạo bước đột phá rất lớn trong phát triển kinh tế, nâng cao trình độ dân trí, hội nhập sâu rộng, củng cố mạnh mẽ quyền dân chủ của nhân dân và phát triển xã hội một cách toàn diện.
Tuy nhiên, nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra; xu hướng già hóa dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước. Do đó, trong 5 năm tới, Việt Nam cần hội nhập quốc tế sâu rộng hơn; phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Xem thêm: /249816-gnort-uhc-coud-nad-iougn-auc-neyuQ/us-ioht-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac