Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục cảnh báo chiến thắng của đối thủ Joe Biden cũng sẽ là chiến thắng của Trung Quốc. Và Bắc Kinh sẽ "sở hữu nước Mỹ". Dù vậy, có rất ít bằng chứng cho thấy Biden sẽ nhẹ tay với Trung Quốc hơn Trump.
Kể cả trước khi ông Trump đắc cử, cựu Tổng thống Barack Obama và Biden – khi đó là Phó tổng thống đã có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Biden đến nay vẫn chưa đưa ra chính sách cụ thể với nước này, nhưng mọi dấu hiệu đều chỉ ra ông sẽ tiếp tục giữ lập trường trên với Bắc Kinh.
Tổng thống đắc cử của Mỹ đã cam kết hợp tác chặt hơn với các đồng minh của Mỹ để đối phó Trung Quốc về thương mại. Ông cũng được dự báo không sớm gỡ bỏ thuế nhập khẩu của người tiền nhiệm lên nhôm thép nhập khẩu, cũng như hàng hóa xuất xứ Trung Quốc và châu Âu.
"Nhiều người nói với tôi là nếu nhắm mắt, anh sẽ không thấy sự khác biệt" trong chính sách thương mại của Biden và Trump, Nasim Fussell – cựu cố vấn thương mại tại Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ cho biết, "Biden sẽ không sớm rút lại các loại thuế nhập khẩu này đâu". Biden thậm chí đề xuất buộc các cơ quan liên bang chỉ sử dụng hàng hóa và dịch vụ Mỹ, đồng thời áp thuế trừng phạt các công ty Mỹ chuyển việc làm và sản xuất ra nước ngoài.
Ông thắng cử với sự ủng hộ mạnh mẽ của các công đoàn và những người cấp tiến vốn nghi ngờ các hiệp định thương mại tự do gần đây. Vì thế, Biden sẽ đối mặt với áp lực duy trì việc bảo vệ các ngành dễ bị tổn thương, như thép và nhôm.
Bên cạnh đó, ưu tiên kinh tế hàng đầu của ông sẽ là hồi sinh nền kinh tế đang bị đại dịch tàn phá. Vì vậy, các thỏa thuận thương mại có khả năng xếp sau các nỗ lực kích thích và phát triển cơ sở hạ tầng.
Các nhà ngoại giao, chuyên gia phân tích và cựu quan chức cố vấn cho Biden cho rằng Biden sẽ có giọng điệu thận trọng hơn so với thói quen đe dọa của Trump, đồng thời tập trung vào "cạnh tranh chiến lược" hơn là đối đầu trực diện. Biden sẽ tăng đầu tư nhằm duy trì lợi thế của Mỹ với Trung Quốc trong các ngành công nghệ chủ chốt như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và 5G.
Các cựu quan chức thương mại thời Tổng thống Barack Obama và Donald Trump cho biết nếu Trung Quốc muốn Mỹ rút lại thuế nhập khẩu, Biden có thể sẽ ra yêu cầu tương tự Trump. Đó là hạn chế trợ cấp khổng lồ với các công ty do chính phủ kiểm soát, chấm dứt các chính sách ép buộc chuyển giao công nghệ và mở cửa dịch vụ kỹ thuật số cho các hãng công nghệ Mỹ.
"Tổng thống nào cũng có những điều này trong kế hoạch. Nhưng thực hiện chúng rất khó", Jamieson Greer – một cựu quan chức Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết.
Dù vậy, Wendy Cutler – cựu nhân viên đàm phán thương mại tại USTR cho rằng chính sách thương mại dưới thời Biden sẽ dễ đoán hơn so với Trump. "Những ngày các cố vấn nháo nhào thực hiện theo chỉ đạo họ nhìn thấy từ Twitter của Tổng thống đã qua rồi", ông nói.
Dù chính sách cụ thể với Trung Quốc còn phụ thuộc vào việc Biden đưa ai vào nội các, sự tập trung vẫn là gây dựng lại các quan hệ đồng minh đã xuống cấp. Các cố vấn của Biden cho biết ông sẽ tìm cách chấm dứt một số cuộc chiến thương mại với châu Âu và ngay lập tức tham vấn các đồng minh của Mỹ để quyết định tương lai thuế nhập khẩu mà Mỹ đang áp lên hàng Trung Quốc. Điều này nhằm đổi lấy "sự hợp tác" để đối phó Bắc Kinh.
Tuy nhiên, giảm căng thẳng thương mại với châu Âu cũng đồng nghĩa phải giải quyết các bất đồng lớn, như việc châu Âu trợ cấp cho ngành hàng không suốt nhiều thập kỷ và cách đánh thuế công bằng với các đại gia công nghệ. Châu Âu và Anh cũng đang muốn đạt tiến triển trong các cuộc đàm phán về trợ cấp sản xuất máy bay và chấm dứt thuế nhập khẩu Mỹ đang áp lên hàng hóa châu Âu. Các nước này còn muốn giải quyết bất đồng với Washington về thuế kỹ thuật số và gỡ bỏ thuế nhôm thép.
Anh - quốc gia sẽ rời thị trường chung châu Âu vào tháng 1 tới - sẽ nỗ lực chốt thỏa thuận thương mại với Mỹ khi Biden nhậm chức. Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của Biden đã khẳng định đây không phải ưu tiên hàng đầu của họ.
Biden cũng được cho là khó có khả năng hồi sinh Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Trump đã rút chân năm 2017. Thay vào đó, việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng các quy định mới nhằm chống trợ cấp và hành vi phản thị trường được coi là ưu tiên lớn hơn.
Nhìn chung, giới phân tích nhận định các vấn đề lớn giữa Mỹ và châu Âu sẽ vẫn tồn tại. Căng thẳng thương mại với Bắc Kinh cũng nhiều khả năng tiếp tục. Các cuộc chiến thương mại sẽ vẫn diễn ra, nhưng sẽ được tiến hành thận trọng chứ không phải qua Twitter.
Hà Thu (theo Reuters, FT)