Qua hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên qua những con số thống kê về các vụ phạm pháp về trật tự xã hội cũng như thực tế, tình trạng người dân “vô tình” vi phạm các quy định pháp luật do thiếu hiểu biết vẫn là vấn đề cần quan tâm.
“Lên phường” mới biết mình phạm luật
Hồi tháng 4.2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, một người ở Quảng Nam đã “vui vẻ” đăng lên fanpage của công ty rằng, nhân viên công ty này sẽ được nghỉ 2 ngày để phun thuốc khử trùng. Kết quả là toàn bộ nhân viên nghỉ thật, còn người đăng tin thì thừa nhận, mình chỉ “trêu đùa đồng nghiệp”. Sở TTTT Quảng Nam đã phạt ra quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng với hành vi đùa cợt nêu trên.
Cũng thời điểm đó, ở Bắc Giang, một cô gái nhân ngày Cá tháng Tư dùng trang cá nhân thông tin chính mình bị nhiễm COVID-19. Hành vi này liền bị phạt 15 triệu đồng.
Gần nhất là vụ việc một nhóm thanh niên ở Hà Nội đóng giả Bác Hồ đi vào quán bar trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trong đêm Halloween, đồng thời còn “hồn nhiên” quay các đoạn clip đưa lên mạng xã hội. Dư luận bức xúc, còn nhóm thanh niên đã bị Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội triệu tập để điều tra, làm rõ.
Các luật sư phân tích, nếu theo các quy định hiện hành thì hành vi xúc phạm lãnh tụ sẽ bị xử phạt từ 50-70 triệu đồng theo Nghị định 15/2020. Cao hơn, cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích, trong trường hợp có căn cứ cho thấy những người này thực hiện hành vi nhằm chống chính quyền hoặc phỉ báng chính quyền nhân dân thì sẽ bị xử lý hình sự.
3 câu chuyên trên cho thấy, mặc dù các quy định mới đã được truyền thông nhưng người dân lại không hiểu rõ. Chỉ đến khi phải làm việc với cơ quan chức năng mới biết mình phạm luật. Nếu nắm chắc và am hiểu pháp luật thì không ai dại gì mà trả một khoản tiền lớn cho những câu đùa, trò đùa đưa lên mạng xã hội.
Không chỉ có vậy, việc thiếu hiểu biết về luật pháp còn khiến nhiều người tự biến mình thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo, nhất là việc dùng mạng xã hội để lừa đảo.
Các báo cáo về Công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 vừa được trình bày tại kỳ họp Quốc hội thứ 10 vừa qua cho thấy trong một năm qua (từ tháng 10.2019 đến tháng 9.2020), lực lượng chức năng đã điều tra, làm rõ 40.026 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỉ lệ 85,69%; triệt phá 3.070 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại. Trong thời gian này, toàn quốc đã xảy ra 46.710 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, giảm 2,76%, hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng đều giảm.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng: “Mặc dù tình hình chung vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm, nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng lại gia tăng, như: Hiếp dâm tăng 13,51% (trong đó hiếp dâm trẻ em tăng 30,38%); gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%; chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ tăng 260%”.
Còn đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) khi trả lời báo chí, cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng gia tăng của các nhóm tội phạm liên quan đến huyết thống gia đình (hiếp dâm trẻ em do người thân, ngược đãi cha mẹ…) và các hành vi vi phạm, trục lợi liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19.
Thực trạng này cho thấy, ngoài việc cố tình vi phạm pháp luật thì một bộ phận người dân vẫn còn chưa hiểu, chưa tiếp cận những quy định mới, nhất là những quy định liên quan đến an toàn, an ninh mạng và những hình vi bị cấm khi tham gia mạng xã hội.
Không để có những “vùng trũng” về hiểu biết pháp luật
Tăng cường hiểu biết pháp luật không chỉ nhằm tránh cho mỗi cá nhân, tổ chức “vô tình” vi phạm pháp luật hoặc tự mình biến thành nạn nhân của những hoạt động phi pháp mà chính sự hiểu biết về pháp luật, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước sẽ tạo ra những “lá chắn” để mỗi người dân nhận diện, cảnh giác từ đó bài trừ những thông tin xấu, độc đặc biệt những thông tin giả mạo, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Theo các cơ quan chức năng trong quá trình diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiều thế lực thù địch đã dùng mạng xã hội (Facebook, Youtube) để xuyên tạc nhằm bôi nhọ cá nhân, chống phá Nhà nước Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng… Trong khi thông tin xấu, độc ngày càng nhiều và tinh vi, khó nhận biết thì không ít cán bộ, đảng viên lại chủ quan, mất cảnh giác thậm chí thiếu hiểu biết về quy định của Pháp luật đã dễ bị rơi vào “bẫy” của những kẻ cơ hội, phản động. Trên facebook của một số cán bộ, đảng viên cũng đã có hiện tượng viết, chia sẻ những thông tin xấu, độc.
Ngày 20.6.2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 80 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW năm 2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Theo đó, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đồng thời, Đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng; mặt trận và đoàn thể nhân dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Ban Bí thư yêu cầu: Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể. Kịp thời thông tin đầy đủ ngay từ khi soạn thảo các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật.
Ngày 9.11.1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa được ban hành. Chính vì vậy, ngày 9.11, được xác định là Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật) đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (có hiệu lực từ ngày 1.1.2013). Điều 8 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật 2012 quy định: “Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”. Minh Bằng
Xem thêm: odl.057258-taul-pahp-teib-ueih-ueiht-iv-ihc-mahp-iv-hnit-ov-gnohk-nad-iougn-ed/taul-pahp/nv.gnodoal