vĐồng tin tức tài chính 365

Truyền hình qua mạng: Doanh nghiệp ngoại nhởn nhơ kinh doanh

2020-11-09 09:54
Truyền hình qua mạng: Doanh nghiệp ngoại nhởn nhơ kinh doanh - Ảnh 1.

Dịch vụ truyền hình Netflix có thể đã thu cả ngàn tỉ đồng tại Việt Nam nhưng chưa đóng thuế - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Những tiết lộ doanh thu ban đầu gây choáng, khiến doanh nghiệp Việt đòi hỏi sân chơi phải công bằng, nếu không họ phải đối mặt nguy cơ phá sản.

Các doanh nghiệp (DN) trong nước phải cạnh tranh khắc nghiệt với nhau, đồng thời chịu sự quản lý chặt chẽ của pháp luật nhưng các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới lại nằm ngoài vòng quản lý này.

Đủ cách quảng bá, tăng trưởng nhảy vọt

Theo ghi nhận, tại Việt Nam hiện nay có nhiều dịch vụ truyền hình xuyên biên giới có thu tiền thuê bao định kỳ như: WeTV (Trung Quốc), iQiYi (Trung Quốc), Iflix (Malaysia), Netflix (Mỹ)... Trong đó, Netflix đang hoạt động rầm rộ nhất.

Các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới nêu trên đều đang cung cấp cho người dùng Việt qua web, app trên tivi thông minh, smartphone... 

Người dùng chỉ cần đăng ký tài khoản và thanh toán bằng các thẻ quốc tế là có thể dễ dàng xem các kênh nội dung của các dịch vụ truyền hình nêu trên. 

Chẳng hạn, Netflix đang cung cấp các gói với mức cước thuê bao 180.000 - 260.000 đồng/tháng, WeTV có cước phí 25.000 đồng/tháng, iQiYi từ 49.000 đồng/tháng...

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Netflix liên tục chạy quảng cáo trên mạng xã hội Facebook để thu hút khách hàng trong nước. Bên cạnh đó là sự "tiếp tay" của nhiều trang mạng, diễn đàn, tin tức thi nhau giới thiệu phim hay, các nội dung phim liên quan đến Netflix.

Theo thống kê của hệ thống giám sát thông tin trực tuyến Reputa, trong 3 tháng vừa qua có khoảng 150.000 nội dung nhắc đến Netflix tại Việt Nam. 

Các nội dung chủ yếu liên quan đến việc chia sẻ các nội dung phim hay trên Netflix, rao bán/chia sẻ tài khoản Netflix. Ngoài ra còn có các nội dung quảng cáo các thiết bị có tích hợp sẵn Netflix, chẳng hạn trên tivi thông minh.

Theo kết quả khảo sát của Hãng Q&Me, Netflix đang đứng thứ 2 thị trường Việt Nam với 23% thị phần, chỉ sau ứng dụng FPT Play (39%). 

Còn theo thống kê của App Annie - một công cụ nghiên cứu thị trường ứng dụng chuyên nghiệp dành cho các nhà phát triển, nổi tiếng toàn cầu, chỉ tính riêng trên điện thoại dùng hệ điều hành Android, Netflix hiện đang có 1,6 triệu người dùng dịch vụ tại Việt Nam, WeTV có hơn 630.000 người dùng, iQiYi có hơn 445.000 người dùng. 

Tuy nhiên, đây chỉ là các con số thống kê trên điện thoại Android, trong khi các dịch vụ nêu trên được dùng chủ yếu trên tivi thông minh, nghĩa là số người dùng tại Việt Nam thực tế của các dịch vụ nêu trên lớn hơn rất nhiều.

Cũng theo App Annie, các dịch vụ này đều có lượng người dùng gia tăng gần như đột biến kể từ thời điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành tại Việt Nam. Chẳng hạn, Netflix có lượng smartphone Android cài đặt lên đến 3,5 triệu vào tháng 4-2020 - thời điểm giãn cách xã hội tại Việt Nam.

Cơ quan chức năng phải dừng ngay hoạt động kinh doanh của tất cả các đơn vị, website lậu, OTT kinh doanh trái pháp luật VN. Để đảm bảo công bằng, các đơn vị cung cấp dịch vụ này cũng phải đóng thuế...

Ông Huỳnh Long Thủy (giám đốc điều hành Công ty CP VieON)

Không phép vẫn hoạt động công khai

Theo tìm hiểu, Netflix cũng như các dịch vụ truyền hình nêu trên đều cung cấp xuyên biên giới qua mạng Internet cho người dùng Việt Nam. 

Các dịch vụ này đều không xin phép cơ quan chức năng và cũng "bỏ qua" các quy định kiểm soát của cơ quan quản lý. 

Nội dung cung cấp của các dịch vụ truyền hình nêu trên chủ yếu là các thể loại phim, gồm cả phim tài liệu lịch sử; các chương trình trò chơi truyền hình, chương trình truyền hình thực tế, phóng sự điều tra... 

Tuy nhiên, nhiều nội dung bị cấm trình chiếu tại Việt Nam như các bộ phim: Rồng xanh (phim xuyên tạc chiến tranh Việt Nam), The Vietnam war (phim tài liệu nhìn phiến diện về chiến tranh Việt Nam) và Slender man (phim có nhiều cảnh bạo lực).

Bên cạnh đó là nhiều nội dung nhạy cảm khác như: Series Love, Death & Robots (nhiều cảnh yêu đồng tính, cảnh bạo lực), Savages (bạo lực, ma túy, sex), King Cobra (phim về đề tài đồng tính pornography), Bright night (quan hệ tình dục tập thể), Forrest Gump (sex, chiến tranh Việt Nam), Not another teen movie (cảnh nóng, bạo lực, phản cảm), Inglourious Basterds (bạo lực, cảnh nóng) và The Dirt (phim nhiều cảnh trụy lạc, ma túy)...

Ngày 28-8, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) đã có văn bản yêu cầu "Công ty Netflix tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam" sau khi truyền thông và cộng đồng mạng xã hội Việt Nam phát hiện thông tin sai lệch về chủ quyền Việt Nam xuất hiện trong phim Put your head on my shoulder phát trên dịch vụ Netflix (Netflix sau đó đã tuân thủ và gỡ bỏ đoạn phim vi phạm). 

Trước đó, cục cũng đã gửi công văn "cảnh báo nghiêm khắc Công ty Netflix về các nội dung truyền hình vi phạm pháp luật Việt Nam" đến đại diện công ty tại Singapore. 

Theo đó, cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu Netflix chấm dứt hoạt động chuyển ngữ tiếng Việt, gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên kho nội dung đang cung cấp đến người dùng Việt Nam.

Truyền hình qua mạng: Doanh nghiệp ngoại nhởn nhơ kinh doanh - Ảnh 3.

Doanh nghiệp nội thiệt đơn, thiệt kép!

Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình nội địa cho hay họ phải nộp thuế, khi đưa video lên dịch vụ OTT phải chịu kiểm duyệt nội dung kỹ. Việc hạn chế nội dung dẫn đến lượng người sử dụng dịch vụ giảm, thất thu... 

Chưa hết, còn có hiện tượng cạnh tranh bất bình đẳng do một số DN nước ngoài bán dưới giá thành.

Ông Huỳnh Long Thủy, giám đốc điều hành Công ty CP VieON, cho rằng việc các dịch vụ OTT xuyên biên giới thản nhiên vi phạm pháp luật về cung cấp dịch vụ nội dung tại VN, vi phạm Luật an ninh mạng... đang khiến các DN trong nước khó khăn, thậm chí không có khả năng thực hiện tôn chỉ, mục đích. 

"Chưa kể, đã từ lâu, sự tồn tại của các trang mạng bất hợp pháp (website lậu), hợp pháp nhưng chứa nhiều nội dung không có bản quyền và không qua kiểm duyệt đã hủy hoại sự phát triển của nền tảng truyền thông, ngành công nghiệp giải trí và sản xuất nội dung tại Việt Nam", ông Thủy nói.

Bà Tô Nam Phương, giám đốc dịch vụ truyền hình FPT, cũng cho biết trong khi các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới không tuân theo bất cứ quy định nào của nước sở tại, ngược lại để được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ, tất cả các nội dung DN Việt phải thông qua kiểm duyệt và được Việt hóa bằng ngôn ngữ tiếng Việt... 

Điều đó khiến thời gian đưa nội dung tiếp cận thị trường chậm hơn, chi phí cũng tốn kém hơn.

Ông Thủy kiến nghị cơ quan chức năng phải dừng ngay hoạt động kinh doanh của tất cả các đơn vị, website lậu, OTT kinh doanh trái pháp luật Việt Nam. Để đảm bảo công bằng, các đơn vị trên cũng cần đóng thuế đối với doanh thu phát sinh từ việc cung cấp dịch vụ tại Việt Nam...

13,8 triệu thuê bao dịch vụ truyền hình trả tiền

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, hiện Việt Nam có 35 DN cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, cung cấp đủ 5 loại hình dịch vụ gồm: truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, truyền hình di động và truyền hình trên mạng Internet.

Trong đó có 21 DN trong nước đang kinh doanh dịch vụ truyền hình theo yêu cầu (là một phần của nội dung trên dịch vụ truyền hình Internet), với những dịch vụ nổi bật như: FPT play, MyTVnet, MyK+, Onme, On...

Tính đến hết tháng 9-2020, số lượng thuê bao phát sinh cước phí hằng tháng của dịch vụ truyền hình trả tiền là 13,8 triệu, trong đó có 10 triệu thuê bao truyền hình cáp, 200.000 thuê bao truyền hình mặt đất, 1 triệu thuê bao truyền hình số vệ tinh, 1 triệu thuê bao truyền hình Internet và khoảng 480.000 thuê bao truyền hình di động.

Số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền hiện đã tăng 27% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh thu năm 2019 của toàn thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam ước đạt 8.600 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của truyền hình trả tiền tại Việt Nam đạt 4.400 tỉ, tăng 4,37% so với cùng kỳ năm ngoái. (T.HÀ)

Yêu cầu Netflix kê khai để truy thu thuế trong 3 nămYêu cầu Netflix kê khai để truy thu thuế trong 3 năm

TTO - Tổng cục Thuế đã phối hợp với Cục Phòng chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước và yêu cầu Netflix thống kê doanh thu trong 3 năm từ khi vào VN để truy thu thuế.

Xem thêm: mth.74890331280110202-hnaod-hnik-ohn-nohn-iaogn-peihgn-hnaod-gnam-auq-hnih-neyurt/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Truyền hình qua mạng: Doanh nghiệp ngoại nhởn nhơ kinh doanh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools