Gói hỗ trợ lần hai 'nhắm' hàng không, du lịch?
Lan Nhi
(TBKTSG Online) - Những bài học rút ra từ gói hỗ trợ kinh tế 62.000 tỉ đồng cho thấy, việc hỗ trợ trúng đích các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề vì đại dịch cần hơn là kiểu gói hỗ trợ cào bằng.
Dịch bệnh đã làm "đổ gục" ngành hàng không, phải mất rất nhiều năm mới có thể phục hồi nếu tồn tại được Ảnh : khai báo Y tế tại sân bay Đà Nẵng-Cục hàng không |
Thực tế ngân sách chưa phải bỏ tiền hỗ trợ?
Hồi tháng 8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện tổng kết việc thực hiện gói hỗ trợ kinh tế trị giá 62.000 tỉ đồng mà Chính phủ ban hành hồi tháng 4 nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được 11.000 tỉ đồng. Kết quả này là thước đo khá cụ thể việc hỗ trợ không trúng đích. Với lý do: thủ tục giải ngân quá phức tạp, các bộ, ngành, cơ quan e ngại trách nhiệm, đùn đẩy giải ngân. Hơn nữa, chính sách được ban hành nhiều nhưng mức độ hỗ trợ thấp nên cũng không mang lại giá trị bao nhiêu cho doanh nghiệp. Các chính sách giãn, giảm thuế không hoặc rất ít tác dụng vì các doanh nghiệp thua lỗ không phát sinh số thuế để nộp...
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua đã đi đến Nghị quyết là Chính phủ cần thực hiện gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai trúng đích và hiệu quả hơn thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ. Bằng không, doanh nghiệp tiếp tục chìm trong khủng hoảng vì dịch bệnh và chi phí tái cấu trúc để phục hồi sẽ rất đắt so với chi phí hỗ trợ nếu thực hiện đúng thời điểm.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khẳng định là trên thực tế Ngân sách Nhà nước năm nay hầu như chưa phải bỏ ra đồng nào để thực hiện gói cứu trợ lần thứ nhất. Mặc dù theo tính toán thì gói này ước khoảng 3-3,5% GDP. Vì năm 2019, Chính phủ vượt thu được 10% (cỡ khoảng 139.770 tỉ đồng), cộng với tiết kiệm 10% chi thường xuyên từ các khoản mục được một số tiền không nhỏ nữa. Toàn bộ số tiền này nếu bỏ vào việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chống dịch thì không nhiều vì gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỉ đồng, thực tế giải ngân chỉ là 11.000 tỉ đồng.
Việc đưa ra gói hỗ trợ lần thứ hai là không thể chần chừ do các doanh nghiệp có quy mô lớn như hàng không, du lịch, nhà hàng, dịch vụ bị ảnh hưởng dây chuyền đang trên bờ vực phá sản.
Chuyên gia kinh tế của ngân hàng BIDV Cấn Văn Lực cũng đề nghị rằng, gói hỗ trợ lần thứ hai nhất định phải thực hiện càng sớm càng tốt vì dịch bệnh không có dấu hiệu phục hồi trên toàn cầu. Đầu tiên là phải giúp doanh nghiệp phục hồi với kế hoạch phân bổ theo liều lượng và thời gian sao cho có hiệu quả, giúp doanh nghiệp tăng khả năng chống đỡ lâu dài hơn chứ không phải hỗ trợ cho có. Nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn đã suy yếu về dòng tiền, âm về thanh khoản với hàng ngàn lao động.
Chỉ đích danh nhóm doanh nghiệp cần nhận hỗ trợ khẩn cấp
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay đã hoàn tất dự thảo về Gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai. Theo đó, ngoài đề xuất việc hỗ trợ bằng tiền cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hoặc miễn một số phí không cần thiết cho doanh nghiệp, Bộ này đã chỉ đích danh các nhóm doanh nghiệp cần hỗ trợ khẩn cấp như hàng không, du lịch do dịch Covid-19 tác động quá mạnh làm giảm sâu doanh thu, thiếu hụt dòng tiền và khả năng phá sản doanh nghiệp rất lớn. Bộ này nhận định rằng, nếu không có biện pháp đặc thù thì hệ lụy xảy ra là không thể đỡ được, kéo theo hàng chục ngàn lao động/doanh nghiệp mất việc làm.
Cơ quan thiết kế chính sách cũng lấy kinh nghiệm từ nhiều quốc gia ban hành các gói hỗ trợ dành riêng cho hàng không như Mỹ (58 tỉ đô la), Đức (9 tỉ euro mua cổ phần hãng Lufthansa...) để bảo vệ doanh nghiệp, tránh người lao động mất việc làm.
Bộ cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho phép Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nay là một công ty con của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mua cổ phần trị giá 12.000 tỉ để tăng vốn nhà nước tại Vietnam Airlines hay bảo lãnh các khoản vay cho doanh nghiệp hàng không theo cơ chế đặc thù nhằm giúp Vietnam Airlines và các hãng khác vượt ra khỏi khủng hoảng (kéo dài chưa biết thời điểm dừng).
Chính phủ vẫn cần tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc giảm giá cất, hạ cánh, giá dịch vụ điều hành bay, giá tối thiểu, giảm sâu 70% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay thay đối với các doanh nghiệp hàng không sang cuối năm 2021 vì kết thúc năm 2020 như đã thực hiện.
Đối với ngành du lịch, tổng thiệt hại năm nay lên tới 60 tỉ đô la về doanh thu, Bộ KH-ĐT đề nghị giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp (mỗi doanh nghiệp từ 150 triệu đến 250 triệu đồng). Mặt khác điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở du lịch đến hết năm 2021 và duy trì các biện pháp gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất của các doanh nghiệp hàng không, du lịch.
Sự phục hồi của hàng không sẽ tạo điều kiện tiên quyết cho các ngành có liên quan trực tiếp như du lịch và các ngành gián tiếp khác do vai trò “cầu nối phục hồi các đứt gãy về kinh tế”. Vậy nên, nếu gói kích thích kinh tế lần 2 không có chỗ cho hàng không và du lịch thì mục tiêu trúng đích của hỗ trợ sẽ còn xa.
Xem thêm: lmth.-hcil-ud-gnohk-gnah-mahn-iah-nal-ort-oh-iog/814013/nv.semitnogiaseht.www