Hôm nay, 9-11, ông Ngọ Duy Hiểu (ĐBQH TP Hà Nội), hiện là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, đã tranh luận với ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) xung quanh câu chuyện về cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nói việc xử lý vi phạm ở trường Đại học Tôn Đức Thắng là toàn diện "công - tội". Ảnh: QH
“Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chỉ có Luật Viên chức và Nghị định hướng dẫn thi hành luật mới quy định trình tự, thủ tục thẩm quyền, thời hiệu, thời hạn và các hình thức xử lý kỷ luật. Còn các luật chuyên ngành như Luật Giáo dục đại học không có quy định về điều này” - ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mở đầu phần tranh luận chiều 9-11.
Theo ông Hiểu, tại các Điều 52-56 của luật Viên chức; khoản 1, Điều 14 Nghị định 27/2012 (nay là nghị định 112/2020) quy định vấn đề xử lý, kỷ luật viên chức quy định thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức, như sau: Đối với viên chức, cụ thể trường hợp ông Lê Vinh Danh, Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan bổ nhiệm lại năm 2014, đến nay Trường Đại học Tôn Đức Thắng chưa thành lập được Hội đồng trường theo luật mới vì lý do khách quan, chủ quan như Phó Thủ tướng (Vũ Đức Đam – PV) đã nêu.
Luật Giáo dục Đại học quy định thẩm quyền Hội đồng trường là quyết định và trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng đại học công lập. Trong trường hợp trường Đại học Tôn Đức Thắng, Tổng LĐLĐ không bãi nhiệm, miễn nhiệm mà chỉ thực hiện thi hành kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Theo quy định pháp luật, các hình thức kỷ luật chỉ có bốn hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc, không có hình thức nào là bãi nhiệm, miễn nhiệm.
“Trường hợp ông Lê Vinh Danh, Tổng Liên đoàn lựa chọn hình thức cách chức” - ông Hiểu thông tin.
Ông Hiểu cho rằng: Việc xử lý vi phạm ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng thì các lãnh đạo Tổng Liên đoàn đã thực hiện công bằng, khách quan, chặt chẽ, thận trọng đánh giá toàn diện công và tội nhằm tiếp tục duy trì phát triển lành mạnh bền vững của trường trên cơ sở xin ý kiến các cơ quan chức năng.
“Những năm qua Tổng LĐLĐ đã tạo điều kiện tối đa để trường tự chủ nên đã đạt được những kết quả nổi bật mà Quốc hội đã biết đến. Tuy nhiên tự chủ phải trên cơ sở tuân thủ pháp luật và trách nhiệm giải trình. Chúng tôi ý thức rằng phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên như vậy xử lý vụ việc theo đúng quy định” - ông Hiểu dứt tranh luận.
Chính phủ sẽ công minh, ủng hộ tự chủ Cách đây ba ngày, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đã chất vấn và sau đó tranh luận với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về vấn đề này. ĐB Vân cho rằng: Tổng LĐLĐ Việt Nam khi cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh là trái luật Giáo dục Đại học. ĐB Vân không đồng tình với giải thích của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc Hội đồng trường Tôn Đức Thắng đã bị giải thể nên Tổng LĐLĐ Việt Nam có quyền cách chức hiệu trưởng trường này. Hôm nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói trước Quốc hội một lần nữa về vụ Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ông Vân nói: “Trong phát biểu của tôi hôm trước đã rất cụ thể. Đây là việc không chỉ đơn giản liên quan đến một câu, một chữ, một từ, một điều mà là là quyết định có ý kiến khác nhau”. Ông cho biết đã trao đổi với Bộ Tư pháp nhiều lần và khi chưa rõ ràng thì Chính phủ hết sức trách nhiệm, không hề lơ là nhưng phải rất cẩn trọng, đúng quy định. “Chính phủ, Thủ tướng lập một đoàn công tác có Bộ Tư pháp vào xem xét, phân tích, báo cáo. Chắc chắn, sau báo cáo này chúng tôi họp lại, có cả Bộ Tư pháp và sau đó sẽ công khai, minh bạch cho toàn dân biết. Nhưng tinh thần Chính phủ sẽ rất công minh, ủng hộ tự chủ, tạo điều kiện ủng hộ cho trường phát triển” - Phó Thủ tướng kết luận về việc ở Đại học Tôn Đức Thắng. |