- Bộ Công an kiên quyết trong xử lý các sai phạm, tiêu cực
- 10 ưu điểm nổi bật trong dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ
Sẽ xử lý hình sự hành vi sử dụng giấy tờ giả
Chiều 9/11, trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Thị Bình Thuận về xử lý tình trạng làm/sử dụng giấy tờ giả, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện nay, tình trạng làm giấy tờ giả khá phổ biến. Các đối tượng đã giả mạo các trang web, lập zalo, facebook để quảng bá làm giấy tờ giả công khai. Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng chức năng triệt phá hàng loạt vụ, băng nhóm, đường dây làm giấy tờ giả, trong đó có những vụ quy mô rất lớn, thu giữ khoảng 1.500 các tài liệu, giấy tờ giả, mẫu dấu và các loại máy móc, thiết bị để sản xuất các loại giấy tờ này.
“Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận có thể thực hiện tất cả các công đoạn làm giả từ chế tạo phôi bằng, con dấu đến chữ ký, đóng dấu lên tài liệu. Chúng nhận làm tất cả các loại giấy tờ từ bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ chuyên môn, kể cả bằng Đại học, Y, dược, Giấy phép lái xe (GPLX), các giấy tờ, chứng chỉ để phục vụ cho đề bạt, tuyển dụng”. – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết và nhấn mạnh mục đích làm giả giấy tờ của các đối tượng thường chia thành 2 nhóm. Thứ nhất mục đích là lừa đảo. Nhóm thứ 2 là dùng để tuyển dụng cán bộ vào các cơ quan, tổ chức và đánh giá năng lực cán bộ.
Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm |
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, sẽ chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền khuyến cáo các cơ quan chức năng người dân về phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm làm giấy tờ giả và việc quảng cáo, mua bán giấy tờ giả trên Internet. Đề xuất các cơ quan rà soát phát hiện việc sử dụng văn bằng chứng chỉ giả để xử lý theo quy định pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn |
“Trước đây, những người sử dụng giấy tờ giả hầu như chỉ bị xử phạt hành chính ít xử lý hình sự. Đã đến lúc chúng ta phải tính toán việc xử lý hình sự hành vi này. Ví dụ, sử dụng GPLX giả lái xe gây tai nạn, bị xử về tội gây tai nạn giao thông nhưng vẫn phải xử lý hành vi sử dụng GPLX giả. Kể cả chưa gây tai nạn cũng bị xử lý. Trong cán bộ, công chức, trước đây, chỉ xử lý hành chính, thu hồi giấy tờ giả đó nhưng phải nghiên cứu đề xuất xử lý hành vi này”. – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, thời gian tới, lực lượng Công an sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, tiếp tục tập trung đấu tranh, bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm sản xuất, mua bán giấy tờ giả để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”
Trong những năm 2019 -2019, chúng ta đã trấn áp rất mạnh tội phạm liên quan đến tín dụng đen và đã đạt được kết quả rất quan trọng. “Hiện nay, theo chúng tôi đánh giá, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” đã được kiềm chế, nhiều chỗ tội phạm không còn hoạt động, dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, do nhu cầu vay lớn nên tội phạm “tín dụng đen” vẫn còn có đất để hoạt động, đặc biệt là cho vay qua internet.
Về các giải pháp đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, vẫn tiếp tục duy trì khí thế tấn công tấn áp mạnh đối với tội phạm “tín dụng đen” theo đúng Chỉ thị 12 của Chính phủ là phân công từng mảng nhiệm vụ.
Về pháp luật, đề nghị sớm có hướng dẫn giải quyết những khó khăn vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. “Tôi nói là, việc xử lý hình sự và dân sự về tội phạm tín dụng đen ranh giới mong manh. Quan hệ tín dụng thoả thuận mức lãi, thông thường là quan hệ dân sự đồng ý giữa bên vay và bên cho vay. Nhưng quá phạm vi của việc đó hoặc có dấu hiệu lừa đảo dẫn tới việc phạm tội hình sự mới là phạm vi xử lý hình sự. Trong hướng dẫn quy định pháp luật quy định mức lãi suất cao. Tuy nhiên, lãi suất cao chưa chắc đã là dấu hiệu phạm tội hình sự vì do hai bên thoả thuận với nhau như vậy. Chính vì vậy, trong xử lý tội phạm tín dụng đen có những khó khăn, vướng mắc” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thời gian tới, sẽ tổng kết và báo cáo về công tác này; đề nghị các ngân hàng tiếp tục đa dạng hoá hình thức cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay tiền, đồng thời xiết chặt nguồn tiền không để đối tượng vay rồi mang ra ngoài cho vay “tín dụng đen” và xây dựng các hành lang pháp lý để quản lý hoạt động cho vay qua mạng Internet.
3 khó khăn, vướng mắc trong đấu tranh với tội phạm ma tuý
Về tội phạm ma tuý, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, năm 2020, mặc dù có rất nhiều khó khăn do cách ly xã hội nhưng tội phạm ma tuý vẫn hoạt động rất mạnh, số liệu theo thống kê của Bộ Công an thì việc phát hiện, xử lý tăng 30% so với năm 2019, thu giữ trên 700kg heroin và hơn 4 tấn, 2,2 triệu viên ma tuý tổng hợp. Đây là số lượng rất lớn.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hiện nay, chúng ta có 3 thách thức trong đấu tranh với tội phạm này, đó là: áp lực ma tuý ở nước ngoài rất lớn, không chỉ sản xuất ở tam giác vàng mà có cả việc sản xuất ma tuý tổng hợp ngay ở trong nước. Có nghĩa là nguồn cung ma tuý hiện vẫn rất lớn. “Chúng tôi cũng đang tập trung xử lý nguồn cung, số lượng ma tuý thu giữ lớn như vậy nhưng mặt bằng giá cả chưa có biến động lớn, tức là chưa ngăn chặn được nguồn cung từ nước ngoài vào” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Thứ 2 là nhu cầu sử dụng ma tuý trong nước. Theo con số thống kê thì hiện nay cả nước có hơn 250 nghìn người nghiện có hồ sơ nhưng đây không phải con số thực tế. Như vậy, rõ ràng, công tác cai nghiện ma tuý đang có vấn đề Thứ 3 là khó khăn, vướng mắc pháp luật. “Vấn đề này, đã có Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị và Chính phủ đang đề nghị Quốc hội sửa Luật Phòng chống ma tuý để khắc phục trong thời gian tới.” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ trưởng cho biết lực lượng chức năng tiếp thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị; đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Phòng chống ma tuý. Bên cạnh đó, lực lượng Công an tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng để giải quyết nguồn cầu.
Xem thêm: /021916-aig-ot-yaig-gnud-us-iv-hnah-us-hnih-yl-ux-eS/us-ioht-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac