Hiện nay độ che phủ rừng đạt gần 42%, nhưng chủ yếu là diện tích rừng trồng. Các doanh nghiệp ký cam kết phát triển ngành gỗ bền vững.
Chiều 9.11, tham gia ký cam kết Phát triển ngành gỗ Việt Nam bền vững, các doanh nghiệp sẽ triển khai thực hiện hàng loạt vấn đề, trong đó, đặc biệt chú trọng thúc đẩy phát triển thị trường nội địa theo hướng sử dụng gỗ hợp pháp, đẩy mạnh thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ, kêu gọi chuyển đổi từ gỗ nguyên liệu đầu vào từ nguồn rủi ro nhập khẩu sang gỗ rừng trồng trong nước, sản phẩm gỗ từ rừng trồng, và từ gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro thấp.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam ban hành chính sách mua sắm công đồ gỗ theo hướng loại bỏ hoàn toàn các loại gỗ rủi ro cao ra khỏi các gói mua sắm công; ưu tiên các sản phẩm được làm từ gỗ rừng trồng.
Phát biểu tại buổi ký cam kết, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) nhấn mạnh:
Việt Nam có 14,6 triệu hecta rừng. Hiện nay, độ che phủ gần 42%. Mặc dù độ che phủ tiếp tục tăng, nhưng chủ yếu là do mở rộng diện tích rừng trồng, còn chất lượng của rừng tự nhiên vẫn tiếp tục giảm.
"Trong các diện tích rừng hiện tại của Việt Nam chỉ có 15% là giàu về trữ lượng, trong khi có tới 35% trong tổng số diện tích là rừng nghèo kiệt" - ông Đỗ Xuân Lập nêu thông tin, đồng thời chia sẻ: Hình ảnh nhiều cây gỗ được trôi theo dòng nước lũ và phủ kín trên mặt các hồ, sông suối là những hình ảnh trực diện mà bão lũ làm lộ thiên thực trạng rằng rừng tự nhiên của Việt Nam vẫn đang tiếp tục bị “rỗng ruột hóa".
Ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, hầu hết hoạt động của các doanh nghiệp thuộc ngành gỗ không phải là nguyên nhân gây ra mất rừng và suy thoái rừng bởi sản phẩm mà các doanh nghiệp sử dụng là gỗ rừng trồng, gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro thấp. Nhưng, doanh nghiệp có thể có vai trò gián tiếp. Hàng năm, nguồn gỗ tự nhiên, bao gồm cả nguồn gỗ khai thác lậu và gỗ nhập khẩu rủi ro cao vẫn được tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp có trách nhiệm làm thay đổi bằng việc ký Cam kết Phát triển ngành gỗ Việt Nam bền vững và có trách nhiệm. Theo đó, sẽ huy động đủ nguồn lực, thông qua việc hình thành Quỹ Vì một Việt Nam Xanh để triển khai các hoạt động đề ra trong cam kết.
Xem thêm: odl.259258-hnax-man-teiv-tom-iv-tek-mac-teik-oehgn-man-teiv-auc-gnur-hcit-neid-53/et-hnik/nv.gnodoal