Nút giao Bốn Tổng qua huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) đang được đẩy nhanh để hoàn thành đầu năm 2021 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như hạ tầng yếu kém do đầu tư chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Chính phủ, Thủ tướng khẳng định sẽ đặc biệt quan tâm và dành nguồn lực xứng đáng để đầu tư hạ tầng cho vùng.
Có kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình dự trữ nước ngọt sẽ được xây dựng 5 năm tới. Thủ tướng luôn luôn quan tâm vấn đề này, rất ưu tiên để phát triển vùng ĐBSCL ứng phó với hạn mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Sử dụng vốn để xây dựng hạ tầng
Việc thực hiện nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng có vai trò lớn trong kết nối vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ông Hòa băn khoăn: "Bộ trưởng đã có động thái gì để tham mưu Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện theo nghị quyết cho bà con vùng ĐBSCL được nhờ?".
Ông Nguyễn Chí Dũng cho hay theo nghị quyết 120, Bộ Kế hoạch và đầu tư được giao bốn nhiệm vụ là rà soát cơ chế điều phối vùng; lập quy hoạch cho vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Đồng thời xây dựng danh mục dự án đầu tư quan trọng và huy động, bố trí nguồn lực.
Đến nay bộ đã hoàn thành việc rà soát cơ chế điều phối vùng. Thủ tướng có quyết định thành lập hội đồng vùng và cơ chế điều phối vùng. Các danh mục dự án dự kiến đầu tư cũng đã được đánh giá và lựa chọn xong. Với vấn đề quy hoạch, ông Dũng cho hay tư vấn đang thực hiện, đến tháng 12 năm nay sẽ trình Chính phủ chính thức, Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ xem xét và báo cáo để cấp có thẩm quyền thông qua vào đầu năm 2021.
Để có nguồn lực thực hiện, ông Dũng cho hay trước hết Bộ Giao thông vận tải sẽ tính toán và thống nhất lo những tuyến quốc lộ, đặc biệt là đường cao tốc từ Cà Mau đến Bạc Liêu và Bạc Liêu đến Cần Thơ, hoàn thành từ nay đến năm 2025. Nguồn lực địa phương cũng được huy động trên cơ sở từ nguồn hỗ trợ của trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện dự án hạ tầng.
Đặc biệt, ông Dũng nhấn mạnh Thủ tướng cũng đã đồng ý tăng thêm cho ĐBSCL 2 tỉ USD trong giai đoạn tới. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng một dự án hỗ trợ của các nhà tài trợ thông qua ngân sách, khoảng 1,05 tỉ USD. Dự án hỗ trợ tập trung đầu tư, làm toàn bộ đường ven biển cho ĐBSCL, một số hồ nước ngọt như ở tỉnh An Giang và công trình giao thông quan trọng đối với một số tỉnh không có đường ven biển.
Ngân sách trung ương cũng hỗ trợ các dự án trọng điểm có tính chất liên vùng trên cơ sở mỗi địa phương sẽ được hỗ trợ một dự án động lực quan trọng nhất của tỉnh có tính liên vùng. Ngoài ra là các nguồn lực được huy động từ hợp tác đối tác công tư, vốn từ xã hội.
Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang thi công - Ảnh: CHÍ QUỐC
Bộ đã làm đến đâu để nông dân thích ứng biến đổi khí hậu?
Trước tác động của biến đổi khí hậu khiến tình trạng xâm nhập mặn và nước biển dâng diễn ra ngày càng phức tạp, đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi (Cần Thơ) đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về chiến lược đưa giống cây trồng và vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất.
"Bộ đã làm đến đâu để người nông dân có tâm thế chuẩn bị, tránh làm ô nhiễm môi trường, tăng khả năng chống chịu, thích ứng của người nông dân với biến đổi khí hậu ở từng vùng, miền?" - bà Nghi đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay để đảm bảo khai thác tiếp tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, cần xoay trục sản phẩm theo hướng mở rộng sản phẩm thích ứng và dựa vào quy luật thị trường. Chủ trương là sẽ thúc đẩy thủy sản, thúc đẩy trái cây, cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo, tập trung vào giống, ứng dụng công nghệ. Đơn cử như thủy sản có giống cá tra và tôm, lựa chọn 10 trái cây điển hình, lúa gạo sẽ cơ cấu theo hướng phù hợp với thị trường thế giới và thích ứng chịu hạn, chịu mặn…
Cùng với việc chủ động xây dựng cơ cấu cây trồng cho phù hợp, nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi liên quan đến kế hoạch xây dựng các hồ chứa nước ngọt cho vùng.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho hay nhiều cử tri quan tâm đến an toàn nguồn nước ngọt nên mong muốn Chính phủ nghiên cứu, xây dựng các hồ chứa nước ngọt lớn để trữ nước cho vùng. Từ đó có thể điều tiết khi thiếu nước ngọt trong mùa khô hạn, hạn chế khai thác nguồn nước ngầm, xem nước ngầm là tài nguyên cần gìn giữ cho tương lai.
Nâng cấp quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: CHÍ QUỐC
Đại biểu Huỳnh Minh Tuấn (Đồng Tháp) cho hay tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp khi ĐBSCL chỉ còn Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ là những tỉnh ít bị xâm nhập mặn nhất. Ông Tuấn đặt câu hỏi tới Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về giải pháp đột phá, thời gian và địa điểm thực hiện, phân vùng thực hiện.
Để chuẩn bị các hồ chứa lớn, đặc biệt những khu vực như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng cần phải sớm có một hệ thống về hạ tầng cấp nước, xử lý nước thải tập trung, tạo thuận lợi cho nông nghiệp thích ứng với các điều kiện nước. Đối với nước ngầm, ông Hà cho hay trước việc khai thác quá mức, cả về ô nhiễm và hạ thấp mực nước ngầm, cần phải có số liệu giám sát thường xuyên và khai thác để đảm bảo tính bền vững, thực hiện có hiệu quả nghị quyết 120, trọng tâm đầu tư các công trình cho vấn đề này.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh nguồn nước ngọt ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách. Do đó sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trực tiếp khu vực ĐBSCL đã tái cấu trúc gắn với điều kiện hạn mặn, phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở đó, tập trung rà soát quy hoạch vùng, lĩnh vực, hạ tầng giao thông, thủy lợi. Trong đó, quy hoạch các hồ chứa nước ngọt phù hợp với toàn vùng và từng địa phương để vừa cung cấp nước cho sản xuất vừa cung cấp nước cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt, giảm khai thác nước ngầm...
Ông Đỗ Thành Trung (vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư):
Dự án đầu tư phải xử lý vấn đề lớn của vùng
Hồ chứa nước ngọt Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Dự kiến thời gian tới Bến Tre sẽ xây dựng một hồ chứa nước khác lớn hơn hồ chứa nước hiện hữu - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Với kế hoạch đầu tư trung hạn phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết ưu tiên đầu tư cho vùng này, cộng với đó Chính phủ bố trí thêm nguồn lực 2 tỉ USD dự tính lấy từ nguồn ODA (vay nước ngoài). Hiện Bộ KH-ĐT đã đàm phán trao đổi với bên cho vay để thống nhất mục tiêu, truy xét nguồn lực và cơ chế tài chính. Như vậy, nếu chỉ cần có dự án cụ thể đủ điều kiện vay thì sẽ xây dựng các văn kiện dự án và đi vào đàm phán.
Việc đầu tư dự án không phải của một địa phương mà nhiều địa phương trong vùng cùng làm để lập tức tạo ra hành lang kinh tế, động lực phát triển mới cho vùng. Như vậy, quyết định danh mục dự án có vai trò rất lớn của hội đồng vùng.
Ngoài ra, việc đầu tư một số dự án hạ tầng vùng ĐBSCL đã có lộ trình như đầu tư đường cao tốc nối từ Lạng Sơn - Cần Thơ. Hiện nay đã đầu tư được tuyến nối từ TP.HCM xuống Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và sẽ mở tiếp xuống Cà Mau. Khi tuyến cao tốc hoàn thành sẽ đầu tư làm các tuyến đường từ các địa phương kết nối vào đường cao tốc, đồng thời hình thành tuyến đường ven biển. Khi đó sẽ tạo ngay trục giao thông rất tốt cho vùng.
Riêng tuyến đường ven biển còn kết hợp các công trình thích ứng biến đổi khí hậu và có tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt.
TIẾN LONG ghi
TTO - "Càng khó khăn, chúng ta càng phải quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để thực hiện tốt mục tiêu kép", Thủ tướng nêu rõ.
Xem thêm: mth.63034208001110202-lcsbd-gnat-ah-neirt-tahp-dsu-it-2-meht/nv.ertiout