Sáng 10-11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn. Một số bộ trưởng và Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình được dành thêm ít phút để trả lời các câu hỏi từ chiều 9-11 chưa được giải đáp.
Sau đó, nhiều đại biểu (ĐB) đã tiếp tục chất vấn.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói Tòa án tôn trọng xét xử độc lập và không có sự can thiệp. Ảnh: QH
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đặt câu hỏi với Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình về một vấn đề khá “nhạy cảm” đó là vấn đề chỉ đạo án, chỉ đạo HĐXX.
“Trong mấy năm gần đây, ngành Tòa án đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên để xây dựng một nền tư pháp văn minh hiện đại, phòng chống tiêu cực có hiệu quả, tôi xin hỏi đồng chí Chánh án TAND Tối cao như sau:
Trong hoạt động xét xử, đặc biệt các vụ án hành chính, còn có hiện tượng thẩm phán xin ý kiến lãnh đạo Tòa án không? Lãnh đạo Tòa án có chỉ đạo hành chính không phù hợp đến các quan hệ tố tụng không? Nếu có thì đồng chí xử lý thế nào?
Các giải pháp của Tòa đưa ra để hạn chế và loại bỏ hiện tượng tiêu cực đó nhằm thực hiện nghiêm Điều 102 Hiến pháp 2013 như thế nào?” - ĐB Thịnh đặt hàng loạt câu hỏi.
Theo quy định tại Điều 103, Hiến pháp 2013, thẩm phán, HĐXX độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nghiêm cấm cơ quan tổ chức, cá nhân can thiệp việc xét xử của thẩm phán và hội thẩm. ĐB Thịnh coi đây là một trong những điểm cốt lõi của cải cách tư pháp, cần phải hướng tới và đạt được.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời: “Trong án hành chính chúng tôi không có chỉ đạo HĐXX đối với tòa cấp dưới. Không chỉ đối với án hành chính và tất cả các loại án khác. Tòa án tôn trọng xét xử độc lập của cấp dưới, không có sự can thiệp”.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói thêm: “Còn có địa phương lúng túng về áp dụng pháp luật, hỏi trường hợp này áp dụng luật nào thì chúng tôi hướng dẫn cách áp dụng pháp luật khi có cách hiểu khác nhau về nội dung luật. Và trong hướng dẫn của tòa cấp trên đối với cấp dưới đều nói đây là tài liệu tham khảo, quyết định là do các thẩm phán. Còn chỉ đạo án phải có hồ sơ mang lên cùng nhau nghiên cứu chứ bằng một văn bản thì không thể xem là chỉ đạo”.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình còn khẳng định: “Chúng tôi không thể chỉ đạo án bằng một công văn mà phải nghiên cứu hồ sơ và phải là hồ sơ gốc. Cách mà bảo chỉ đạo án như thế là không đúng. Cái đó là thỉnh thị về mặt nghiệp vụ, hướng dẫn những vẫn đề còn cách hiểu khác nhau chứ không phải là chỉ đạo án như ĐB chất vấn”.
Cũng trong phiên này, ĐB Nguyễn Văn Pha chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình về vụ án ly hôn của vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ – Lê Hoàng Diệp Thảo.
Theo ĐB Pha, vụ ly hôn này đã qua hai cấp xét xử nhưng nhận định, quyết định chưa thuyết phục, đang bị VKSND Tối cao kháng nghị.
Trích ý kiến của cử tri, doanh nghiệp, ĐB Pha nói vụ này nếu làm không khéo có thể biến một con đại bàng thành con chim sẻ rồi hụt hơi trong chính vườn nhà, tác động rất lớn đến niềm tin của doanh nghiệp vào chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đối với nền kinh tế, doanh nghiệp tư nhân.
Tuy vậy sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng chất vấn này là về một vụ án ly hôn cụ thể nên bà đề nghị toà trao đổi thêm với ĐB Pha.